Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con mách mẹ những kỹ năng có thể dạy trẻ ngay từ sớm để tạo “nền móng” vững chắc cho trẻ sau này.
Dạy trẻ kỹ năng sống: Tự phục vụ bản thân
Đây là vấn đề mà Mẹ và Con đã nhắc nhở rất nhiều lần và cũng là một kỹ năng cực kỳ quan trọng giúp trẻ dễ thành công sau này. Bố mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ với những việc đơn giản như: sắp xếp đồ chơi vào giỏ, xếp bàn học gọn gàng, cất tập vở giấy bút vào đúng ngăn cặp. Bên cạnh đó, ở những thói quen sinh hoạt thường ngày bạn có thể cho bé phụ bằng những công việc phù hợp với độ tuổi như: mang nước chấm ra bàn, rắc tiêu vào đồ ăn đã chín, giúp mẹ xếp gọn quần áo… Vào giai đoạn đầu bạn có thể “cầm tay chỉ việc” nhưng sau vài lần bạn nên để bé chủ động hết mọi việc, nhưng đừng quên dành những lời khen mỗi khi bé hoàn thành công việc nhé!
Qua đó, các bé mới hiểu được giá trị của lao động biết được bố mẹ đã cực khổ như thế nào khi chăm mình. Từ đó, bé sẽ ý thức được sự cố gắng để bố mẹ vui lòng. Lao động chân tay cũng giúp các con vận động khiến cho thân thể khỏe mạnh hơn. Trẻ sẽ chủ động và độc lập trong mọi công việc hiện tại và tương lai. Và đặc biệt khi các con trưởng thành, sẽ dễ hòa nhập vào môi trường tập thể.
Dạy trẻ kỹ năng sơ cứu vết thương
Khi trẻ đang vui chơi và không may bị thương chân tay, vì quá lo lắng nên bạn xuýt xoa không ngừng. Những hành động này hoàn toàn dễ hiểu, nhưng nếu quá lạm dụng trẻ sẽ ỷ lại bạn và không biết cách chăm sóc bản thân mình. Điều trẻ cần hơn chính là cách làm thế nào để xử lý tình huống này tốt nhất. Nếu được rèn luyện, bé sẽ biết giữ thái độ bình tĩnh dù thấy máu, bị đau và biết cách tự sơ cứu vết thương một cách tốt nhất.
Do đó, bạn nên ưu tiên dạy cho trẻ những cách sơ cứu cần thiết. Điều này sẽ giúp trẻ biết cách bảo vệ bản thân và tự tin hỗ trợ người khác khi họ gặp nạn. Bạn không cần dạy trẻ sơ cứu quá phức tạp, hãy bắt đầu bằng việc cầm máu đơn giản sử dụng bông y tế để lau vết thương hay sát trùng bằng, rửa vết thương bằng nước muối sinh lý sau đó dán băng cá nhân là được.
Dạy trẻ hiểu được giá trị của lao động
Rất nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em sống tại các thành phố lớn thường được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ. Trẻ hầu như không phải làm bất kỳ việc gì dù là việc nhỏ nhất và hoàn toàn phù hợp với khả năng của lứa tuổi. Việc duy nhất trẻ phải làm đó là học và chơi. Khi trẻ cần tiêu tiền vào việc học thêm, ăn quà vặt, mua quà tặng bạn…
Nhiều phụ huynh cũng khá dễ dãi trong việc chu cấp, thường là cho tiền ngay mà không hỏi rõ mục đích. Tất cả những điều này dẫn đến việc trẻ ngày càng thiếu tính tự lập, hay đòi hỏi, luôn muốn dựa dẫm vào người khác, không hiểu được giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền.
Nhưng nếu bạn mong muốn dạy trẻ kỹ năng sống thì đây chính là một trong những bài học đầu tiên mà trẻ cần học được. Dạy trẻ ứng xử thế nào với đồng tiền rất quan trọng, bạn nên cho trẻ biết bất cứ đồng tiền nào cũng được làm ra từ những lao động chân chính. Từ đó, trẻ có tính tự lập, không lười biếng, không ỷ lại vào người khác và có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Giáo dục con nhận thức về giá trị của đồng tiền và việc tiết kiệm sẽ giúp con tránh được những quan niệm sai lầm về tài chính, giúp con trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm với các quyết định tài chính cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Dọn sạch phòng tắm
Việc dọn dẹp nhà vệ sinh cần nhiều kỹ năng. Con bạn cần học cách làm sạch gương, chậu rửa mặt, kệ để hóa mỹ phẩm, nắp đậy, chỗ ngồi của bồn cầu, sàn phòng tắm, miệng cống thoát nước… Nếu trẻ đủ lớn, bạn có thể cho trẻ dùng một số dung dịch tẩy rửa chuyên dụng không độc hại và chỉ cho trẻ cách dọn sạch phòng tắm. Bạn hãy bày cho con một số mẹo nhỏ hữu ích như rắc baking soda lên bề mặt cần lau rửa, để trong một vài phút, phun lên một ít giấm, sau đó chà bằng bàn chải nhà vệ sinh… chẳng hạn.
