Mẹ&Con – Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý đặc biệt. Có khoảng 2% tỷ lệ phụ nữ lứa tuổi sinh nở mắc bệnh này. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm gây hậu quả tai hại, nhất là có khả năng dẫn đến vô sinh

Lạc nội mạc tử cung – Khi nội mạc tử cung cũng biết… đi “lạc”

Nội mạc tử cung là lớp màng (niêm mạc) phủ mặt trong tử cung. Lớp niêm mạc này biến đổi hàng ngày theo các chất nội tiết của buồng trứng tiết ra trong chu kỳ kinh nguyệt.

Khi phụ nữ có chu kỳ “ngày ấy” cũng là lúc niêm mạc này bắt đầu tái tạo phát triển dần lên. Đến cuối chu kỳ, lớp niêm mạc này rất dày. Lúc này, chất nội tiết buồng trứng giảm sút làm cho nó bong ra, gây chảy máu từ tử cung, đẩy ra ngoài gọi là kinh nguyệt.

lạc nội mạc tử cung

Theo nguyên tắc, nội mạc tử cung sau khi bong sẽ “thẳng một đường mà đi” cho đến khi ra ngoài. Tuy nhiên, ở một số người lại xảy ra hiện tượng những “mảnh” nội mạc này… đi “lạc”.

Lạc nội mạc tử cung là trường hợp các tế bào niêm mạc tử cung đi lạc chỗ, vào sâu trong lớp cơ của thành tử cung (lạc nội mạc trong cơ) hoặc “lạc” cả ra ngoài tử cung như ở buồng trứng, màng bụng, thành ruột.

Vì các tế bào “đi lạc” này có nguồn gốc là niêm mạc tử cung nên nó cũng biến đổi theo chu kỳ hàng tháng, dưới ảnh hưởng của nội tiết buồng trứng và cũng gây chảy máu giống như kinh nguyệt, từ đó gây đau.

Nội mạc tử cung có thể “đi lạc” ở nhiều nơi, như đã nói trên. Tuy nhiên, chủ yếu nhất vẫn là xảy ra trong cơ tử cung và vùng bụng dưới, nên triệu chứng chủ yếu vẫn là đau bụng khi hành kinh. Những cơn đau cứ ngày một nặng thêm (mỗi chu kỳ lại thấy đau, thậm chí đau khủng khiếp, quằn quại). Và các đám niêm mạc tử cung bị lạc chỗ thì mỗi ngày mỗi to thêm.

Những trường hợp lành tính, thì “đám” nội mạc đi lạc này chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động, học tập do cảm giác đau. Rồi bệnh gần như khỏi hẳn khi người phụ nữ có thai và sẽ khỏi dứt điểm khi người phụ nữ mãn kinh, vì khi ấy buồng trứng không còn hoạt động nội tiết nữa.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như thế. Một tỷ lệ không nhỏ khác vì lạc nội mạc tử cung mà dẫn đến hiếm muộn, vô sinh. Bác sĩ phải rất mất công điều trị bằng cách dùng thuốc nội tiết. Đặc biệt, với trường hợp nặng, điều trị bằng thuốc không kết quả thì phải phẫu thuật để loại bỏ các nhân lạc nội mạc hoặc cắt bỏ toàn bộ tử cung cùng hai buồng trứng!

Làm sao sớm phát hiện lạc nội mạc tử cung?

Lạc nội mạc tử cung là bệnh thường gặp ở người trẻ. Để sớm phát hiện bệnh, phụ nữ từ tuổi 25 trở đi nên có thói quen đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần, theo dõi chặt chẽ chu kỳ hàng tháng của mình. Đặc biệt, nếu thấy có hiện tượng đau bụng quá nhiều trong lúc hành kinh, khi gần gũi vợ chồng thường có cảm giác đau thì nên gặp bác sĩ để kiểm tra sớm.

thăm khám nội mạc tử cung

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cần biết rằng có khoảng 15-30% lạc nội mạc tử cung tiến triển âm thầm, không triệu chứng. Cách phát hiện tốt nhất là soi ổ bụng và siêu âm.

Siêu âm có thể cho biết các nang nhỏ rải rác, đôi khi có thể thấy một hay vài nang lớn, vỏ mỏng chứa tổ chức tăng âm, nếu chụp tử cung có thể thấy tử cung thay đổi tư thế, tắc vòi trứng. Còn nội soi ổ bụng được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán.

Khi phát hiện lạc nội mạc tử cung, bác sĩ có thể điều trị bằng phẫu thuật tức là phá hủy hoặc lấy đi khối nội mạc tử cung bị lạc chỗ. Ngoài ra, cũng có thể được điều trị bằng nội khoa. Tuy nhiên, cần biết rằng thuốc dùng để điều trị lạc nội mạc tử cung có thể gây nên các tác hại khác, do đó phải sử dụng theo chỉ định khắt khe của bác sĩ.

Mỗi một phương thức điều trị đều có chỉ định riêng, phụ thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng, vị trí u, tiến triển của bệnh, điều kiện thuốc men và trang thiết bị, kiến thức và kinh nghiệm của bác sĩ. Đặc biệt gần đây, với sự ra đời của phẫu thuật nội soi, điều trị lạc nội mạc tử cung đã có những bước tiến mới.

Phẫu thuật nội soi cho phép gỡ dính, phá hủy các tổn thương, bóc tách hay cắt bỏ u nang lạc nội mạc tử cung, đốt điện lưỡng cực hay đốt laser để phá hủy các tổn thương. Trong các trường hợp nặng, có thể phải cắt buồng trứng, thậm chí cắt tử cung.

Có một điều “tế nhị” nhưng cần nói. Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh trong “những ngày ấy”, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, khám phụ khoa định kỳ thường xuyên, phụ nữ tuyệt đối không nên vì lý do gì đó mà cố gắng “chiều” ông xã, người yêu những ngày “đèn đỏ”.

Nhiều phụ nữ trong những “ngày ấy”, khi đã gần cuối chu kỳ mà ông xã “đòi” thì thường chiều theo, với ý nghĩ rằng thôi kệ, dẫu sao cũng chỉ có “chút ít”. Điều này rất sai lầm. Vì khi gần gũi mà người phụ nữ đang có kinh, chính việc gần gũi có thể đẩy máu kinh đi ngược lại, là một trong những nguyên nhân gây nên lạc nội mạc tử cung rất nguy hiểm sau này.

Trong số các phụ nữ bị vô sinh, có tới 30-50% có tổn thương lạc nội mạc tử cung. Cơ chế gây vô sinh của lạc nội mạc tử cung là do làm biến dạng các tổ chức vùng chậu gây dính, co kéo, ảnh hưởng đến chức năng vòi trứng, buồng trứng, tử cung.

Tags:

Bài viết liên quan