Như một chất gây nghiện, xu hướng làm việc ở nhà đang dần lấn át thói quen đến văn phòng, công ty. Trải qua nhiều tháng làm việc ở nhà do dịch bệnh, không ít người nhận thấy sự tiện lợi và cảm giác tự do tuyệt vời. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm xúc nhất thời đối với một trải nghiệm mới mẻ. Theo các nghiên cứu khoa học từ nhiều nơi trên thế giới, làm việc tại nhà tưởng không hại mà hại không tưởng.
Những cái lợi trước mắt khiến ai cũng nghiện làm việc ở nhà
Tiết kiệm được nhiều tiền
Không thể phủ nhận rằng nếu làm việc tại nhà, bạn sẽ không cần dậy quá sớm để đi làm đúng giờ, lại càng không sợ bị trừ lương nếu trễ. Không những vậy, chi phí xăng xe phục vụ cho việc di chuyển, ăn trưa, cà phê, tụ tập, mua sắm quần áo phù hợp với môi trường công sở… cũng giảm đáng kể.
Vậy là mỗi tháng bạn có thể tiết kiệm được ít nhất 3 triệu đồng. Nói một cách hấp dẫn hơn, khoản chi cố định giảm xuống khiến chúng ta có cảm giác như được nhận thêm tiền dù mức lương chẳng hề thay đổi. Và bạn biết đấy, ma lực của đồng tiền cũng là thành phần quan trọng của chất gây nghiện mang tên “làm việc tại nhà”.
Có nhiều thời gian chăm sóc gia đình và bản thân
Làm việc tại nhà, bạn sẽ không bị quản lý thời gian hay đánh giá thái độ làm việc hàng ngày. Các sếp sẽ chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc. Vì vậy, việc bạn cần làm là đem về những kết quả hay thành tựu nhất định.
Việc không phải đến văn phòng mỗi ngày giúp bạn tiết kiệm được khối thời gian từ 2 chuyến khứ hồi nhà – công ty. Hơn nữa, xu hướng làm việc này còn giúp bạn cứu rỗi triệt để quãng thời gian “chết” ở văn phòng.
Cụ thể là khi chưa tìm ra phương án giải quyết công việc, bạn có thể tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn hay chơi với con… thay vì chỉ ngồi ì một chỗ. Thậm chí bạn hoàn toàn tự do gặp gỡ bạn bè. Biết đâu sau giờ phút thư giãn cùng các chiến hữu, tinh thần được làm mới sẽ giúp bạn giải quyết công việc trôi chảy hơn.
Sau khi xong việc, bạn cũng có thể chơi thể thao, đưa con đi công viên hoặc làm nhiều việc không tên khác. Còn nếu đi làm, chỉ nghĩ đến việc phải lao ra đường vào giờ tan sở và trải nghiệm nhiều tiếng đồng hồ kẹt xe thôi cũng khiến bao người ngán ngẩm.
Hoàn toàn tự do và thoải mái “vô kỷ luật”
Để tạo cảm hứng làm việc, bạn có thể bật nhạc thật to và gác chân lên bàn thoải mái. Bạn được phép chọn cho mình một phong cách không thể xuề xòa hơn, mặc chiếc áo đã sờn vải, bục chỉ nhưng mát mẻ… Bạn chính thức được tự do “vô kỷ luật” mà không sợ bị đánh giá như ở công ty và lương vẫn lĩnh đủ nếu hoàn thành tốt công việc.
Không những thế, một yếu tố gây nghiện khác khi làm việc tại nhà chính là tránh được những “vấn nạn công sở”. Bạn sẽ không phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, lấy lòng đồng nghiệp hay lo bị sếp trù dập. Hầu như tất cả những vấn đề gây nhức nhối ở văn phòng đều không thể ảnh hưởng đến bạn.
Cái kết đắng khi sa đà làm việc tại nhà
Phía sau những ưu điểm trước mắt dễ dàng nhìn thấy, không phải ai cũng có thể nhận ra những cái kết từ đắng nhẹ đến đắng ngắt nếu cứ sa đà làm việc ở nhà.
