Mẹ&Con – Mẹ thắc mắc sữa mẹ vắt ra để ngăn mát được bao lâu? Nếu bạn đang thắc mắc, Mẹ&Con mời bạn cùng tham khảo bài viết này nhé!

Sinh con xong, mẹ thắc mắc đủ điều. Trong đó, những câu hỏi có liên quan đến sữa mẹ luôn là một trong những đề tài nhận được sự quan tâm của phần lớn các bà mẹ bỉm sữa. Nuôi con bằng sữa mẹ, đó thực sự là một điều vô cùng hạnh phúc, thiêng liêng. Thật may mắn vì sữa mẹ về nhiều, nếu em bé của mẹ bú không hết, mẹ có thể vắt ra để trữ trong tủ lạnh. Vậy sữa mẹ vắt ra để ngăn mát được bao lâu, cách bảo quản như thế nào là đúng cách?

Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

Chuẩn bị dụng cụ trữ sữa

– Mẹ có thể sử dụng bình, ly trữ sữa bằng thủy tinh hoặc nhựa không chứa BPA. Để tiện hơn, mẹ cũng có thể mua túi đựng sữa ở các cửa hàng bán đồ mẹ và bé.

– Một chiếc bút lông cũng rất cần thiết để ghi thông tin ngày, tháng, năm hút sữa, ghi lên túi trữ sữa.

– Nếu có điều kiện, mẹ nên sắm một chiếc tủ đông chuyên dùng để trữ sữa.

Bảo quản

Sữa mẹ vắt ra để ngăn mát được bao lâu?
Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh đúng cách (Ảnh minh họa)

Vắt sữa ra và bảo quản trong tủ lạnh là một trong những giải pháp tích trữ sữa mẹ được nhiều bà mẹ bỉm sữa áp dụng. Theo đó, mẹ có thể bảo quản theo hai cách sau:

Đối với ngăn đông: Dùng bút lông ghi rõ ngày, tháng, năm hút sữa lên túi trữ sữa, cho vào ngăn đông và bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C. Tuyệt đối không để túi trữ sữa ở cánh cửa ngăn đông. Sữa mẹ có thể được bảo quản an toàn trong tủ đông trong vòng 3-6 tháng. Tuy nhiên thời gian tốt nhất là trước 4 tháng.

Đối với ngăn mát: Sữa mẹ vắt ra để ngăn mát được bao lâu là an toàn? Thông thường, thời gian bảo quản tối đa khi để sữa mẹ trong ngăn mát tủ lạnh là 1-2 ngày ở nhiệt độ 4 độ C. Nếu không dùng hết sữa, mẹ nên dồn sữa lại, ghi ngày tháng năm và để trên ngăn đông.

Lưu ý

– Không cho thêm sữa mới vắt vào sữa đã đông lạnh.

– Trường hợp mất điện, mẹ nên chuẩn bị sẵn một thùng xốp hoặc thùng nhựa giữ nhiệt có nắp đậy. Khi mất điện quá 3 tiếng, mẹ bỏ đá lạnh xung quanh trong thùng xốp, sau đó bỏ các túi sữa từ ngăn đông vào. Khi có điện, mẹ lại chuyển các túi sữa vào ngăn đông trở lại.

Bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng

Tùy vào nhiệt độ phòng mà thời gian bảo quản sữa mẹ cũng khác nhau. Nếu nhiệt độ phòng trên 26 độ C, sữa mẹ chỉ để được trong vòng 1-2 tiếng. Nếu phòng có nhiệt độ thấp hơn, dưới 26 độ C thì mẹ có thể bảo quản được trong khoảng 4-6 tiếng.

Rã đông sữa mẹ sao cho đúng?

Nếu muốn rã đông, trước hết mẹ hãy lấy túi trữ sữa ở ngăn đông để vào ngăn mát tủ lạnh. Sữa mẹ đã rã đông ở ngăn mát tủ lạnh có thể để tối đa 24 giờ nếu vẫn bảo quản trong ngăn mát, chưa mang ra bên ngoài. Nếu đã mang ra ngoài hâm nóng thì cho bé bú ngay, bé bú còn thừa cũng bỏ đi. Đồng thời ghi nhớ một vài lưu ý sau:

  • Không rã đông sữa mẹ trong nước sôi hay đặt trong lò vi sóng vì nhiệt độ quá nóng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của sữa.
  • Không được pha sữa mới vắt chung với sữa rã đông.
  • Không được lắc mạnh bình sữa đã rã đông.

Hâm nóng sữa mẹ đúng cách

Vậy là mẹ đã có được câu trả lời sữa mẹ vắt ra để ngăn mát được bao lâu rồi phải không nào? Tiện thể, Mẹ&Con cũng xin chia sẻ tới mẹ cách hâm nóng sữa sao cho đúng cách.

sữa mẹ vắt ra để được bao lâu trong ngăn mát
Hâm nóng sữa mẹ ở nhiệt độ 40 độ C (Ảnh minh họa)

Sau khi rã đông chậm bằng cách chuyển xuống ngăn mát trước nửa ngày hoặc một ngày, mẹ cần hâm nóng sữa cho bé. Đến giờ cho bé bú, mẹ lấy phần sữa đã được rã đông cho vào bình sữa. Ngâm bình trong nước ấm 40 độ C hoặc sử dụng máy hâm sữa chuyên dụng.

Sữa để tủ lạnh khi lấy ra sẽ có một lớp chất béo màu trắng đục đóng phía trên. Sau khi hâm ấm, mẹ nhớ lắc nhẹ để lớp béo hòa tan hoàn toàn. Mẹ cũng có thể dùng 2 lòng bàn tay áp vào bình sữa, thực hiện thao tác giống như chà 2 bàn tay vào nhau nhẹ nhàng.

Bài viết liên quan