Tại sao bị phản bội có thể gây ra chấn thương tâm lý và làm cách nào để chữa lành những trái tim đã vụn vỡ là điều mà chúng ta vẫn thường xuyên nói với nhau trong những năm tháng qua. Vậy câu trả lời là gì? Cùng Tạp chí Mẹ và Con “vén màn sự thật” ngay trong bài viết dưới đây, bạn nhé!
Bị phản bội có thể để lại tổn thương về tinh thần lẫn sức khỏe
Sự phản bội có muôn hình vạn trạng mà đôi khi chính chúng ta hoàn toàn không thể ngờ tới. Trong hôn nhân, sự phản bội không chỉ gói gọn ở việc người bạn đời của bạn có người thứ 3, đi ngoại tình mà đó có thể là khi người mà bạn hằng tin tưởng vẫn luôn không chia sẻ với bạn sự thật về những gì họ đã làm.
Và khi bạn phát hiện ra mình bị phản bội, bạn sẽ cảm thấy niềm tin của mình không còn nữa. Cảm xúc lúc đó khiến bạn cho rằng, đối phương không xem trọng bạn và mối quan hệ giữa hai người. Với những người bạn càng gắn bó thì khi bị phản bội, bạn sẽ càng không có cảm giác an toàn, từ đó dẫn đến tình trạng nghi ngờ tất cả mọi thứ xung quanh. Tất cả những cảm xúc mà bạn trải qua chính là những tổn thương tinh thần mà một người bị phản bội thường gặp phải.
Có thể nói, dù muốn dù không, chúng ta cũng khó lòng bình tĩnh và không có bất kỳ cảm xúc tức giận nào một khi bị người khác phản bội mình.
Không chỉ có những cảm xúc tiêu cực, sự phản bội còn như một cú đấm mạnh vào sức khỏe của bạn. Theo thống kê, nếu bạn phát hiện ra sự thật không giống như những gì bạn vẫn nghĩ và biết mình đã bị phản bội, bạn sẽ rất dễ rơi vào trạng thái đau dạ dày, rối loạn ăn uống, ngủ không ngon giấc, thường xuyên gặp ác mộng…
Điều này được lý giải do sự căng thẳng, mệt mỏi trong cơ thể của bạn khi liên tục hoài nghi những thứ đang diễn ra xem chúng có phải là sự thật hay không cùng với những cảm xúc phẫn nộ, mất niềm tin vào người khác. Hơn nữa, bạn còn cảm thấy áp lực vì không biết phải đối diện như thế nào với người đã phản bội mình.
Chữa lành nỗi đau khi bị phản bội cần rất nhiều thời gian…
Cảm giác bị phản bội là vô cùng đau đớn và thật khó khăn để vượt qua. Vì thế, nếu chẳng may phát hiện ra mình bị phản bội, có lẽ bạn sẽ cần rất nhiều thời gian, thậm chí là vài năm để có thể quên đi và chữa lành nỗi đau này. Dĩ nhiên, tùy theo mức độ của sự phản bội cũng như tính cách từng người, hoàn cảnh câu chuyện mà quá trình chữa lành và phục hồi sẽ có sự khác nhau…
Một số cách để bạn có thể xoa dịu vết thương lòng của mình và giúp mình quên đi cảm giác bị phản bội có thể áp dụng như:
Chấp nhận thay vì né tránh
Việc “chữa bệnh” thường đòi hỏi bạn phải “bắt bệnh”, hiểu được căn bệnh của mình là gì. Nghĩa là, trước tiên bạn buộc phải đối mặt với những gì đã xảy ra thay vì trốn tránh chúng.
Khi bạn không thừa nhận câu chuyện mình đã bị phản bội, tình trạng hỗn loạn trong cảm xúc của bạn có thể kéo dài và ảnh hưởng đến những vấn đề khác trong cuộc sống bởi bạn không xua tan đi cảm giác này mà chỉ đang cố gắng kìm nén chúng. Và trên thực tế, cho dù bạn có cố gắng đến đâu, rồi sẽ có lúc bạn nhớ về cảm xúc khi bạn bị phản bội và lúc này, bạn sẽ cảm thấy đau đớn hơn rất nhiều lần.