Mặc đồ thoải mái cả tuần khiến tâm trạng bị ảnh hưởng
Nghiên cứu của chuyên gia tâm lý Gauri Sarda-Joshi được đăng trên tờ Brain Fodder cho thấy, quần áo ảnh hưởng đến tâm trạng, năng lượng và cả suy nghĩ. Với cảm giác tiện lợi và thoải mái, việc mặc một bộ đồ ngủ có thể khiến bạn lười biếng và mất động lực làm việc.
Bởi vì não bộ của chúng ta rất nhạy cảm với thói quen và việc mặc quần áo khác nhau khi làm việc với lúc đi ngủ, giúp phân biệt giữa 2 trạng thái dù bạn ở nhà cả ngày. Thêm nữa, nếu ngày nào cũng mặc thoải mái như cuối tuần thì những ngày nghỉ sẽ chẳng còn khác biệt nữa.
Làm việc tùy hứng đến mức “lạc trôi”
Sự thoải mái và tự do ở nhà sẽ khiến bạn dễ buông thả bản thân và lạc trôi lúc nào không hay. Bạn có thể ngủ lúc 4h sáng, dậy muộn, ăn không đúng bữa và ăn vặt thay bữa chính. Cảm giác tự do tự tại này khiến chúng ta cảm thấy thích thú. Tuy nhiên, bạn sẽ sớm nhận ra năng suất làm việc giảm và bản thân bị suy kiệt về thể chất lẫn tinh thần.
Lẫn lộn thời gian của công việc và cá nhân
Thực tế đã chứng minh rằng cuộc sống cá nhân và công việc chắc chắn sẽ bị lẫn lộn khi chúng ta chọn làm tại nhà. Bạn hãy thử nhớ lại xem, có phải lúc ăn sáng cũng kiểm tra email, lúc nghỉ ngơi vẫn đọc tin nhắn, đêm về thì ôm máy tính…?
Và đó chính là lý do khiến bạn luôn cảm thấy mình phải làm việc liên tục mà không hiệu quả. Nguyên nhân là vì không phân biệt được thời gian cho bản thân và công việc.
Những mất mát chìm trong chất nghiện “làm việc ở nhà”
- Mất tập trung: Bạn sẽ bị phân tâm khi làm việc ở nhà bởi các tác nhân từ xung quanh như con cái quấy, trò chuyện với chồng, các công việc gia đình…
- Mất kiểm soát: Sự tự do “vô kỷ luật” như con dao 2 lưỡi. Bạn có thể sẽ thấy thoải mái khi được tự do không ai quản lý, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát chính mình.
- Mất cơ hội: Chỉ ngồi ở nhà và làm cũng giống như việc bạn tự tước đi cơ hội giao tiếp với nhiều người có tính cách và điểm nổi bật khác nhau trong công sở. Theo đó, bạn cũng mất đi cơ hội để học hỏi và rèn luyện những đức tính tốt. Ngoài ra, việc kết giao thêm nhiều người bạn mới sẽ đem đến cho bạn những cơ hội công việc hấp dẫn.
- Mất/giảm thu nhập: Thực tế, nhiều công ty chấp nhận cho nhân viên làm việc từ xa nhưng với điều kiện là chỉ ký hợp đồng cộng tác viên. Điều này có nghĩa là họ sẽ không nhận được các chế độ như nhân viên làm việc tại văn phòng.
Bạn đã từng nghe câu chuyện về chú ếch ngồi trong nồi nước được nấu sôi dần chưa? Chú ếch dễ tiếp nhận và chìm đắm trong sự thoải mái của nước lạnh đang ấm dần rồi bị nấu sôi lúc nào không hay. Cũng giống như chúng ta của hiện tại, xu hướng làm việc tại nhà trông rất hiện đại, dễ tiếp nhận và gây nghiện. Tuy nhiên về lâu dài, bạn sẽ phải nhận những cái kết không hề ngọt ngào như mong ước.
Làm việc ở nhà bản chất không xấu, nhưng nó chỉ phù hợp với những người tự giác và ý thức tuân thủ kỷ luật cao. Hơn nữa, ngồi làm tại nhà chỉ đạt hiệu quả cao nếu bạn không bị chi phối bởi các ngoại cảnh tác động.