Thế nhưng cùng với sự phát triển cực nhanh của các thế hệ siêu âm hiện đại, 3 chiều, 4 chiều, Doppler cho phép tạo ra các hình ảnh sống động như thật đã tạo nên một làn sóng siêu âm trong cả giới thầy thuốc cũng như sản phụ, nhất là với những bà mẹ trẻ lần đầu có thai, rất muốn sớm nhìn thấy mặt mũi con mình bằng cách… siêu âm và siêu âm thường xuyên, liên tục cả chục lần, thậm chí nhiều hơn thế trong suốt quá trình mang thai.
Trường hợp điển hình nhất là của chị Hiền, 30 tuổi, nhân viên sale thuộc hàng cừ khôi của một công ty mỹ phẩm ngoại quốc, lần đầu tiên mang thai nên cảm xúc xáo trộn rất khó tả. Vì là lần đầu nên mọi thứ đều mới mẻ, không một chút kinh nghiệm, chị cẩn thận đến bệnh viện Từ Dũ khám thai và siêu âm.
Sau gần cả ngày chen lấn lấy phiếu khám, chờ đợi mỏi mòn mới tới số thứ tự của mình, chị mệt mỏi thêm khi bác sĩ bảo chị mới mang thai được 8 tuần, chưa có tim thai và được hẹn tuần thứ 12 siêu âm lại. Đã quá ngán cảnh chen chúc trong bệnh viện chuyên khoa, trong một lần đi làm về ngang một phòng khám thai và siêu âm tư nhân, thấy treo bảng quảng cáo siêu âm màu rõ nét, hình ảnh như thật, lại có kèm đĩa VCD nếu được yêu cầu, thích quá, chị nhanh chóng tìm đến ngay.
Vị bác sĩ thực hiện siêu âm trắng đen cho chị, lúc này chị vừa ở tuần thứ 12 của thai kì. Hơi ngỡ ngàng với tấm phim chụp trắng đen rất khó nhìn trên tay, nhưng chị được bác sĩ trấn an ngay: “Lần sau nếu muốn chị có thể làm siêu âm màu 3 chiều, 4 chiều hoặc Doppler thì sẽ dễ thấy em bé hơn”.
Về nhà, chị nghe mọi người đồn rằng nếu siêu âm màu sẽ thấy được mặt mũi em bé rất rõ, và cũng nhanh chóng biết được giới tính của bé hơn. Vả lại, ông xã chị cũng rất nôn nóng muốn biết xem đứa bé là trai hay gái. Và ở tuổi của chị mà mang thai lần đầu rất dễ gặp bất thường ở thai nhi nên chị rất lo lắng.
Thế là chẳng đợi được tới ngày bác sĩ hẹn siêu âm lần 2 (tuần thứ 22 của thai kì), chị nôn nóng đi siêu âm lại vào tuần thứ 16. Chị yêu cầu siêu âm 4 chiều và chép phim siêu âm vào đĩa VCD để về xem lại. Ở lần siêu âm này vẫn chưa biết được giới tính của bé, bác sĩ bảo phải đợi khoảng tuần thứ 20 trở đi thì mới biết được.
Nỗi háo hức của chị càng tăng mạnh. Và đúng vào tuần 20, chị trở lại siêu âm lần thứ tư. Lần này chị được đề nghị làm Doppler. Đem đĩa VCD về nhà, nhìn ngắm những cử động rất ngộ nghĩnh của bé gái trong bụng mình, trong chị trào lên cảm xúc thật khó tả. Nỗi mong muốn được nhìn rõ mặt con ngày càng lớn dần, chị ghé phòng siêu âm thường xuyên hơn. Mỗi lần siêu âm có kèm đĩa VCD đem về tốn gần 200 nghìn nhưng chị vẫn không tiếc.
