Cảm xúc tức giận không được kiểm soát có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho cả bố mẹ và con cái. Do đó, khi trở thành bố, thành mẹ, chúng ta cũng cần phải học cách để kiểm soát cơn giận một cách hiệu quả và duy trì sự bình tĩnh trong những tình huống căng thẳng khi nuôi dạy con.
Những yếu tố khiến bạn khó kiểm soát cơn giận dữ của mình
Việc kiểm soát cảm xúc tức giận có thể đặc biệt khó khăn do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, những trở ngại mà bạn có thể phải đối mặt trong lúc cố gắng để ổn định cảm xúc của mình gồm có:
- Thiếu ngủ: Những đêm mất ngủ khi làm bố mẹ có thể khiến bạn mệt mỏi vô cùng. Việc thiếu ngủ sẽ khiến bạn dễ cáu kỉnh và dễ thay đổi cảm xúc. Khi bạn kiệt sức, việc kiểm soát cơn tức giận và duy trì sự kiên nhẫn khi đối mặt với những cơn giận dữ hoặc hành vi chưa đúng của con bạn có thể trở thành một thách thức. Thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn mà còn làm suy giảm khả năng suy nghĩ rõ ràng và đưa ra những đánh giá đúng đắn khi nuôi dạy con.
- Căng thẳng: Việc làm bố mẹ mang đến nhiều trách nhiệm, từ đảm bảo sức khỏe cho con đến quản lý các công việc gia đình và có thể đảm đương công việc trên công ty. Khối lượng yêu cầu khổng lồ có thể trở nên quá tải và khi bạn bị choáng ngợp, ngay cả những yếu tố gây căng thẳng nhỏ cũng có thể gây ra cảm xúc tức giận.
- Thiếu thời gian cá nhân: Các bậc phụ huynh thường đặt nhu cầu của con cái lên hàng đầu và sẵn sàng chia sẻ thời gian, không gian cá nhân của mình cho con. Mặc dù đây là một hành động vị tha nhưng việc thiếu thời gian cho chính bản thân có thể góp phần tạo nên sự mệt mỏi và những cảm xúc tiêu cực.
- Kỳ vọng không thực tế: Việc nuôi dạy con cái thường đi kèm với những kỳ vọng cao, cho cả bản thân bạn và con cái. Việc giữ những lý tưởng không thực tế có thể khiến bạn thất vọng khi mọi việc chắc chắn không diễn ra như kế hoạch. Những kỳ vọng không thực tế có thể dẫn đến cảm giác thất bại, thất vọng và tức giận khi con bạn cư xử theo cách mà bạn không lường trước được.
- Các vấn đề chưa được giải quyết trong quá khứ hoặc ký ức không tốt trong quá khứ: Những tổn thương trong quá khứ hoặc những cảm xúc tức giận chưa được giải quyết có thể xuất hiện trở lại trong khi bạn đang nuôi dạy con cái. Những cảm xúc không được giải quyết này có thể khuếch đại phản ứng tức giận của bạn khi đối mặt với những tình huống căng thẳng.
Cần làm gì để kiểm soát cảm xúc tức giận khi nuôi dạy con?
Có thể nói, việc không kiểm soát được cảm xúc nóng giận của mình và bỏ qua lý trí chính là một thất bại trong việc nuôi dạy con. Để cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, quản lý những cảm xúc tức giận, bạn có thể:
Nhận biết và thừa nhận cảm xúc tức giận của bạn
Bước đầu tiên trong việc kiểm soát cơn giận là nhận biết khi nào bạn đang tức giận. Hãy chú ý đến các tín hiệu thể chất như tim đập nhanh, nắm tay siết chặt hoặc cao giọng khi nói. Việc nhận biết sớm những dấu hiệu này sẽ giúp bạn có cơ hội giải quyết cơn giận trước khi cảm xúc leo thang. Hiểu được các yếu tố kích hoạt cũng có thể giúp bạn dự đoán và chuẩn bị cho những tình huống có thể kích động sự tức giận của bản thân.
