Khi chồng có tính đàn bà như nhà có… hai người “phụ nữ”
Vừa ngồi xuống ghế ở phòng tư vấn, chẳng kịp để chuyên viên tư vấn hỏi han, gợi mở bắt đầu câu chuyện, chị Ngọc P. (Quận 6) đã vội… làm một tràng ngay. Kể tội chồng tới tấp xong, chừng như “đã tức”, chị mới ngồi thừ ra, tâm sự: “Hồi tụi em yêu nhau, thấy ảnh lúc nào cũng áo quần bảnh bao, gọn gàng sạch sẽ, cái xe máy ảnh đi thì sạch như lau như li, mẹ em thích lắm. Mẹ em nói đàn ông mà chu đáo như vậy thì rất tốt. Có ai ngờ đâu, ở trong chăn mới biết chăn có rận!”.
Hóa ra, cưới nhau về, chung sống cho đến lúc có đứa con đầu lòng, tính chồng vẫn kỹ y như thế. Áo quần anh, anh đòi người làm giặt riêng, ủi thẳng tưng từng nếp mới chịu mặc. Xước một sợi chỉ, hỏng một nếp li, anh cũng sẵn sàng nặng lời mắng té tát chị giúp việc và càm ràm, càu nhàu đến suốt cả ngày.
Phòng ngủ của hai vợ chồng, chị P. lỡ để hơi có bụi trên đầu giường hay quên thay dra sau 3 ngày là anh đã giãy lên như đỉa phải vôi. Ban đầu, chị chiều anh chuyện này vì nghĩ rằng “kỹ tính” là một đức tính tốt chứ không có gì xấu. Chị cũng ráng điều chỉnh mình để phù hợp được với anh. Nhưng… chỉ sau một thời gian, chị “chịu hết nổi” khi mang thai, sinh con, bận tối tăm mặt mũi với con mà cái vụ “kỹ tính” của anh vẫn chẳng được du di hay thông cảm bớt.
Chị bảo: “Ai có con nhỏ rồi thì biết. Nhà đâu thể nào ngăn nắp như vợ chồng son được. Em và chị giúp việc làm không ngớt tay vẫn không thể kịp vừa lo cho bé, vừa dọn dẹp, hầu hạ ảnh. Mà cứ nhìn thấy những áo quần dơ, tã bẩn của con là ảnh làm vẻ mặt như gớm như ghê, làm em tức điên lên được”.
Gặp tình cảnh dở khóc dở cười tương tự nhưng theo chiều hướng khác là chị Gia Linh (Quận 2). Vốn là người tiết kiệm, gia đình cũng không khá giả gì nên từ hồi sinh viên, chị cũng đã biết cách rất cẩn thận với từng khoản chi thu, không tiêu hoang cái gì bao giờ. Song, từ khi kết hôn với chồng, chị mới phát hiện chồng mình thuộc đẳng cấp “sư phụ” trong việc tính toán, đếm từng đồng từng cắc.
Động tới thì anh bảo: “Mình đâu phải đại gia mà xài hoang!”. Còn chị, chị vật vã với chuyện mỗi tháng, chỉ cần thấy hóa đơn tiền điện, tiền nước tăng một chút, anh đã đay tới đay lui như thể người khác không biết tiết kiện, “ăn bòn” của anh. Càng tự ái và xấu hổ hơn khi đến người giúp việc mà cũng rỉ tai chị trước lúc xin nghỉ: “Nói thật, tôi chưa thấy người đàn ông nào mà đến mức như anh nhà.
Đến phụ nữ người ta cũng không tính toán chi li, kỹ đến chân tơ kẽ tóc như thế. Đàn ông phải phóng khoáng, thoáng đạt, làm gì cũng nghĩ đến cái tổng thể, cái đại sự chứ ai lại tỉ mẩn ngồi canh xem sao tiền chợ hôm nay lại tăng thêm đến… 20 ngàn thế hở cô?”.
Sống sao với… “lũ”?
Từng gặp không ít ca thế này, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Bích Nhung (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) nhẹ nhàng: “Thật ra, xét riêng từng chuyện, người ta sẽ thấy bản chất của chuyện kỹ tính hay chi li không hẳn là hoàn toàn xấu.
Song, khi được ghép với nhau lại thành một tổng thể tính cách và đặt tổng thể tính cách ấy vào… một người đàn ông thì vấn đề lớn chuyện mới bắt đầu. Quen với cách nghĩ đàn ông phải xuề xòa, đơn giản, phóng khoáng, rộng rãi, nói ít làm nhiều, nhiều chị phát hoảng khi phát hiện trong gia đình có thêm một người nữa… y chang tính mình, thậm chí còn có phần nổi trội hơn”.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải… nói lại, không ít anh chồng lên tiếng than trời, thanh minh ngược lại với chuyên gia tâm lý: “Hồi xưa khác, bây giờ khác. Hồi xưa ông bà phân chia vai trò, công việc rất rõ ràng, nó mới hình thành nên tính cách khác biệt. Giờ, cái gì cũng nhập nhằng. Vừa kêu chồng phải rộng rãi vừa bắt chồng… vào bếp phụ vợ, tính toán chợ búa cơm nước.
