Mẹ và Con - Bé nhà bạn đột nhiên bỏ bú? Trên lợi xuất hiện đốm trắng khiến bé quấy khóc khó chịu? Đây là một trong những biểu hiện của nanh sữa trẻ sơ sinh. Bài viết dưới đây hẳn là rất hữu ích cho mẹ.

Bạn phát hiện ra bé sơ sinh nhà mình có một “chiếc răng” kỳ lạ. Với lứa tuổi của bé hẳn là sẽ chưa có răng sữa. Vậy phần cộm cộm, nhô lên trên hàm của bé là gì? Cùng Tạp chí Mẹ và Con khám phá nhé!

Nanh sữa trẻ sơ sinh là gì ?

Dân gian thường gọi nanh sữa là đẹn để chỉ những đốm trắng trên lợi của trẻ vì nghĩ rằng do trẻ dư canxi hay vệ sinh răng miệng không tốt dẫn đến bị nấm. Trên thực tế, nanh sữa hay còn gọi là nang lợi, là một loại tổn thương lành tính của niêm mạc miệng ở trẻ sơ sinh. Tên khoa học của chúng là Gingival Cyst of Newborn hay Dental Lamina Cyst, nghĩa là nang lá răng.

Nanh sữa thực chất là một loại nang có vỏ mỏng chứa keratin do các mảnh vụn tế bào hình thành răng sữa còn sót lại ở xương hàm. Ngoài ra, nanh sữa trẻ sơ sinh còn có thể là mảnh vụn của các tế bào tuyến nước bọt phụ.

Thông thường, những tổn thương này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn và thường biến mất sau 2 tuần đến 5 tháng sau khi sinh mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, nanh sữa gây ra nhiều phiền toái, khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, thậm chí là bỏ bú, sốt nhẹ…

Nanh sữa trẻ sơ sinh
Nanh sữa trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây ra nanh sữa

Trước khi tìm hiểu nanh sữa trẻ sơ sinh có nguy hiểm không, bạn cần tìm hiểu về cơ chế sản sinh nanh sữa.

Trong quá trình hình thành răng sữa, mảnh vụn tế bào chứa đầy sản phẩm của biểu mô sừng hóa sót lại ở xương hàm tạo nên nanh sữa. Những chiếc nang này có vỏ mỏng và chứa đầy keratin. Nếu nanh sữa xuất hiện ở vòm miệng thì đó là do mảnh vụn của các tế bào tuyến nước bọt phụ bị vùi kẹt dưới niêm mạc trong thời kỳ bào thai.

– Nguyên nhân thứ hai khiến cho nanh sữa hình thành xuất phát từ quá trình chuẩn bị cho răng sữa xuất hiện khi bé còn là thai nhi. Lúc đó, chúng chỉ là những mầm răng sẽ tiêu biến khi một chiếc răng thực thụ xuất hiện. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó biểu mô lá răng không mất đi nên tạo thành nanh sữa.

Có thể mẹ chưa biết: Sâu răng sữa ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Biểu hiện của nanh sữa trẻ sơ sinh

Thường thì nanh sữa rất dễ được phát hiện vì chúng có biểu hiện lâm sàng gồm một hay nhiều nốt trắng hoặc vàng nhạt dưới bề mặt niêm mạc lợi hàm trên và cả hàm dưới của trẻ. Mỗi nang có kích thước từ 2-3mm, trường hợp to có thể lên đến hàng cm. Bản chất của nanh sữa trẻ sơ sinh là những tổn thương lành tính nên sẽ tự tiêu biến trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, nanh sữa không tự tiêu mà bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Khi đó, trẻ sẽ có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú. Kiểm tra miệng, mẹ sẽ thấy có những quầng đỏ xung quanh niêm mạc trắng trên lợi. Lợi sẽ bị sưng, thậm chí là bị loét do sang chấn. Lúc này trẻ có thể bị sốt nhẹ và lừ đừ, mệt mỏi…

Một số trường hợp khá hiếm gặp nanh sữa trẻ sơ sinh là những chiếc răng sữa có cấu trúc chưa hoàn chỉnh nên gây đau cho mẹ và rất dễ tự rụng ra trong quá trình trẻ bú gây nguy hiểm cho đường thở.

Biểu hiện của nanh sữa trẻ sơ sinh

Cách xử lý nanh sữa

Như mẹ đã biết ở trên, nanh sữa là tổn thương lành tính thường gặp ở khoảng 50% trẻ mới sinh và tự mất đi khi trẻ được 5 tháng tuổi, có trường hợp muộn hơn là 8 tháng tuổi.

