Tạp chí Mẹ và Con sẽ mách các mẹ những cách ứng xử thông minh sau khi ly hôn sau đây để dù “đường ai nấy đi” thì chúng ta vẫn giữ được sự văn minh và an yên cho chính mình nhé!.
Dần chấp nhận sự thật
Việc đầu tiên bạn làm sau khi ly hôn chính là dần chấp nhận rằng, mình không có hôn nhân hạnh phúc và may mắn như những người xung quanh bạn. Nhưng chính bạn là người đã chọn ký vào đơn ly hôn để đưa mình thoát khỏi cuộc hôn nhân nhàm chán này. Vậy đừng nên nghĩ quá nhiều về nó nữa. Hãy nhớ rằng, sau cơn mưa bạn sẽ được thấy cầu vồng. Biết đâu cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác hơn mở ra chào đón bạn?
Ly hôn không phải là chuyện xấu chuyện làm phạm pháp càng không phải ly hôn thì bạn đáng bị khinh ghét chê cười. Hãy chấp nhận sự thật và sống đúng với lý trí, lựa chọn của bạn.
Bình tĩnh suy xét vấn đề
Tan vỡ trong hôn nhân là điều không ai muốn. Nguyên nhân nào khiến hôn nhân của bạn đổ vỡ? Có thể có những lý do rất rõ ràng mà ai cũng nhìn thấy và lỗi đó có thể không thuộc về bạn. Ví dụ như anh ta là một người chồng vũ phu hay anh ta ngoại tình, mắc phải nhiều sai lầm khó tha thứ được. Nhưng cũng có thể việc ly hôn xuất phát từ những lý do rất đơn giản như: sau quá trình chung sống cả hai thấy không hợp nhau, tình cảm dần nhạt phai.
Người ta thường ví gia đình hạnh phúc là một “tổ ấm”, nhưng tại sao bạn còn cố gắng giữ một chiếc “tổ lạnh”. Vậy thì sau khi ly hôn bạn hãy bình tĩnh đánh giá và nhìn nhận thật kỹ mọi việc. Có thể bạn là nạn nhân của những cuộc bạo hành, nhưng bạn cũng có thể là nguyên nhân góp phần vào “sự đổ vỡ” của hôn nhân.
Chính vì vậy, bạn đừng đổ hết mọi lỗi lầm cho nửa kia hãy công bằng trong việc chia lỗi cho cả hai. Nên nhớ, có thể đó là người bạn đời không tốt của bạn nhưng vẫn có thể là cha/mẹ tốt của con bạn. Con trẻ không có tội lỗi gì. Bạn không quên quá khứ, nhưng hãy lấy đó làm bài học chứ không phải dùng nó để dằn vặt mình hay dằn vặt người khác.
Sau khi ly hôn hãy sống thật trọn vẹn cho bản thân
Cuộc hôn nhân của bạn kéo dài 5 năm, 10 năm thậm chí là hơn như thế… và suốt khoảng thời gian này bạn chỉ sống vì chồng vì con mà quên đi bản thân mình. Do đó, sau khi ly hôn bạn hãy thực hiện điều đó. Thay vì gặm nhấm nỗi đau của mình hàng ngày, tại sao bạn không tìm lại những ước mơ dang dở trong tuổi trẻ như” học một khóa học bổ sung kiến thức, tự mua cho mình một chiếc váy yêu thích, hay đơn giản hơn bạn có thể xách balo lên và khám phá một vùng đất mới… Hãy luôn yêu đời dù cho chuyện gì đã xảy ra với bạn, vì xét cho cùng chẳng ai yêu bạn bằng chính bản thân bạn đâu.
Lên kế hoạch sẽ làm gì kế tiếp
Sau khi ly hôn, chắc hẳn các bạn sẽ trải qua giai đoạn sốc tạm thời. Thậm chí có nhiều người (thường là phụ nữ) sẽ bi lụy, cảm thấy chông chênh không biết nương tựa vào ai. Thay vì sống không có mục đích như vậy các bạn hãy tập trung nhiều hơn vào sự nghiệp chăm lo cho con cái, bản thân… Tóm lại là bạn hãy chứng tỏ mình là con người độc lập, có thể sống vui sống khỏe trong mọi hoàn cảnh.
Đối với con cái
Nên ứng xử với con cái như thế nào sau khi hôn
Bạn nên thành thật với trẻ, vì trẻ rất nhạy cảm vì vậy đừng cố giấu giếm hoặc nói dối chúng. Hãy trả lời những câu hỏi của con bạn một cách khéo léo, ví dụ nên cho trẻ biết những điều nên biết và giữ bí mật những những chuyện cần thiết.
Giữ thái độ tích cực: Trẻ sẽ nhìn vào tấm gương của bạn mà noi theo. Thái độ tích cực, lạc quan của bạn sẽ ảnh hưởng đến thái độ, tình cảm của trẻ. Đặc biệt, khi trẻ phải sống với một người lúc nào cũng buồn bã, chán nản trẻ sẽ bị stress.
