Mẹ&Con - Điều gì đã khiến chúng ta mua rất nhiều đồ không cần thiết? Cùng Mẹ&Con giải mã ngay hiệu ứng tâm lý mua sắm này, bạn nhé!

Mua sắm thông minh để không lâm vào tình trạng cạn kiệt tài chính là điều ước hàng tháng của hội chị em. Thậm chí, nhiều gia đình lục đục vì chuyện mua sắm không ý thức của phụ nữ. Vậy nên việc hiểu rõ những nét tâm lý của bản thân khi mua sắm là cách giúp phụ nữ kiềm chế khát vọng shopping của mình và dưới đây là lời khuyên Mẹ&Con dành cho bạn:  

"Giải mã" hiệu ứng tâm lý mua sắm ai ai cũng gặp! 4

Hiệu ứng sợ hãi

Tưởng tượng khi đi mua hàng gặp được món đồ mình thích nhưng giá thì khá cao (tất nhiên bạn vẫn đủ khả năng mua, chỉ là ngân sách sau này sẽ thâm hụt so với dự tính ban đầu) và lúc này nhân viên nói đây là sản phẩm cuối cùng, chắc chắn bạn sẽ quyết định mua ngay. Đây chính là tâm lý sợ hãi việc hết hàng và muốn tranh thủ lúc có tiền thì mua luôn. Vì tâm lý này mà rất nhiều khoản phát sinh trong một tháng đã xuất hiện.

Chạy theo xu hướng

Hiệu ứng đoàn tàu chỉ việc mua sắm theo số đông, theo độ hot và trend mặc dù món đồ đó chẳng hợp với mình. Đây là xu hướng mua sắm phổ biến nhất hiện nay. Đặc biệt, các quảng cáo ngày nay khiến người tiêu dùng tin rằng mình phải sở hữu thứ đó mới thuộc về một “đẳng cấp” nào đó. Chẳng hạn như phải sở hữu túi của Chanel mới đích thực là sang chảnh nên ai muốn chứng tỏ mình thuộc nhóm “chanh sả” phải mua cho bằng được. 

Để giải quyết được tâm lý chạy theo xu hướng này, chính bản thân mỗi người phải tự hỏi bản thân mình mua món hàng này vì hiểu giá trị, tính thực dụng của nó hay đơn thuần chỉ là chạy theo đám đông. 

mua sắm

Hiệu ứng độc nhất

Việc sở hữu món đồ chưa ai có, độc nhất vô nhị hoặc là người đầu tiên có được là một trong những nguyên nhân thôi thúc chị em phụ nữ rút ví. Bởi chẳng người phụ nữ nào muốn bị “đụng hàng” khi bước ra khỏi nhà vậy nên cứ hàng độc thì dù giá “độc” họ cũng mua. Điều này giúp họ trở nên nổi bật và trở thành tâm điểm của mọi thứ.

Suy nghĩ mua hàng cho tương lai

Mua hàng để trở thành động lực cho tương lai, ví dụ như “ mua cái đồ thể thao này mình mới tiếc tiền mà siêng tập”, “mua cái váy này để có cảm hứng giảm cân” …. Nhưng kết quả sau khi mua hầu hết đều là bỏ xó và không dùng đến dù chỉ một lần. 

Cách tốt nhất khi có suy nghĩ này là bạn nên bác bỏ ngay lập tức vì bạn rõ tính bạn mà, không thành công đâu. Thay vào đó hãy nỗ lực đạt được “tương lai” trước, sau đó hẵng bỏ tiền ra mua nó.

Mua sắm theo cảm hứng

Dù là ngày vui vẻ hay buồn khổ, lương nhỉnh hơn một chút, lương tới sớm hơn một chút hay mới có lương…đều có thể trở thành lý do cho việc mua sắm. Tất cả được gói gọn trong một lời biện hộ “tự thưởng cho bản thân”. Dĩ nhiên là điều này không sai vì bạn làm việc mệt mỏi suốt một tháng thì đương nhiên cần tìm động lực để tiếp tục. Tuy nhiên, nếu cứ đà này, con cái bạn sẽ khó có cơm ăn hay được đi chơi vào cuối tháng. Trẻ kiếm bao nhiêu xài hết bấy nhiêu, có gia đình rồi mới thấy tiết kiệm bao nhiêu cũng chẳng đủ. 

Thế nên hãy tìm cách “tự thưởng cho bản thân” hoặc thư giãn bằng hình thức khác thay vì mua sắm “điên cuồng” hoặc mua trong giới hạn, kế hoạch đã lập ra. 

"Giải mã" hiệu ứng tâm lý mua sắm ai ai cũng gặp! 5

Mua vì thích một chi tiết nào đó của sản phẩm

Chủ đích đi vào siêu thị mua đồ dùng hàng ngày cho cả gia đình mà đi một vòng thu về toàn những thứ ngoài kế hoạch. Cứ mỗi thứ một chút, tích vào thành quá trời đồ và “ngốn” quá trời tiền. Chưa kể những thứ “ngoài lề” đó đôi khi nhà có rồi chỉ là khác mẫu mã, hương vị hoặc màu sắc. 

Vậy nên, khi đi mua sắm bạn nên tra trước giá thành các sản phẩm. Sau đó, bạn mang đủ số tiền cần dùng, có thể dư ra vài trăm để phòng trường hợp lố lên quá nhiều. Như vậy sẽ có thể kiểm soát được bản thân. 

Thích mua đồ giảm giá

Món đồ mình yêu thích giảm giá thì chắc chắn không thể bỏ qua vì có thể tiết kiệm kinh tế. Chưa kể món đó còn chỉ giảm duy nhất một ngày thì lại càng thôi thúc tâm lý muốn sở hữu của người tiêu dùng. Nhưng cũng có một số đồ bạn mua chỉ vì giảm giá thay vì yêu thích.

Chính vì thế, hãy cân nhắc về tính cần thiết, bạn có thể dùng trong trường hợp nào trước khi mua sắm. Nếu không thể nghĩ ra được ngay lập tức hoặc trong đầu hiện ra cụm “thôi cứ mua về trước rồi tính, có còn hơn không” thì mau chóng lướt qua.

"Giải mã" hiệu ứng tâm lý mua sắm ai ai cũng gặp! 6

Bạn có nhận ra được tâm lý của bản thân mình trong những trường hợp Mẹ&Con đã nêu ở trên? Nếu đã thấu rõ rồi thì cố gắng kiềm chế để cuối tháng không bị khủng hoảng tài chính và cuộc sống gia đình cũng đỡ mệt mỏi hơn. 

Bài viết liên quan