Vì thế, thay vì né tránh sự thật rằng bạn đã bị phản bội, bởi chính người mà mình cảm thấy thân thiết và tin tưởng, hãy học cách chấp nhận chúng bạn nhé!
Tập chấp nhận những cảm xúc buồn bã và tiêu cực
Rất nhiều cảm xúc khó chịu có thể xuất hiện sau khi bạn biết mình bị phản bội. Cảm giác tức giận, muốn báo thù, cảm thấy không thể nói chuyện với đối phương hay thậm chí chỉ muốn tự tử, bỏ bê bản thân dẫn đến những ảnh hưởng về sức khỏe thể chất đều là những cảm xúc vô cùng bình thường.
Và mặc dù việc che giấu những cảm xúc đau đớn hoặc khó chịu này có vẻ dễ dàng hơn, nhưng việc né tránh hoặc che giấu cảm xúc của bạn có thể khiến bạn khó quên hơn…. Việc nhận ra chính xác những cảm xúc mà bạn đang phải trải qua cũng là một cách rất hữu hiệu để bạn có thể dễ dàng vượt qua nỗi đau bị phản bội.
Chia sẻ
Khi bạn bị phản bội, bạn sẽ rất khó lòng để có thể tin tưởng một ai khác. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều cần chỗ dựa về mặt tinh thần, đặc biệt là trong những lúc khó khăn khi bạn bị phản bội và cảm thấy chơi vơi nhất. Vì thế, tốt nhất bạn vẫn nên tìm một người có thể mang đến cho bạn cảm giác an toàn để có thể chia sẻ về những cảm xúc mà bạn đang cảm thấy bạn nhé!
Nếu bạn không có nhu cầu để nhận lời khuyên mà chỉ muốn chia sẻ, hãy bình tĩnh nói với đối phương về nhu cầu của bạn ở hiện tại để tránh tình trạng những lời khuyên khiến cảm xúc của bạn càng thêm hỗn loạn và bạn không biết phải làm gì để đối mặt với mọi thứ đang diễn ra.
Tập trung vào những gì bạn thật sự cần
Sau khi phát hiện ra mình bị phản bội, hầu hết mọi người đều cần một khoảng thời gian để quyết định có nên kết thúc mối quan hệ hay cố gắng để chữa lành tổn thương và bắt đầu lại mối quan hệ này. Đặc biệt, với những đôi vợ chồng có con chung, sẽ càng khó khăn hơn để đưa ra quyết định có nên ly hôn hay không vì đây không còn đơn thuần là cuộc sống hôn nhân của riêng hai vợ chồng nữa. Việc chia tay lúc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những đứa trẻ, gây ra tác động tiêu cực với chúng.
Vì thế, đừng vội vàng đưa ra quyết định ngay lập tức, bạn nhé! Các chuyên gia tâm lý, hôn nhân và gia đình từng chia sẻ rằng, khi bị phản bội, trước khi đưa ra quyết định sẽ tiếp tục hay dừng lại, hãy thật sự xem xét liệu bạn có thể xây dựng lại lòng tin dành cho đối phương hay không bởi lẽ đây sẽ là một việc vô cùng khó khăn.
Trong lúc này, bạn có thể tập trung vào những nhu cầu của bản thân để tạm thời thả lỏng tinh thần. Bạn có thể nghe nhạc, tắm nước ấm, đi du lịch, tập yoga, đọc sách, làm vườn, xem phim… hoặc làm bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy thoải mái. Những điều tưởng chừng đơn giản nhưng có thể mang đến lợi ích to lớn cho bạn trong việc cải thiện tâm trạng của mình. Và chỉ khi bạn đã thật sự bình tĩnh, bạn mới có thể suy nghĩ nghiêm túc về việc tiếp tục mối quan hệ của mình hay không.
Một khi bị phản bội, tâm lý hoài nghi là một điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, tất cả chúng ta đều là những cá thể khác nhau. Khi hôm nay một người phản bội bạn không có nghĩa là những ngày sau mọi người cũng sẽ phản bội bạn. Vì thế, hãy cứ tiếp tục trao đi tin tưởng và yêu thương để nhận lại quả ngọt, bạn nhé!