Ai lấy chồng cũng mong gia đình êm ấm, hạnh phúc. Nhưng bạn đọc dưới đây chẳng may lại rơi vào cảnh gia đình lục đục. Chị muốn nhờ các độc giả của Tạp chí Mẹ và Con cho một lời khuyên. Câu chuyện của độc giả Quỳnh Anh đến từ NA như sau:
“Em và chồng lấy nhau tính đến nay đã được 8 năm, có 2 cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu và rất ngoan ngoãn. Anh làm nghề tài xế, chạy tuyến đường dài Bắc Nam nên hầu như việc chăm sóc, nuôi dạy con cái đều một tay em lo. Còn về phần em, ngay từ thời sinh viên em đã rất năng nổ, chăm làm kinh doanh.
Sau khi ra trường, em chọn quê hương làm nơi lập nghiệp. Cuộc sống ở quê còn nhiều khốn khó, lấy anh về em vẫn phải làm thêm vài ba sào ruộng để trang trải lo cho gia đình nhỏ.
Được mọi người trong thôn yêu quý, em mở cửa hàng kinh doanh sữa bột. Công việc ngày càng phát đạt. Trong khi đó, dịch bệnh khó khăn nên chồng em không thể chạy xe được. Anh nghỉ chạy xe ở nhà phụ em chăm con, buôn bán. Tính chồng em rất gia trưởng, tuân theo nếp nghĩ: “Đàn bà là phải ở trong góc bếp”.
Từ ngày em ăn nên làm ra, anh chẳng những không vui mà còn tỏ thái độ khó chịu, “mặt nặng mày nhẹ”. Thậm chí, có lúc anh còn quát tháo em vô cớ. Em nói ra suy nghĩ của mình, nhưng anh vẫn khăng khăng bắt em nghỉ bán, ở nhà anh nuôi. Anh muốn “đàn ông phải là trụ cột gia đình”. Hai vợ chồng cãi nhau liên hồi, gia đình lục đục, con cái hoảng sợ suốt ngày né tránh bố.
Thực sự bây giờ em không biết nên làm thế nào. Đã có lúc em muốn nghỉ ở nhà chăm con cho anh vui lòng, nhưng dịch bệnh đâu thể biết trước được. Nếu “cho trứng vào một giỏ”, nhỡ may anh không làm ăn được thì mẹ con em biết phải làm sao? Em mong sớm được mọi người chia sẻ và cho em lời khuyên để thoát cảnh gia đình xào xáo. Em xin cảm ơn! gia đình
Quỳnh Anh (NA)”
Lời khuyên nào cho gia đình lục đục?
Theo quan niệm của người Á Đông, đàn ông là trụ cột gia đình, là người sẽ gánh vác trọng trách chăm lo cho bố mẹ, vợ con và cả những người thân yêu. Vì thế, họ luôn xem đây là trách nhiệm, thậm chí cũng là “quyền lợi” của mình. Do đó, trong tình huống chị em có chút “vị thế” hơn chồng khiến anh ấy cảm thấy kém cạnh, nếu không muốn nói là vai trò của người chủ chốt bị “đe dọa”.
Để gìn giữ hạnh phúc gia đình, chị em phải khéo léo để vẫn đảm bảo hoàn thành tốt công việc và khẳng định giá trị của bản thân, ổn định kinh tế.
- Việc trước tiên là cả hai nên có một buổi trò chuyện thẳng thắn. Tốt nhất là chọn lúc chồng có tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Bạn nên nói ra hết những suy nghĩ của mình, những buồn phiền phải gánh chịu khi chồng giận dỗi, quát nạt. Hãy nhớ dùng dùng thái độ chân thành, lời lẽ nhẹ nhàng để đánh vào tình cảm của chồng. Nếu được, bạn nên “lôi kéo” để bố mẹ chồng cùng “vận động”.
- Trong cư xử hàng ngày, bạn cần phải khéo léo hơn. Tuyệt đối không khoe khoang những thành quả mình đạt được trong công việc, không so sánh chuyện tiền nong trong gia đình. Bên cạnh anh ấy, hãy tỏ ra mình là người “yếu đuối”, cần được anh ấy hỗ trợ, giúp đỡ. Đương nhiên là cũng không được quên dùng những lời có cánh để anh ấy cảm thấy mình cũng “quan trọng” không kém vợ kiểu: “Không có anh, em không biết giải quyết việc này như thế nào nữa”.
- Thỉnh thoảng, bạn cũng nên tỏ ra mình đang gặp rắc rối để nhờ anh ấy tư vấn giúp. Lúc này, bạn hãy thể hiện sự tôn trọng của mình với những lời khuyên của chồng để anh ấy yên tâm về vị trí của người chủ gia đình.
Ông bà ta có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm“. Vì thế, gia đình lục đục hay đầm ấm hầu hết đều nhờ vào sự khéo léo, mềm mỏng của người phụ nữ. Hãy kiên trì và nỗ lực hơn nữa để tiếng cười luôn tràn ngập trong gia đình, bạn nhé!
Tạp chí Mẹ và Con hy vọng là đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích giúp độc giả thoát cảnh gia đình lục đục. Nếu gặp các khó khăn trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, bạn có thể inbox cho chúng tôi qua địa chỉ fanpage: https://www.facebook.com/mevacon/ để cùng tháo gỡ, bạn nhé!