Mẹ&Con - Đâu là lý do khiến khoảng cách thế hệ trong gia đình ngày một lớn hơn? Vì sao bố mẹ không thể hiểu con cái của mình và ngược lại?

Ngày nay, những câu chuyện xung đột, thậm chí là những cái kết thương tâm xuất phát từ trong gia đình ngày một nhiều. Vấn đề được đặt ra: Đâu là lý do khiến khoảng cách thế hệ trong gia đình ngày một lớn hơn? Mời bạn cùng Mẹ&Con tìm hiểu lý do đẩy cha mẹ, con cái ngày càng xa cách nhau để biết cách xử lý sao cho hiệu quả, bạn nhé!

khoang-cach-the-he

Ít thời gian tiếp xúc với nhau

Nhiều người nghĩ cứ ở chung một nhà là chắc chắn tiếp xúc và gặp gỡ nhau nhiều. Thực tế không phải như vậy. Chúng ta đang dành rất nhiều thời gian cho bạn bè, đồng nghiệp hơn là bố mẹ, con cái. Cuộc sống vội vã khiến con người cứ phải vươn mình chạy theo để không bị bỏ lại. Sẽ có lúc bố mẹ đi làm về quá trễ hoặc bắt đầu ngày mới quá sớm, con đã ngủ. Hoặc con cái phải đi học thêm, lúc về nhà thì mỗi người một việc, mỗi người một phòng, chẳng ai nói chuyện với ai. 

Chưa kể nếu con cái đã đi làm thì thời gian lại càng kém ổn định hơn. Thế hệ ngày nay không cần phải đi làm vào sáng sớm như xưa nhưng thời gian cố định nghỉ ngơi lại ít hơn. Điều này cũng có nghĩa, với thế hệ trẻ mang công việc về nhà và làm tới khuya là điều hết sức bình thường. Vậy nên, thời gian đâu mà tiếp xúc giữa các thành viên trong gia đình.

Ít tâm sự với nhau

Khoảng cách thế hệ trong gia đìnhxảy ra khi chúng ta không dành thời gian để trò chuyện, chia sẻ cùng nhau. Nói chuyện, tâm sự là chìa khóa để duy trì một mối quan hệ. Đối với bạn bè, đồng nghiệp, chúng ta duy trì điều này bằng những tin nhắn, cuộc gọi và gặp gỡ hàng ngày.

Còn đối với bố mẹ, thời điểm có thể gặp gỡ và dành thời gian nói chuyện nhiều nhất là ở trên bàn ăn. Nhưng trong khoảng thời gian gần đây, các ứng dụng giao đồ ăn không ngừng cạnh tranh mang đến sự tiện lợi, nhanh chóng và đảm bảo nhiều ưu đãi khiến thế hệ trẻ quên đi những bữa cơm nhà. Có những người sẵn sàng đặt đồ ăn tới nơi làm việc để vừa ăn vừa làm luôn nên không hiểu được ý nghĩa thực sự của bữa cơm gia đình. Rồi dần dần những cuộc trò chuyện, tâm sự thưa thớt dần và biến mất hoàn toàn khiến khoảng cách thế hệ ngày một lớn hơn.

Nói là hoàn toàn không hề trò chuyện thì không hẳn là vậy. Mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái là điều không thể cắt đứt được nên bắt buộc phải duy trì các cuộc nói chuyện. Nhưng thông thường con cái sẽ chọn lọc những thông tin mà bố mẹ muốn nghe thay vì những vấn đề, phiền muộn đang phải đối mặt trong cuộc sống. 

khoang-cach-the-he
                                                       Ảnh minh họa

Thời gian làm dài khoảng cách thế hệ 

Giữa bố mẹ và con cái luôn tồn tại khoảng cách của các thế hệ. Đối với con cái, từ khi dậy thì tới lúc trưởng thành là một quá trình cải thiện sự nhận thức và tự chủ về mọi thứ. Đến khi rời xa gia đình vì học đại học hoặc vì công việc thì chúng ta dành thời gian thích nghi môi trường, bận rộn vùi đầu vào bài vở, công việc, vui chơi. 

Cũng ở đây, ta được tiếp xúc với nhiều tư tưởng, văn hóa khác nhau và khác hoàn toàn với điều bố mẹ từng dạy nên cảm thấy mới mẻ và hứng thú hơn. Và từ đây đã có xung đột trong suy nghĩ của từng thành viên khiến khoảng cách thế hệ trong gia đình ngày một xa hơn. Điều này thôi thúc bạn nhanh chóng tự chủ và tách ra khỏi bố mẹ, không muốn bố mẹ can thiệp, không có nhu cầu chia sẻ cuộc sống hàng ngày. 

Sự áp đặt của bố mẹ

Khoảng cách thế hệ xảy ra khi bố mẹ quá áp đặt vào con cái của mình. Ở thời của bố mẹ, đất nước đang trong thời kỳ vực dậy và phát triển kinh tế, vì thế được ăn no mặc ấm đã là một điều may mắn. Vô hình trung, thế hệ phụ huynh của chúng ta hầu như đều coi sự ổn định là mục đích và điều mong muốn tốt nhất dành cho con cái. Sự mong mỏi này thường được bố mẹ thể hiện qua những câu nói như “con nên nghe theo bố mẹ vì bố mẹ chỉ muốn tốt cho con”, “học ngành này có việc làm ổn định”,…

khoảng cách thế hệ trong gia đình

Khác với bố mẹ, thế hệ của chúng ta đã quen được nuôi nấng, dạy dỗ trong điều kiện đầy đủ vật chất hơn. Thế nên, sự ổn định không phải điều ta ưu tiên mà là ước mơ, sự nghiệp và hoài bão. Chính vì thế, trước những áp đặt của bố mẹ, con cái cảm thấy sợ hãi, phiền phức, thậm chí xung đột gay gắt dẫn tới xa cách và tạo nên khoảng cách thế hệ trong gia đình. 

Nhìn chung thì gia đình nào cũng sẽ xảy ra những khác biệt trong suy nghĩ của từng thành viên. Để hòa hợp các thế hệ trong gia đình, bố mẹ và con cái phải chấp nhận điều đó, cảm thông và tìm cách gắn kết, vun đắp tình cảm. Chẳng biết chúng ta còn đi cùng nhau được bao nhiêu năm nữa nên hãy lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ, thay vì khiến khoảng cách thế hệ ngày càng lớn và mâu thuẫn ngày càng nhiều, bạn nhé!

Bài viết liên quan