Đại dịch Covid-19 bùng phát đúng vào thời điểm được xem là quan trọng nhất để trẻ em được phát triển các kỹ năng. Rất nhiều phụ huynh lo lắng, việc đeo khẩu trang thường xuyên trong xuyên suốt mùa dịch có ảnh hưởng đến thể chất hay nhận thức của trẻ hay không. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Đeo khẩu trang nhiều có ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ không?
Khi Nhà nước bắt đầu cho học sinh đi học lại, nhiều cha mẹ lo lắng rằng việc đến trường và mang khẩu trang xuyên suốt sẽ mang lại nhiều tác hại, đặc biệt là nhận thức của trẻ. Mặc dù ở Việt Nam hiện nay ghi nhận, các ca trẻ em mắc Covid-19 trở nặng là rất thấp, tuy nhiên trong khi đại dịch vẫn còn phức tạp, liệu trẻ phải “sống cùng” với chiếc khẩu trang đến khi nào?
Trên thực tế, có nhiều nghiên cứu cho thấy việc mang khẩu trang nhiều cũng sẽ mang đến nhiều tác hại nhất định. Ví dụ như các tác hại về tâm lý liên quan đến việc thiếu tín hiệu trên gương mặt cũng như bộc lộ cảm xúc. Ngoài ra, một báo cáo khác cho thấy, việc cho trẻ đeo khẩu trang quá 4 tiếng sẽ làm giảm độ nhạy bén trong nhận thức của trẻ, tăng đau đầu – đau tai – xương hàm và đổ mồ hôi, thậm chí có thể suy giảm chất lượng âm thanh cũng như lời nói qua chiếc khẩu trang.
Và có nhiều nghiên cứu thí nghiệm cảm xúc trẻ em cho biết, sẽ có những giai đoạn nhạy cảm trong quá trình phát triển ngôn ngữ và cảm xúc của trẻ trong những năm đầu đời. Theo những nhà nghiên cứu này, việc nói và ra dấu hiệu trên gương mặt có thể giúp tìm hiểu cảm xúc của người đó. Hoặc, nhờ vào những dấu hiệu đó, mọi người có thể nhận ra được các khía cạnh an toàn hoặc nguy hiểm của môi trường xung quanh. Đây cũng là những bài học quan trọng tập luyện cho nhận thức của trẻ.
Vì thế, nhiều người bày tỏ nỗi lo ngại, đeo khẩu trang quá lâu sẽ cản trở các trải nghiệm học tập, trau dồi các kỹ năng giao tiếp tự nhiên của trẻ.
Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của năm 2012 cho thấy, trẻ em từ 3 – 8 tuổi khi nhìn những gương mặt đeo khẩu trang, khả năng phân loại biểu cảm của chúng không giảm. Điều này cũng cho thấy, trẻ dưới 9 tuổi thường chú ý tới mắt của người đối diện, ngay cả khi trẻ có thể nhìn thấy toàn bộ gương mặt của họ.
Và khi đại dịch bùng phát năm 2020 – 2021, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm hiểu xem khẩu trang có thật sự ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ hay không. Và họ đã làm khảo sát trên 80 trẻ em từ 7 – 13 tuổi, cho chúng quan sát các bức ảnh chụp khuôn mặt của người đang mang khẩu trang hoặc kính râm và đoán người trong hình đang buồn bã, tức giận hay sợ hãi.
Và qua cuộc khảo sát cho thấy, hầu hết những đứa trẻ trả lời đúng được 66% những khuôn mặt không bị che. Còn đối với những tấm ảnh bị che mặt bởi khẩu trang, trẻ thường gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng vẫn có thể xác định được chính xác các cảm xúc của họ. Và họ cũng đã cho ra kết luận rằng, việc đeo khẩu trang không gây ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ em, đồng thời họ cũng cho biết, nếu như có những tác động gì trong quá trình này chúng cũng sẽ nhanh chóng phục hồi.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp có những trẻ sẽ chậm hơn về khả năng giao tiếp và ngôn ngữ khi những người xung quanh đều mang khẩu trang. Nhưng bạn cũng không cần quá lo lắng, trẻ cũng sẽ nhanh chóng bắt kịp mà thôi.