Nói với trẻ rằng bạn rất yêu chúng. Điều này rất cần thiết, nhất là sau khi ly hôn. Hãy luôn nhắc nhở con trẻ rằng, dù thế nào đi nữa, tình yêu của bạn dành cho chúng cũng không thay đổi, không có gì có thể khiến bạn thôi yêu thương chúng.
Lời nói và hành động của bạn phải nhất quán: Hành động bao giờ cũng gây tác động mạnh hơn lời nói, nhất là đối với trẻ. Tuy nhiên, do bạn đang bị tổn thương nên khó có đủ kiên nhẫn. Hãy cố gắng tạo sự nhất quán trong lời nói với hành vi, thái độ và thậm chí với ngôn ngữ cơ thể của bạn. Nếu cần, bạn có thể xa trẻ một thời gian để ổn định cảm xúc, tình cảm của chính mình.
Kiên nhẫn: Trẻ sẽ hỏi đi hỏi lại những câu hỏi mà bạn đã trả lời không biết bao nhiêu lần. Điều đó không có nghĩa là những câu trả lời của bạn chưa thấu đáo, đầy đủ. Trẻ con cần nghe đi nghe lại những thông tin để chúng có thể ghi nhớ trong đầu. Và chúng sẽ cảm thấy an tâm khi các câu trả lời mà chúng nhận được đều nhất quán với nhau.
Không nên làm gì với con sau khi ly hôn
Nói những điều tiêu cực về cha/mẹ chúng: là con của cả hai bạn nên khi nhận được những lời khuyên không mấy đẹp đẽ từ người kia sẽ khiến trẻ khó chấp nhận được. Đối với con trẻ, bạn hay nửa kia đều có ý nghĩa quan trọng.
“Đánh trống lảng” khi trẻ đặt câu hỏi: Hãy tôn trọng nhu cầu được đặt câu hỏi và trò chuyện của trẻ. Điều này là tự nhiên, bạn không nên lẩn tránh hoặc từ chối trả lời. Không nên nói với trẻ những điều không cần thiết – Không cần cho trẻ biết rõ những nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự đổ vỡ.
Không nên lôi kéo con về phía mình: Bất kể người bạn đời trước đây có tệ hại thế nào thì con bạn cũng vẫn cần được giữ mối liên hệ với họ. Bạn nên giúp trẻ tiếp tục duy trì mối quan hệ đó sau khi ly hôn. Hãy chia sẻ những cảm xúc tiêu cực của bạn về người kia với bạn bè của mình thay vì với con trẻ. Trẻ em chỉ nên tiếp xúc với C để chúng sống đúng với độ tuổi của mình là không âu lo.
Không nên nói về khoản tiền trợ cấp nuôi con: Đó là chuyện của người lớn và liên quan đến pháp luật. Vì vậy, không nên phàn nàn trước mặt trẻ khi bạn chưa hoặc không nhận được khoản tiền trợ cấp nuôi con của cha/ mẹ chúng hàng tháng. Điều đó chỉ mang lại những suy nghĩ tiêu cực nơi trẻ
Những lưu ý bạn cần ghi nhớ khi không ở cùng con sau khi ly hôn
Hãy lên lịch gặp con đều đặn và cố gắng không lỡ hẹn. Đừng quên rằng những cuộc gặp này rất quan trọng đối với con. Bạn đừng để con bạn trông chờ mỗi cuộc hẹn dù bạn và chúng ở rất gần nhau. Tuy vậy, thăm nom quá thường xuyên (so với thỏa thuận) cũng không nên, bởi con dễ nuôi ảo tưởng về chuyện tái hợp giữa bố và mẹ để rồi sau đó lại thất vọng.
Đừng vì mặc cảm tội lỗi mà sắm vai “bà tiên, ông bụt” luôn chiều ngay theo mọi ý thích “quá đáng” của con. Trẻ được nuông chiều quá mức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính cách sau này của trẻ, hơn nữa còn làm hỏng mỗi quan hệ của cả bố/mẹ và con.
Khi đến chỗ bạn ở, con cũng cần “nhập gia tùy tục”, tôn trọng nề nếp gia đình mới của bạn và thậm chí nếu ở lại chơi lâu dài con cũng cần có những bổn phận nhất định. Về phần bạn, cần lưu ý tế nhị trong cư xử với chồng mới trước mặt con. Con có thể sẽ “ghen” thay bố/mẹ của nó đấy.
Hãy để con hiểu rằng dù không ở cùng con, bạn vẫn có trách nhiệm dạy dỗ con, luôn sẵn sàng lắng nghe con, chia sẻ với con mọi điều và là chỗ dựa tinh thần vững chắc của con.
Sau khi ly hôn chắc hẳn bạn sẽ có những lúc thấy mình chông chênh không có điểm tựa, nhưng hãy nhớ rằng có hàng vạn “cánh cửa” phía trước đang chờ bạn mở ra khám phá. Mẹ và Con tin rằng, lựa chọn của bạn luôn có lý do và chắc rằng bạn sẽ tìm được bến đỗ mới vững chắc hơn.