Đơn giản hơn bạn nên yêu cầu trẻ làm sạch bồn rửa mặt sau mỗi lần đánh răng, dội nước sau khi đi vệ sinh hay đơn giản hơn và dùng dẹp chuyên biệt khi vào phòng tắm… Tuy đây là những hành động nhỏ, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc dạy trẻ kỹ năng sống.
Dạy trẻ kỹ năng sống: Cho trẻ lên “plan” một chuyến đi chơi
Để dạy trẻ kỹ năng sống bố mẹ không nên bỏ qua việc hướng dẫn trẻ lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi. Vì hiện nay, nhiều bố mẹ thường có những nỗi sợ khá vô lý khiến trẻ cảm thấy sợ hãi với thế giới này. Nhưng bạn có chắc rằng mình sẽ đồng hành cùng trẻ trên mỗi chặng đường mà con đi hay không?
Chính vì vậy, bạn không nên lúc nào cũng kè kè bên trẻ. Chẳng hạn như khi vào trung tâm thương mại, bạn hãy để trẻ một mình vào rạp xem phim, tự tìm mua đồ ở khu trẻ yêu thích, tự chọn món ăn mà trẻ thích… Hãy để trẻ làm những điều chúng muốn, miễn là điều ấy không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như sự an toàn của trẻ.
Nếu trẻ đã lớn và muốn đi dã ngoại cùng bạn bè, bạn có thể cho trẻ đi. Song trước đó, bạn hãy dạy trẻ cách lên kế hoạch cho một chuyến đi, tìm hiểu thông tin về nơi sẽ đến để biết phải chuẩn bị những gì, các vật dụng cần thiết nào phải mang theo. Đi chơi cùng bạn bè sẽ cho trẻ những trải nghiệm hữu ích mà bạn không thể dạy trẻ được.
Kỹ năng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng
Đây là một trong những kỹ năng sống mà bạn nên dạy trẻ để con bạn có thể đi đến bất kỳ đây và làm được mọi việc. Với một sự bảo bọc bằng cách đưa đón thường xuyên, đến mọi nơi của bố mẹ, trẻ sẽ không thể nào đi xa ra khỏi vòng tay của bố mẹ, tức là sẽ không thể đi đâu mà không có bố mẹ. Bạn có bao giờ đặt câu hỏi, vậy trẻ đến khi nào mới khôn lớn và tự lập được?
Thực tế là các phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam và cách phục vụ còn nhiều hạn chế song không nghĩa là con bạn không nên sử dụng chúng. Ngay từ bây giờ, thay vì đưa con đến trường bằng xe gắn máy hay xe hơi như mọi ngày, bạn hãy cùng con đi xe buýt. Dần dần, trẻ sẽ biết cách đến trường, tự về nhà bằng xe buýt mà không phải trông chờ bạn đón.
Mỗi khi đi có dịp đi du lịch, bạn hãy cho con trải nghiệm các phương tiện giao thông công cộng khác nhau từ xe khách, xe buýt, tàu hỏa, tàu cánh ngầm, máy bay… Việc này sẽ giúp trẻ nhận biết được các tiện ích cũng như những hạn chế của từng phương tiện, đồng thời cho trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người khác nhau giúp trẻ hình thành kỹ năng giao tiếp tốt.
Dạy trẻ kỹ năng sống: Trồng và chăm sóc cây
Thông qua việc con tự trồng và chăm sóc cây, bạn đã dạy cho trẻ biết tôn trọng và yêu quý thiên nhiên. Hãy tận dụng một không gian nhỏ trong nhà như ban công hay sân thượng, thậm chí là một khoảng trống nhỏ chỉ có thể để vừa một chậu cây trên kệ sách của con… để phục vụ cho mục đích này. Bạn nói cho bé biết thời tiết ảnh hưởng như thế nào đến sự sinh trưởng và phát triển của cây cối, làm sao để cây nảy mầm, đâm chồi và phát triển xanh tốt… Bạn và bé cũng có thể đặt tên cho cây mà bé trồng, xem cây như một người bạn nhỏ và cùng bé quan sát sự phát triển của cây đó.
Nếu nhà có vườn, bạn hãy dạy con làm vườn, trồng rau, trồng hoa. Việc này không chỉ giúp trẻ bớt căng thẳng sau những giờ học ở trường mà còn đưa lại cho trẻ những bài học thực tế rất hữu ích. Bên cạnh đó, bạn nên cho trẻ biết những lợi ích mà cây xanh mang lại như: cung cấp oxy, tạo sự thoáng mát, giúp thư giãn mắt, lọc bụi…
Làm bố mẹ đã khó, kiêm luôn chức của người thầy người cô chẳng dễ dàng chút nào. Bạn hãy nhớ rằng, chúng ta không phải lúc nào cũng bên cạnh con, nhưng trẻ luôn cần sự dẫn lối của bạn. Chính vì vậy, hãy dạy trẻ kỹ năng sống từ những kinh nghiệm mà bạn đã tích lũy được để trẻ có thể đi đúng hướng đến thành công, bạn nhé!