Tháng thứ 8 của thai kì, bác sĩ siêu âm xong thông báo: bé mới cân nặng khoảng 1,8kg, chị bủn rủn. Bác sĩ khuyên nên nghỉ dưỡng, tẩm bổ và ngủ thật nhiều vào tháng cuối mới mong bé tăng trọng nhanh. Nghĩ là bào thai của mình “có vấn đề” nên chị càng lo lắng, càng phải siêu âm, khám thai thường hơn nữa.
Nhưng cuối cùng, khi bé gái của chị chào đời, nữ hộ sản cân bé được có… 2,3kg, vẫn bị xếp loại suy dinh dưỡng! Và chị như muốn bật ngửa khi trưởng khoa hộ sản, người trực tiếp đỡ sanh cho chị, nói rằng đó là do chị đi siêu âm quá nhiều, hầu như là không cần thiết! Đến lúc này chị mới vỡ lẽ ra, cũng chỉ vì ham nhìn thấy con quá mà đâm ra lại… hại con như thế!
Thật đáng ngạc nhiên khi những trường hợp “nghiện” siêu âm thai như chị Hiền lại đang rộ lên như một phong trào. Mọi người đi siêu âm thai không vì tính cẩn trọng, vì mục đích kiểm tra thai mà đôi khi chỉ để thỏa mãn ham muốn nhìn thấy con càng sớm càng tốt. Họ không biết rằng những trẻ được theo dõi thường xuyên bằng siêu âm có nhiều nguy cơ sinh ra với trọng lượng cơ thể nhỏ hoặc chậm biết nói.
Ở Mỹ hiện đã có những nghiên cứu về tác động của sóng siêu âm tới sự phát triển của não. Những nghiên cứu này mới được làm trên cơ thể chuột đang mang thai, chưa thực hiện trên người nhưng đã có những kết luận đáng lo ngại. Các bác sĩ sản khoa cũng đang khuyến cáo người sử dụng siêu âm cần thận trọng hơn, chỉ siêu âm thai khi thật sự cần thiết.
Hiện nay, sự phát triển nhanh của các máy siêu âm thế hệ mới với nguồn âm vang lớn hơn hoặc các hiệu ứng xung phổ của Doppler khi tập trung quá lâu vào một điểm có thể gây ra nhiều hiệu ứng sinh học bởi nhiệt, hoặc không bởi nhiệt mà bởi âm vang trong khoang.
Như vậy, trong suốt quá trình thai nghén cần siêu âm bao nhiêu lần là đủ? Theo khuyến cáo mới nhất mà chúng tôi mới cập nhật được, chỉ cần siêu âm 3 lần là đủ. Các lần siêu âm đó là:
Lần 1: Vào tuần thứ 12 của thai kì. Mục đích xác minh phôi thai có tốt không, có 1 hay 2 thai trong cùng 1 cái nhau, ghi ngày tháng để tính trước ngày sinh, đo tim thai và xác định độ giãn nở của tử cung (để tính đến chuyện sinh khó).
Lần 2: Vào tuần thứ 22 của thai kì. Bác sĩ sẽ kiểm tra sự phát triển của đứa bé, đo các chi thể, chiều dài từ đầu đến xương cụt, đường kính sọ não, bụng, xác định sự hiện diện của các cơ quan.
Lần 3: Vào tuần thứ 32 của thai kì. Phát hiện thêm một số khác thường về hình thái, hình dạng cấu tạo thai nhi mà có thể siêu âm lần trước không thấy. Từ lần thứ 2 và thứ 3, bác sĩ khảo sát sự lưu thông máu trong dây rốn, các động mạch trong tử cung, nhất là đối với các bà mẹ có bệnh lý về huyết quản (tiểu đường, suy thận, huyết áp), kiểm tra vị trí, tư thế của bào thai và xem khối lượng nước ối có bình thường không để đưa ra lời khuyên sinh thường hoặc đề nghị sinh mổ cho những trường hợp chẩn đoán là sinh khó.
Mọi người đi siêu âm thai không vì tính cẩn trọng, vì mục đích kiểm tra thai mà đôi khi chỉ để thỏa mãn ham muốn nhìn thấy con càng sớm càng tốt