Phụ nữ tiền mang thai cần bổ sung những loại vitamin nào thì tốt cho sức khỏe nói chung và thai kỳ nói riêng? Cùng tìm hiểu ngay với Tạp chí Mẹ và Con bạn nhé!
Những loại vitamin phụ nữ tiền mang thai cần bổ sung
Liên đoàn sản phụ khoa quốc tế (FIGO) khuyến cáo, trước khi mang thai phụ nữ cần bổ sung các loại vitamin như vitamin E, canxi, sắt, kẽm,…
Acid folic (Vitamin B9)
Với phụ nữ tiền mang thai, cần bổ sung acid folic (vitamin B9). Đây là một loại vitamin thuộc nhóm vitamin B. Acid folic có vai trò trong việc hình thành, tạo mới tế bào.
Người trưởng thành cần trung bình khoảng 3mcg/kg trọng lượng cơ thể, tức 180 – 200mcg/ngày. Còn với phụ nữ mang thai thì cần bổ sung nhiều acid folic hơn, cụ thể cần đáp ứng hàm lượng 400mcg/ngày.
Phụ nữ tiền mang thai nên chủ động bổ sung đầy đủ vitamin B9 để tránh tình trạng thiếu máu, sinh non, nhẹ cân và sảy thai trong thai kỳ. Hơn nữa, việc bổ sung acid folic cũng đóng vai trò giúp hạn chế được tình trạng khuyết tật ống thần kinh thai nhi (nứt đốt sống và thoát vị não).
Do tình trạng ống thần kinh không đóng kín và không hoàn thiện xảy ra vào ngày thứ 28 sau khi thụ thai nên tốt nhất cần bổ sung vitamin B9 trước giai đoạn mang thai thì mới có hiệu quả dự phòng. Những bà mẹ khi bắt đầu mang thai nhưng có nồng độ acid folic trong máu thấp thì nguy cơ trẻ sơ sinh bị nứt đốt sống sẽ cao hơn.
Để bổ sung acid folic, phụ nữ tiền mang thai nên xây dựng thực đơn ăn uống hằng ngày có các loại rau màu xanh lá thẫm, các loại đậu, gan động vật… Ngoài ra, có thể dùng thêm acid folic dạng viên uống nếu cần thiết.
Sắt
Phụ nữ tiền mang thai nên bổ sung các vitamin và khoáng chất gì? Đó chính là sắt! Sắt là một thành phần chính yếu giúp tạo nên hemoglobin – thành phần của hồng cầu. Khi mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng đến 50% nên rất dễ bị thiếu máu.
Vì thế, phụ nữ tiền mang thai nên chủ động bổ sung sắt, dự phòng tình trạng thiếu máu thiếu sắt gây nên những hậu quả nặng nề như:
- Đối với mẹ: Nguy cơ sảy thai cao, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, nhau tiền đạo, nhau bong non, ối vỡ sớm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản.
- Đối với con: Trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non, dễ mắc những bệnh lý sơ sinh hơn so với trẻ không bị thiếu máu, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng cao hơn.
Vậy phụ nữ tiền mang thai nên bổ sung sắt như thế nào thì phù hợp? Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trước khi mang thai và trong thai kỳ, nên cố gắng bổ sung 60mg sắt/ngày và duy trì đến sau 1-2 tháng kể từ thời điểm sinh con.
Khi bổ sung sắt, cần lưu ý tránh dùng trà hay cà phê vì các loại thức uống này sẽ làm giảm hấp thụ sắt. Ngoài ra, nên kết hợp với chế độ ăn giàu chất xơ và vitamin C để tăng khả năng hấp thụ sắt đến mức tối đa.