Nằm khểnh chơi thì vợ bảo gia trưởng, lười biếng, mà đụng vào việc nhà, thấy cái này cái kia ngứa mắt, lên tiếng đòi hỏi, yêu cầu thì vợ bảo sao mà anh kỹ quá, sao mà chồng có tính đàn bà, để tâm đến từng tiểu tiết! Tôi nhăn, tôi càm ràm không dễ dãi bỏ qua những lỗi nhỏ cũng chỉ là mong lần sau, mọi thứ tốt hơn thôi. Chứ có ý gì đâu!”.
Quả thật, khi nghe phân tích kỹ, không ít “nội tướng” cũng nhận ra rằng các đức lang quân “thiên hướng kỹ hơn phụ nữ” của mình cũng có những “ưu điểm” chứ không phải không. Ví dụ như thay vì đàn ông bình thường ít nói, ít biểu lộ và chia sẻ tình cảm, khiến vợ cảm thấy khó gần, thì những anh chàng mà các nàng vẫn gọi vui là “chồng… mặc váy” kia lại rất dễ dàng… tâm sự, có thể cùng vợ ngồi “tám” chuyện này chuyện kia vui vẻ.
Thậm chí, như chị Hà Giang (Quận 10), chị chia sẻ: “Hồi đầu mình chịu không nổi cái tính kỹ lưỡng và hay càm ràm của ảnh. Mình nấu hỏng một món ăn là nghe ảnh hát suốt ngày chưa ngưng vậy đó. Cũng có lúc bực quá, mình nghĩ đến chuyện chia tay. Nhưng nghĩ lại, những tính cách ấy xét cho cùng cũng không phải là thứ không có… điểm tốt. Bằng chứng là chỉ sau khi lấy chồng vài năm, mình trở nên chu đáo hơn, làm gì cũng cẩn thận hơn nhờ lời nhắc nhở của chồng”.
Xét đến tận cùng, theo chuyên gia tâm lý Bích Nhung, thay vì tìm cách “đạp đổ”, khăng khăng cho rằng mình không thể chịu đựng nổi một anh chồng có tính “đàn bà”, hãy cố gắng khéo léo hơn, để dung hòa, chấp nhận sống chung với lũ. Ví dụ như chị Phi Yến (Quận 9), cũng “vớ” phải một anh chồng còn “dữ dội” hơn… mẹ chồng, những năm đầu, chị cũng thường xuyên cãi cọ, đòi chia tay, bỏ về nhà mẹ.
Nhưng đến ngày cô sinh nở, khi nhìn thấy chồng sắp gọn băng cả giỏ quần áo đưa vợ đi sinh, kỹ lưỡng chỉ người giúp việc phải pha sữa ra sao, kiểm tra cẩn thận thế nào, chị phì cười, tự dưng nhận ra chồng mình không đến nỗi… hết thuốc chữa như mình tưởng.
“Quan trọng là còn yêu thương nhau thì cái gì vợ chồng cũng tập cách dung hòa, điều chỉnh cho nhau được. Mặt trái của chuyện đàn ông… có-tính-đàn-bà thì ai cũng dễ nhận ra, dễ lên tiếng chỉ trích. Nhưng thay vì cứ phản ứng quyết liệt, sao không nhìn nhận lại rằng thật ra những người này cũng có mặt tốt của họ. Ví dụ như họ thường quan tâm đến gia đình, thường kỹ lưỡng, cẩn thận, thường dễ chia sẻ và dễ chịu ngồi nghe những chuyện linh tinh mà một đức lang quân khoáng đạt thường phủi tay chẳng chịu để tâm.
Cuộc sống gia đình giống như nấu một nồi canh. Gia giảm từng vị mặn ngọt thế nào, dung hòa thế nào để cuối cùng cho ra đời được một món canh ngon mới khó. Chứ cứ khăng khăng đòi… đổi nguyên liệu hoặc tệ hơn nữa là hắt đổ hết cả đi thì ai mà không làm được!”. Lời chia sẻ của một người vợ đã thành công với việc “sống chung với lũ” cùng một anh chồng mà ngày xưa chị vẫn gọi đùa là chồng có tính đàn bà, “chồng… mặc váy” xem ra cũng đáng suy ngẫm lắm.