Dành thời gian chờ
Khi bạn cảm thấy cảm xúc tức giận của mình đang dâng cao, hãy cho phép bản thân “tạm dừng” tình huống này bằng cách bước vào một căn phòng khác hoặc đi dạo một đoạn ngắn bên ngoài.
Thời gian chờ cho phép bạn bình tĩnh lại và thận trọng suy nghĩ, đưa ra quyết định phù hợp để tránh hối tiếc sau này. Và trong “thời gian chờ”, đừng quên nói với con rằng bạn cần một chút thời gian cho riêng mình bạn nhé!
Luyện tập kỹ thuật thở sâu và thư giãn
Các bài tập thở sâu và kỹ thuật thư giãn có thể là giải pháp hữu hiệu để bình tĩnh lại, kiểm soát cảm xúc tức giận mà bạn đang gặp phải. Hãy thử hít thở chậm và sâu, đếm đến mười hoặc lắng nghe một bài nhạc có thể giúp bạn cảm thấy được thư giãn.
Những giải pháp này có thể giúp giảm mức độ căng thẳng và xoa dịu cơn giận, cho phép bạn đưa ra cách dạy con bình tĩnh và lý trí hơn.
Xây dựng và duy trì ranh giới lành mạnh
Việc đặt ra ranh giới rõ ràng và nhất quán với trẻ sẽ giúp bạn có thể ngăn ngừa sự thất vọng và cảm xúc tức giận của mình. Chẳng hạn như đặt ra những giới hạn xem trẻ được phép xem tivi đến mấy giờ, trẻ cần nỗ lực học tập đến mức độ nào,… Một điều cần lưu ý chính là hãy thảo luận với trẻ một cách tôn trọng về những ranh giới này bạn nhé!
Và bạn cần nhớ rằng ranh giới không chỉ dành cho trẻ em; chúng cũng áp dụng cho hành vi của bố mẹ. Bạn cũng cần có những ranh giới trong hành vi và lời nói của mình, chẳng hạn như không vào phòng con mà không gõ cửa hay không tự ý đọc nhật ký của con.
Giao tiếp hiệu quả
Giao tiếp hiệu quả là chìa khóa trong việc quản lý cảm xúc tức giận. Hãy bày tỏ cảm xúc của mình một cách thẳng thắn nhưng không đổ lỗi hoặc buộc tội. Bạn có thể nói rằng việc làm của trẻ là chưa phù hợp và khiến bạn cảm thấy buồn như thế nào, sau đó lắng nghe con thay vì chỉ khăng khăng cho rằng con làm sai và liên tục chỉ trích con.
Suy ngẫm và rút kinh nghiệm từ những cơn tức giận của mình
Sau một cơn tức giận, hãy dành thời gian để suy ngẫm về những gì đã xảy ra. Hãy suy nghĩ về điều gì đã khiến bạn có cảm xúc tức giận và cách bạn phản ứng đã phù hợp hay chưa, liệu bạn cần cải thiện điều gì nếu việc này lặp lại ở những lần sau.
Sự suy ngẫm không phải là tự trách móc mà là học hỏi và trưởng thành từ kinh nghiệm. Việc làm bố, làm mẹ cũng cần phải học nên chẳng có lý do gì để chúng ta không tự học từ những sai lầm của mình phải không nào?
Việc kiểm soát cảm xúc tức giận là một khía cạnh quan trọng của việc nuôi dạy con cái. Hãy nhớ rằng, kiểm soát cơn giận của bạn không chỉ là tránh xung đột với con mà điều này còn thể hiện sự tôn trọng với con cái cũng như duy trì tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Đừng để những cảm xúc tức giận nhất thời trở thành “con dao” chia rẽ bố mẹ và con cái của mình, bạn nhé!