Canxi
Với phụ nữ tiền mang thai và mang thai thì việc bổ sung canxi cực kỳ quan trọng bởi canxi sẽ giúp xương, răng, hệ thần kinh, tim và các cơ,… của thai nhi được hình thành và phát triển tốt nhất. Trước khi có ý định mang thai thì phụ nữ đã phải cần bổ sung 800mg canxi mỗi ngày trong vòng 3 tháng để giúp mẹ và bé khỏe mạnh trong suốt thai kỳ.
Các thực phẩm giàu canxi mà phụ nữ tiền mang thai có thể bổ sung bao gồm: sữa, sữa chua, phô mai, các loại hạt, cải xoăn, đậu phụ,…
Vitamin D
Một trong những nhóm chất mà phụ nữ tiền mang thai cần bổ sung đó chính là vitamin D. Thiếu hụt vitamin D sẽ khiến cơ thể chậm hấp thu các khoáng chất như photpho hay canxi từ thực phẩm.
Vì thế, nếu có kế hoạch mang thai, phụ nữ nên chủ động sử dụng viên uống bổ sung vitamin D với liều lượng 10mcg/ngày. Ngoài ra, có thể lựa chọn thêm các loại thực phẩm như sữa, cá, trứng, sò, nấm, ngũ cốc,…
Omega-3
Phụ nữ tiền mang thai nên bổ sung những vitamin và khoáng chất nào? Theo đó, nên chú ý bổ sung axit béo omega-3 cho cơ thể, đặc biệt là Eicosapentaenoic axit (EPA) và Docosahexaenoic (DHA). Các axit béo này sẽ đóng vai trò giảm nguy cơ sinh non, hạn chế trầm cảm sau sinh và kích thích não bộ trẻ sơ sinh phát triển.
Một số nhóm thực phẩm giàu axit béo omega-3 bao gồm cá hồi, cá thu, cá trích, hạt óc chó,… Ngoài thực phẩm, bạn cũng có thể cân nhắc dùng các loại thực phẩm chức năng có chứa omega-3.
Kẽm
Kẽm có chức năng tăng chất lượng trứng và giúp duy trì dịch nang trong ống dẫn trứng. Phụ nữ tiền mang thai nên bổ sung kẽm để tăng khả năng thụ thai do kẽm tạo môi trường thuận lợi cho trứng và tinh trùng gặp nhau.
Hơn nữa, phụ nữ tiền mang thai cũng nên bổ sung kẽm để hạn chế tình trạng sảy thai, sinh non, thai chết lưu,… trong thai kỳ. Tốt nhất nên bổ sung hàm lượng 8mg kẽm mỗi ngày.
Vitamin E
Nên bổ sung vitamin E khi chuẩn bị mang thai để cải thiện tình trạng niêm mạc tử cung mỏng, từ đó tăng cơ hội thụ thai. Không chỉ vậy, việc bổ sung vitamin E còn giúp màng túi ối dày hơn, bảo vệ túi ối khỏi nguy cơ vỡ túi ối, từ đó che chở cho thai nhi trong tử cung tốt hơn.
Theo đó, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần bổ sung hàm lượng vitamin E 15mg/ngày. Không nên dùng nhiều hơn bởi việc lạm dụng vitamin E có thể gây rối loạn tiêu hóa, khiến bạn cảm thấy đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy, viêm ruột hoại tử,…
Bổ sung vitamin trước khi mang thai bao lâu?
Với phụ nữ tiền mang thai, đang có ý định mang thai nên chủ động bổ sung các dưỡng chất cần thiết tối thiểu 3 tháng trước khi có kế hoạch mang thai. Như vậy có thể đảm bảo đủ vi chất theo nhu cầu của cơ thể trong giai đoạn thai kỳ, giúp hạn chế được những nguy hiểm về sức khỏe cho mẹ và bé.
Việc tuân thủ một chế độ dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm giàu vitamin cần thiết sẽ giúp phụ nữ tiền mang thai có thai kỳ khỏe mạnh. Nếu đang có kế hoạch mang thai, hãy chủ động bổ sung các nhóm vitamin và dưỡng chất kể trên bạn nhé