Mẹ&Con - Thật kinh khủng khi thấy con… chảy máu, dù là chảy máu ở bất cứ đâu. Sự hốt hoảng của mẹ lúc này có thể khiến tình trạng nặng nề thêm. Thực tế, hiểu rõ từng “sự cố” chảy máu của con để xử trí đúng, kịp thời cũng chính là kỹ năng mẹ cần biết để giữ an toàn cho bé. Bồi bổ cho con bằng các món ăn 'bổ máu' Cách sơ cứu gấp khi con bị bỏng Phương pháp sơ cứu khi con chảy máu cam

Mẹ nên làm gì? 

Sự bình tĩnh là yếu tố quan trọng đầu tiên bạn cần nhớ đến. Thật sự người mẹ nào cũng “hoảng vía” khi thấy con mình chảy máu, dù là chảy máu cam, chảy máu do các vết thương hay xuất huyết qua những đường khác đi chăng nữa. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng nếu bạn sợ hãi, la khóc trong lúc này thì chỉ càng làm cho bé hoảng thêm và ngay cả các bác sĩ, y tá hay những người chung quanh cũng không thể nào xử trí ổn và nhanh cho con bạn được.

Nếu vết thương xảy ra ở đầu, do va đập, ngã… khiến bé bị chảy máu, bạn cần xử trí cẩn thận hơn và theo dõi sát hơn những diễn biến sau đấy. Bởi lẽ, khác với những trường hợp chảy máu bên ngoài mà bạn thấy được, những va đập ở vùng đầu có thể dẫn đến chấn thương sọ não, xuất huyết bên trong rất nguy hiểm. Hộp sọ được bao phủ bên ngoài bởi một lớp da và hệ thống mạch máu chằng chịt.

Một số trường hợp khi da vùng đầu, trán… bị rách, máu có thể chảy rất nhiều nhưng không gây nguy hiểm, do chỉ là chấn thương bên ngoài. Đáng ngại nhất là do té ngã, va đập ở vùng đầu, bé bị tổn thương não bộ, dưới dạng chảy máu “bên trong”. Khối xuất huyết sẽ gây chèn ép não, thể hiện ra ngoài bằng một loạt dấu hiệu.

Trẻ bị chảy máu

Tuyệt đối không nên cho bé ngủ trong ít nhất 1 giờ đầu sau khi có sự cố va đập, té ngã ở vùng đầu. Không chỉ thế, cho dù bé vẫn tỉnh táo thì vẫn phải tiếp tục xem xét, theo dõi trong vòng 24 giờ kế tiếp. Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như khó dỗ, lơ mơ, không nhận ra người trong gia đình, nôn ói, đi đứng loạng choạng mất thăng bằng, yếu liệt tay chân, chảy máu hoặc chảy nước từ lỗ mũi, lỗ tai, mắt lác, đồng tử hai bên không đều, nhịp thở không đều, da chuyển từ hồng sang nhợt nhạt… Tất cả những dấu hiệu này đều là nguy cơ chứng tỏ bé bị chấn thương sọ não, cần lập tức đưa bé đến bác sĩ. 

Một trường hợp chảy máu cũng rất thường gặp ở trẻ nhỏ là chảy máu cam. Cần biết rằng khoang trong của mũi chứa nhiều mạch máu nhỏ, khi khu vực này bị khô (hoặc bị kích thích) sẽ dẫn tới hiện tượng chảy máu. Trong khi đó, bé rất dễ bị lạnh, nhiễm trùng xoang, rất hay ngứa ngáy và vô tình ngoáy mũi nên có phần dễ bị chảy máu cam hơn người lớn.

Việc mẹ cần làm lúc này là đừng làm con hốt hoảng hơn. Hãy giữ cho bé ngồi xuống ghế, vị trí mũi cao hơn tim (không đặt bé nằm), gập đầu về phía trước để máu chảy ra ngoài lỗ mũi chứ không chảy ngược vào trong cổ họng bé. Dùng hai ngón tay trỏ và cái bóp chặt liên tục hai cánh mũi của trẻ để chúng chụm vào nhau trong khoảng 10 giây mỗi lần, hướng dẫn trẻ há miệng, thở bằng miệng.

Có thể dùng khăn lạnh đắp ở phần sống mũi của bé để cầm máu. Sau đó, bạn nên dặn bé không khụt khịt, không cố hỉ mũi, hắt hơi vì sẽ rất dễ khiến máu chảy lại. Nếu sau khoảng 10 phút, thấy máu cầm được, bạn có thể rửa mặt cho bé với nước sạch, cho bé ngửi một chút dầu hoặc vỏ quýt, để bé nghỉ ngơi đến khi thật sự khỏe khoắn và bình thường trở lại.

