Người vợ sau khi mang bầu, rồi sinh con sẽ luôn có cảm giác cơ thể mất sự hấp dẫn như lúc mới cưới. Thêm vào đó, họ luôn bận bịu đủ việc đến nỗi không còn thời gian lo cho bản thân mình. Đã không ít phụ nữ khiến chồng hoàn toàn thất vọng ở vóc dáng sau khi sinh con đầu lòng. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa khiến họ “tuyệt vọng” bằng cảm giác bị bỏ rơi khi suốt ngày vợ chỉ quanh quẩn với “kẻ thứ ba”.
Minh – một người mới lên chức “bố” chưa bao lâu – tâm sự: “Từ khi thằng bé ra đời, tôi có cảm giác mình là người thừa trong nhà. Ẵm con cô ấy cũng không cho vì sợ tay chân lọng cọng. Nhà cửa thì đã có người giúp việc! Đồng nghiệp ai cũng xúm xít hỏi han, còn tội nghiệp tôi sẽ bận rộn khi vợ sinh con đầu lòng. Trong khi thật sự tôi có được cho làm cái gì đâu. Khổ nhất là khi muốn “yêu” cũng bị từ chối kịch kiệt với lý do: con dậy rồi! Thiệt khổ, biết thế này cứ để từ từ sinh”.
Nói thì nói vậy nhưng dù gì, bất cứ người cha nào cũng đều muốn cho con cái mình khỏe mạnh, được sự chăm sóc chu đáo nhất. Chẳng thể nào vì những giận hờn ích kỷ của bản thân mà thù ghét “kẻ thứ ba” vô tội kia được.
Nếu là người chồng biết thông cảm, chia sẻ với vợ thì họ sẵn sàng chấp nhận chịu cảnh “có cám để heo nhịn đói” và cùng vợ chăm sóc con tốt hơn. Nhưng đó chỉ là một phần ít người chồng hiểu tâm lý và thông cảm cho vợ trong giai đoạn đầu có con như vậy. Vì thực tế đàn ông khó kiềm chế được cảm xúc của mình, khi vợ đang ở trong thời kỳ thai nghén và sinh nở. Có nhiều người chồng không có cơ hội để gần gũi, hay thấy cơ thể vợ xấu đi, không còn hấp dẫn như trước nên nảy sinh ý định “trăng hoa” bên ngoài, riết rồi quen thành tật không sửa đổi được làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Cũng tại “kẻ thứ ba”
Có những người vợ khi sinh con đầu lòng, rất dễ cáu bẳn với chồng khi có bất cứ chuyện gì liên quan đến con. Như trường hợp anh Thắng và chị Huệ. Sau khi mang bầu rồi sinh con, Huệ quý con hơn bất cứ thứ gì trên đời. Thằng bé ho một tiếng nhỏ, Huệ cũng xoắn xít lên một hai ép Thắng phải chở bé đi bác sĩ. Có hôm ngày nghỉ, Huệ bảo Thắng ở nhà trông con, Huệ đi mua vài thứ lặt vặt cho thằng bé. Vì Thắng không quen chăm con, dỗ con… nên lúc mẹ vừa đi một lát thằng bé khát sữa khóc, Thắng dỗ con miết nó không nín mà mỗi lúc mỗi khóc to. Vừa lúc đó Huệ về, nghe tiếng con khóc, Huệ bỏ xe chạy vào nhà, nhìn thấy con khóc đỏ mặt, Huệ hất ngược Thắng ra, vừa bế thằng nhỏ vừa quát: “Anh không giữ con được thì nói để tôi ở nhà trông chứ anh để con khóc tím người như vậy không xót à, nó là con tôi chứ không phải con anh hả? Anh làm cha như vậy mà coi được à?”.
Nghĩ mình đã rất cố gắng thông cảm để chia sẻ những lo lắng vì con cùng vợ, nên ngày nghỉ Thắng đã bỏ hết các cuộc hẹn với bạn bè để ở nhà trông con giúp vợ. Nhưng vợ đã không thấy thiện ý đó mà còn quát tháo, bực bội với mình, rồi vì đang bực dỗ miết thằng nhỏ không nín, lại bị vợ la là người vô trách nhiệm nên Thắng bực quá quát lại: “Cô lúc nào cũng con, con… Con cô là trên hết chứ cô không biết đến suy nghĩ của người khác à?”.
Nói xong, Thắng vơ vội cái áo treo trên vách, khoác vào rồi dắt xe ra khỏi nhà, mặc Huệ với nỗi ấm ức, bực mình. Nhưng Thắng là người hiểu và thông cảm cho nỗi niềm của vợ khi làm mẹ, nên anh chỉ ra khỏi nhà để làm dịu đi sự bực tức trong người. Sau khi dắt xe ra đường, anh vào một quán nước kêu ly café để trong người được trấn tĩnh, bớt nóng nảy hơn thôi, rồi anh lại về nhà gặp vợ tự nhận lỗi trước về mình. Huệ cũng thấy mình thật là vô lý khi gắt gỏng với chồng, nên cả hai cùng làm hòa và vui vẻ bên con…
Chuẩn bị tinh thần trước khi “kẻ thứ ba” xuất hiện
Không riêng gì người chồng, mà cả vợ cũng cần phải chuẩn bị tinh thần trước khi con trẻ chào đời. Người chồng phải biết thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ vợ trong giai đoạn thai nghén, sinh nở. Ngược lại người vợ cũng nên chuẩn bị tâm lý làm mẹ thật hoàn hảo, để biết cách sắp xếp thời gian dành cho gia đình và bản thân hợp lý hơn, như thế sẽ giúp giảm bớt đi những “lục đục” sau khi có “kẻ thứ ba” xuất hiện trong gia đình. Hãy để sự mong muốn của thuở ban đầu trước khi cưới là hướng đến niềm hạnh phúc sinh con, được làm cha làm mẹ, đừng biến niềm hạnh phúc đó thành nguyên nhân chính trong việc mâu thuẫn gia đình.
Hãy để sự mong muốn của thuở ban đầu trước khi cưới là hướng đến niềm hạnh phúc sinh con, được làm cha làm mẹ.