Vì thế, với những biểu hiện nanh sữa trẻ sơ sinh như Tạp chí Mẹ và Con đề cập ở trên, bạn không nên quá lo lắng. Tốt nhất là theo dõi trẻ sát sao, nhất là khi cho trẻ bú xem nanh sữa có ảnh hưởng nhiều đến trẻ hay không, trẻ có đau đớn vì chúng hay không.

Nếu trẻ vẫn ổn, mẹ nên chú ý vệ sinh răng miệng trẻ thật kỹ, tốt nhất là vệ sinh miệng trẻ sau khi bú mẹ bằng bông mềm có thấm nước muối pha loãng.

Trong trường hợp trẻ có biểu hiện bị nhiễm khuẩn ở nanh sữa gây đau đớn, khó chịu, bạn cần đưa bé đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được trích bỏ nang hay nhổ nanh. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành bôi thuốc tê giảm đau và dùng dụng cụ sắc làm rách vỏ nang để cho keratin tự giải phóng ra bên ngoài.

Sau khi rạch xong, trẻ không cần phải nhập viện hay ở lại theo dõi vì vết rạch này rất nông, sẽ tự lành sau 1-2 ngày.

Những lưu ý cho mẹ khi chăm sóc bé 

– Nanh sữa trẻ sơ sinh hình thành một cách rất tự nhiên và thường không gây nguy hiểm cho trẻ. Vì thế, mẹ không cần quá lo lắng khi chúng xuất hiện mà cần phải biết cách xử lý sao cho an toàn nhất.

– Để đảm bảo môi trường miệng của trẻ luôn sạch sẽ, đề phòng vi khuẩn gây viêm nanh sữa trẻ sơ sinh, mẹ nên vệ sinh hàng ngày cho trẻ bằng nước muối pha loãng và bông mềm khoảng 1-2 lần/ngày. Tốt nhất là ngay sau khi bé ngủ dậy hay bé bú.

– Tuyệt đối không áp dụng theo cách dân gian như thoa cỏ nhọ nồi lên nướu của trẻ khi thấy có nanh sữa để tránh gây nhiễm trùng và trẻ nuốt phải các loại thuốc lạ.

– Nanh sữa sau khi xử lý ở các bác sĩ chuyên khoa sẽ có thể tái phát ở vị trí khác. Vì thế, mẹ nên theo dõi con cẩn thận để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Những lưu ý cho mẹ khi chăm sóc bé 

Nanh sữa trẻ sơ sinh có gây ra vàng da?

Có rất nhiều mẹ cho rằng sự xuất hiện của nanh sữa chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị vàng da. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng, nanh sữa và vàng da không có mối quan hệ gì mới nhau cả.

Bởi lẽ, vàng da là bệnh khiến cho da và lòng trắng trong mắt của trẻ có màu vàng và thường xuất hiện trong khoảng 5 ngày đầu tiên khi bé chào đời. Vàng da sơ sinh là biểu hiện cho thấy cơ thể trẻ có quá nhiều bilirubin khi cơ thể phân hủy các tế bào hồng cầu cũ. Thông thường thì bilirubin sẽ tự đào thải ra khỏi cơ thể trẻ qua nước tiểu và phân, nhưng ở một số trường hợp quá trình này không thuận lợi, khiến cho trẻ bị vàng da.

Ở một số trường hợp hiếm gặp, vàng da sơ sinh có thể xuất hiện ở trẻ có một số vấn đề về nhiễm trùng, bất thường ở hệ tiêu hóa và nhóm máu của mẹ và trẻ không tương thích. Với nguyên nhân này thì vàng da xuất hiện ở trẻ rất sớm, khoảng 1 ngày sau khi sinh. Vì thế, nanh sữa hoàn toàn không có mối quan hệ với vàng da sơ sinh.

Quan niệm nanh sữa trẻ sơ sinh khiến bé chậm tăng cân, còi cọc và bị tiêu chảy khi dịch nang chảy ra cũng hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Vì thế, mẹ đừng quá lo lắng.

Thay vào đó hãy chăm sóc con một cách khoa học, lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia uy tín, không sử dụng các mẹo vặt chưa được kiểm chứng kẻo bé gặp nguy hiểm nhé!

Bài viết liên quan