Cùng với máu cam ở mũi, chảy máu tai là một “tai nạn” cũng rất thường xảy ra ở trẻ em. Trẻ hay tò mò đút, chọt các vật nhỏ vào trong tai của mình. Mẹ cũng hay lấy ráy tai cho trẻ và nếu bất cẩn, chuyện làm chấn thương, chảy máu tai con không phải là chưa từng xảy ra. Khi bị chảy máu tai, bé có thể bị tổn thương màng nhĩ, gây giảm thính lực, thậm chí điếc hoàn toàn. Vì thế, đây là một dạng “chảy máu” cần đưa bé đến khám ở bác sĩ Tai Mũi Họng ngay, để xác định mức độ tổn thương, không tự ý thấy bé hết chảy máu là… thôi, để bé ở nhà luôn.

Ngăn chảy máu cho con bằng cách nào?

Như đã nói, bé ở tuổi rất hiếu động nên bạn luôn cần dành một sự quan tâm, chú ý đặc biệt đến bé. Các vật nhọn sắc, những thứ dễ vỡ, những cạnh bàn cạnh ghế… đều cần được che chắn, bao bọc, cất giữ cẩn thận khi con đang ở tuổi thích tò mò, nghịch phá chơi.

Trẻ bị chảy máu

Luôn sẵn sàng!
Trẻ nhỏ rất hiếu động, thích chạy giỡn và dễ gặp phải những tai nạn lớn nhỏ khác nhau gây chảy máu. Để phản ứng kịp thời với những tình huống như trên, bạn nên sẵn sàng trong tủ thuốc gia đình các vật dụng có khả năng sơ cứu, cầm máu như:
• Bông, băng.
• Gạc đệm, gạc thưa.
• Nước muối sinh lý.
• Cồn.
• Băng cá nhân.

Ngoài ra, nên để ý đến không khí trong phòng của bé. Những ngày trời quá khô hay nếu mở máy lạnh thường xuyên, bạn cần để thêm một thau nước nhỏ ở góc an toàn trong phòng, giúp tăng độ ẩm, tránh làm khô hốc mũi dễ dẫn đến tình trạng chảy máu cam. Không nên cho con chơi những vật nhỏ có khả năng nhét vào lỗ mũi, vào tai… gây chảy máu. Bạn cũng cần cắt ngắn và giũa cẩn thận móng tay con, vì với một bộ móng lâu ngày không cắt, dài và sắc, bé có thể gây chảy máu cho mình hoặc cho bé khác như chơi.

 

Với các tai nạn xảy ra liên quan đến tai, cần thật cẩn thận, dặn dò con không chọt vật nhọn vào tai mình khi bị ngứa tai. Bé ngứa và nói với bạn, bạn cũng cần vệ sinh tai cho con thật cẩn thận bằng tăm bông mềm, chỉ lau ở vùng ngoài, không chọt sâu vào trong dễ gây tổn thương vùng tai trong của trẻ.

Khi bé mọc những chiếc răng đầu tiên, bạn cũng cần chăm sóc răng miệng cho bé chu đáo, đánh răng cho con bằng bàn chải mềm, để ý kỹ nếu con xuất hiện tình trạng chảy máu chân răng. (Nếu bé bị chảy máu chân răng, nên xem lại phương pháp chải răng, bàn chải, cũng như đưa bé đến nha sĩ để kiểm tra xem bé có bị viêm nướu, viêm lợi gì không).

 

Băng bó khi trẻ bị chảy máu

Một lời nhắc khá quan trọng nữa mẹ cần biết đến: Bạn cần hết sức thận trọng khi dùng aspirin để hạ nhiệt, giảm đau cho bé. Vì tuy đây là một thuốc rất thông dụng nhưng nó thường mang đến những tác dụng phụ đáng ngại cho trẻ em, trong đó có việc aspirin gây rối loạn cân bằng đông máu – chảy máu. Với trẻ bình thường, dùng aspirin không có lợi (vì dùng lặp lại nhiều lần như đã nói sẽ gây rối loạn cân bằng đông máu – chảy máu). Với trẻ em đang bị chảy máu (do tổn thương), bị ban xuất huyết dưới da hay bị sốt xuất huyết thì dùng aspirin càng nguy hiểm. Lúc đó, máu sẽ không cầm được, dễ dẫn đến tụt huyết áp, trụy tim mạch, tử vong.

Đừng cho trẻ chơi các trò nguy hiểm!
Nơi vui chơi của trẻ phải rộng rãi, bằng phẳng. Cần thường xuyên nhắc nhở và theo dõi các hoạt động của trẻ, nhất là khi bé vui đùa ngoài trời. Nếu bé đủ lớn, bạn cần giải thích cho con những nguy hiểm để bé tự phòng tránh cho mình. Tuy nhiên, nói như thế cũng không có nghĩa là bạn cần “úm” con quá kỹ, lo sợ các trò chơi có thể làm trầy xước, chảy máu con. Thực tế không có đứa trẻ nào không “sở hữu” dăm ba vết sẹo nhỏ trên người, không trải qua một đôi lần chảy máu, trầy xước, được mẹ băng bó cho. Đó như là một phần tất yếu để con trưởng thành, khôn lớn

 

 

 

 

Tags:

Bài viết liên quan