Mạng xã hội hay còn gọi là mạng xã hội ảo (social networking) là một mạng lưới kết nối con người, không giới hạn về không gian và thời gian. Sự kết nối rất đơn giản, chỉ cần vài cú click chuột là bạn dễ dàng có thêm bạn bè hoặc trở thành “bạn” của ai đó.
Đông vui trên mạng, cô đơn giữa đời
Mạng xã hội có lượng thành viên thuộc lứa tuổi trẻ (teen) khá nhiều, nhưng càng ngày càng có xu hướng thu hút mạnh mẽ những người lớn tuổi và những người đã có gia đình.
Trên thực tế, cuộc sống hiện đại quá bận rộn ngày nay đòi hỏi có thêm những hình thức giao tiếp khác ngoài kiểu giao tiếp truyền thống. Giao tiếp trên mạng xã hội đang dần trở thành hình thức giao tiếp thay thế trong cuộc sống của rất nhiều người.
Mặc Nhiên, một phụ nữ trẻ, chia sẻ: “Lâu lắm rồi tôi không gặp bạn bè, vì chúng tôi hàng ngày thậm chí hàng giờ đều “gặp” nhau trên mạng, tình hình của nhau đều được update (cập nhật) rất nhanh chóng. Không cần mất nhiều thời gian cho những cuộc hẹn như trước”.
Nhưng mạng xã hội – nếu đem đến sự chủ động và kết nối nhiều hơn thì thật ra cũng đang dần đưa người ta vào thế giới giao tiếp thụ động, ít tương tác. Các cuộc nghiên cứu được mở ra khi mà trào lưu dùng mạng xã hội trở nên nở rộ cho thấy mặc dù mạng xã hội giúp người ta kết nối nhiều hơn, giúp củng cố các mối quan hệ tình bạn và thậm chí công việc tốt hơn, giúp duy trì sự liên lạc thường xuyên và ổn định hơn, nhưng đồng thời cũng dễ khiến người ta trở nên cô đơn, lạc lõng hơn khi không dành thời gian củng cố các mối quan hệ ấy ngoài đời thực.
Mạng xã hội, dù được xem là hình thức giao tiếp phản chiếu cho các mối quan hệ giao tiếp ngoài đời thì dù sao, nó cũng là một hình thức khác và cũng không thể thay thế hẳn cho giao tiếp đời thực được. Trên mạng xã hội, người ta có thói quen “dễ tính” hơn, giao tiếp chủ yếu để đem lại sự thoải mái, hài hước, “vui là chính” nhiều hơn. Đáng lo là mạng xã hội cũng đã làm ảnh hướng ít nhiều đến cuộc sống gia đình.
Thanh Mai, một phụ nữ 32 tuổi cho biết: “Đã hơn một năm nay, vợ chồng cô hầu như không trò chuyện khi ở nhà. Hai người vẫn biết tình hình của nhau, nhưng ngoài những vấn đề liên quan đến chuyện tài chính trong gia đình, chuyện học của con thì hầu như không chia sẻ với nhau điều gì khác. Chuyện này xuất hiện kể từ khi cả hai vợ chồng đều có nick trên mạng xã hội, những buổi đi uống cà phê chỉ có hai vợ chồng hoặc những buổi trò chuyện đêm khuya dần được thay thế bằng các status (trạng thái) được cập nhật liên tục trên mạng xã hội, các comments (bình luận) thay thế cho việc trao đổi, tranh luận trước đây và những cú click like (thích) biểu lộ cho sự đồng tình”. Chưa kể, mạng xã hội còn có nguy cơ khiến người ta bị phân tán, công khai (public) những vấn đề thuộc về riêng tư quá nhiều. Hãy tưởng tượng một tấm ảnh thân mật, một câu chuyện cãi vã giữa hai vợ chồng có thể “đi” rất xa so với “mục tiêu” chia sẻ của bạn…
Không nên biến cuộc sống ảo trên mạng thành đời sống chính của mình, nhất là với những gia đình có trẻ nhỏ, vì việc dành thời gian chơi với con và tổ chức các hoạt động gia đình mang lại sự khắng khít, gắn bó và hạnh phúc hơn.
Kết nối ảo càng gần, thì khoảng cách giữa người với người càng xa
Thay vì dành thời gian cho gia đình thì nhiều người sống cuộc đời ảo của mình trên mạng nhiều hơn. Nhiều cặp vợ chồng trục trặc vì người chồng hoặc vợ dành quá nhiều thời gian để tham gia các trò chơi, chia sẻ chuyện cá nhân, bình luận, góp ý kiến… trên mạng. Ở nhiều gia đình có con cái ở độ tuổi teen, cha mẹ còn cho phép con tham gia mạng xã hội, các trẻ này cũng bình luận, chơi game… trên mạng.
Vì vậy mới có những gia đình rơi vào trạng thái xa cách, những buổi quây quần mỗi tối trở nên ngắn ngủi và qua loa. Những gia đình có điều kiện tốt thì chuyện trang bị phòng riêng và tiện nghi riêng biệt là điều quá dễ dàng thì sự xa cách càng nhiều.
Mỗi tối, sau bữa ăn, cha mẹ con cái ai trở về phòng người ấy, chìm đắm vào thế giới ảo. Sự kết nối trên mạng càng gần thì khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình càng xa.
Sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả để củng cố và duy trì mối quan hệ tình cảm và công việc là điều ai cũng mong muốn. Do đó người dùng cần có sự tỉnh táo nhất định và sự chừng mực, tránh để bị chi phối quá mức.
Và trên thực tế, các nghiên cứu cũng khẳng định tham gia mạng xã hội giúp người ta sống vui hơn, có thêm nhiều mối quan hệ hơn. Tuy nhiên không nên biến cuộc sống ảo trên mạng thành đời sống chính của mình, nhất là với những gia đình có trẻ nhỏ, vì việc dành thời gian chơi với con và tổ chức các hoạt động gia đình mang lại sự khắng khít, gắn bó và hạnh phúc hơn.
Những dấu hiệu cho thấy bạn nghiện mạng xã hội
- Truy cập ít nhất một lần trong ngày, vào mạng xã hội ngay khi vừa khởi động máy tính ở công ty, trước khi bắt tay vào làm việc.
- Cảm thấy bứt rứt khó chịu khi bị mất điện, mạng internet hỏng không truy cập được.
- Cập nhật tình trạng của mình trên mạng liên tục dù đôi khi chỉ đơn giản là buồn ngủ quá, ra ngoài mua đồ, uống cà phê, …
- Trải qua phần lớn thời gian trong ngày để trao đổi với bạn bè online trên mạng chứ không phải với gia đình.
- Số lượng bạn trong danh sách bạn bè mạng xã hội lớn hơn con số bạn thực ngoài đời rất nhiều.
- Dùng từ @ trước tên của bạn bè trong bất cứ các trường hợp: trên mạng xã hội, blog, diễn đàn hay cả khi viết tay.
- Trì hoãn bữa ăn để đọc cho xong các bình luận của mình/bạn bè trên mạng xã hội.
- Khi gặp một người bạn hoặc một đối tác mới, ngay sau đó kết bạn với họ trên mạng xã hội ngay.
- Bạn bắt đầu có xu hướng gõ bằng bàn phím nhanh hơn tốc độ nói chuyện.
- Tranh thủ truy cập mạng xã hội thông qua điện thoại hoặc phương tiện khác trong lúc đi vệ sinh, xếp hàng chờ mua đồ (nếu ở đó có wifi), chờ khám bệnh…