Cha mẹ có thể giúp gì được cho con trong lúc này?
Theo Học viện Nhi khoa ở Mỹ, ngay từ khi trẻ chào đời, trẻ sơ sinh đã học được những cách giao tiếp khi quan sát khuôn mặt, khuôn miệng và giọng nói của người thân, đặc biệt là người mẹ. Từ đó, trẻ sẽ học cách đáp lại. Các nhà nghiên cứu không khuyến cáo trẻ em chưa đầy 2 tuổi đeo khẩu trang, và đối với trẻ dưới 18 tháng, việc học cách giao tiếp thông qua tín hiệu cử chỉ khuôn mặt và hình ảnh sẽ quan trọng hơn. Bởi, học một từ mới từ khi chưa biết từ nào luôn là vấn đề vô cùng phức tạp.
Và nếu như các bậc cha mẹ đang lo lắng việc mang khẩu trang sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ, đặc biệt là sự phát triển ngôn ngữ – xã hội của con trong đại dịch, hãy đảm bảo rằng bạn luôn dành thời gian để lắng nghe và trò chuyện trực tiếp với con. Quan trọng hơn, cha mẹ không đeo khẩu trang khi giao tiếp với trẻ.
Theo các nghiên cứu cho thấy, đối với hầu hết các trẻ em, miễn là nhận được sự tương tác với cha mẹ của mình dù là vào buổi sáng hay tối, chúng đều sẽ ổn về mặt phát triển ngôn ngữ và tinh thần. Những tương tác này tưởng chừng như không có gì thú vị, có thể là trong lúc tắm, giờ ra chơi hoặc các bữa ăn, nhưng sẽ rất tốt cho não bộ của trẻ. Bạn có thể dùng cử chỉ và lời nói cùng lúc để trẻ có thể học cách giao tiếp nhanh nhạy hơn.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác như âm vực của giọng nói hay các cử chỉ cơ thể – những thứ không bị khẩu trang làm ảnh hưởng cũng nên được thêm vào ngữ cảnh khi giao tiếp với trẻ. Và bất kỳ với đứa trẻ nào chậm hơn dù một chút trong việc phát triển ngôn ngữ hoặc hiểu các tín hiệu xã hội trong giao tiếp đều có nguy cơ bị tụt lại phía sau.
Vì thế, để giao tiếp tốt hơn với trẻ nhỏ khi mang khẩu trang, tránh làm ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ, người lớn nên chú ý đến trẻ trước khi giao tiếp. Hãy đối mặt trực tiếp với con mà không có rào cản nào về thể chất hoặc tiếng ồn. Bên cạnh đó, hãy nói to – chậm và rõ, không nên hét lên (nếu cần). Bạn cũng có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu của mình để dạy con hiểu về các ám hiệu. Tùy thuộc vào câu trả lời, hãy hỏi trẻ đã hiểu chưa và hãy kiên nhẫn lặp lại cho con nếu cần thiết.
Và nếu như bạn vẫn còn cảm thấy lo lắng về kỹ năng phát triển ngôn ngữ của trẻ hoặc sức khỏe nhận thức của của con, cha mẹ có thể tham khảo các ý kiến từ chuyên gia, bác sĩ tâm lý để nhận được những lời khuyên tốt nhất. Đừng quên, việc giao tiếp hàng ngày với trẻ nhỏ rất quan trọng đối với sự phát triển của con, không nên vì cuốn theo nhịp sống công việc mà bỏ quên điều này, bạn nhé.
Qua bài viết trên, Tạp chí Mẹ và Con hy vọng đã mang đến những thông tin bổ ích cho bạn, giúp bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề mang khẩu trang có làm ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ hay không và nên làm gì để giúp con vượt qua được khó khăn này. Chúc bạn áp dụng thành công, trẻ luôn khỏe mạnh và thông minh nhé!