Nhiễm ký sinh trùng là khi những loài ký sinh trùng âm thầm xâm nhập vào cơ thể con người. Chúng có khả năng “chung sống” trong cơ thể chúng ta trong khoảng thời gian dài để sinh sôi, phát triển, đồng thời hút máu và dinh dưỡng từ cơ thể vật chủ.
Thông thường, căn bệnh này được phát hiện chỉ khi người bệnh đi khám sức khỏe tổng quát có thực hiện những chỉ định xét nghiệm hay chụp chiếu. Do đó, nếu nhận ra những dấu hiệu của nhiễm ký sinh trùng từ sớm sẽ giúp chúng ta tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Nhiễm ký sinh trùng là căn bệnh như thế nào?
Nhiễm ký sinh trùng là căn bệnh thường gặp tại các đất nước có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới và do những loại giun, sán, chí, bọ chét, ve, rận sống ký sinh trên cơ thể con người gây ra. Con đường lây nhiễm những loại ký sinh trùng này có thể kể đến là lây từ đất, từ da, từ đường tiêu hóa, từ động vật sang người…
Ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể con người để hút máu và chất dinh dưỡng nhằm sinh sôi, nảy nở nên gây ra rất nhiều nguy hiểm cho cơ thể như làm hại gan, tổn thương não, phổi, thận, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu,… nếu như căn bệnh bị phát hiện quá trễ.
Chúng ta sẽ bị nhiễm ký sinh trùng theo những cách nào?
Có rất nhiều con đường khác nhau có thể lây nhiễm ký sinh trùng lên con người, cụ thể:
- Qua đường tiêu hóa: Việc sử dụng các thực phẩm hay nguồn nước chưa được nấu chín hay đun sôi là nguyên nhân lớn của việc nhiễm ký sinh trùng ở người.
- Qua bề mặt da: Chúng ta sẽ bị nhiễm ký sinh trùng từ những loại bọ chét, chí, rận, ve… khi mà những loài này xâm nhập vào cơ thể bằng cách tiếp xúc bề mặt da.
- Lây từ động, thực vật: Một số loài ký sinh trùng sống trên động vật như giun đũa ở chó, mèo nên khi chúng ta tiếp xúc, ôm hôn, vuốt ve thú cưng sẽ vô tình bị nhiễm bệnh.
- Đi du lịch: Một số quốc gia hay khu vực nhất định có khí hậu phù hợp với điều kiện sinh sôi của các ký sinh trùng. Nếu đi đến những địa điểm này, chúng ta có thể bị nhiễm bệnh, chẳng hạn tại châu Phi tồn tại loại giun tròn Dracunculus medinensis mà ở Việt Nam không có.
Đâu là những triệu chứng nhiễm ký sinh trùng?
Chúng ta sẽ khó biết có bị nhiễm ký sinh trùng hay không. Vì tình trạng này thường âm thầm hoặc nếu có dấu hiệu thì cũng rất giống với nhiều căn bệnh phổ biến khác. Hơn nữa, sự đa dạng chủng loại trong nguồn lây bệnh cũng góp phần làm cho các dấu hiệu có sự khác nhau. Tuy vậy, bệnh nhân nói chung thường có những triệu chứng sau đây:
Sốt kéo dài
Khi nhiễm ký sinh trùng, người bệnh có thể sốt kéo dài, sốt cao cùng với các dấu hiệu khác như cơ thể rét run hay sốt trong giai đoạn ngắn rồi cắt cơn. Đôi khi, những cơn đau bụng, tiêu chảy, chán ăn có thể xuất hiện.
Nhiễm ký sinh trùng gây rối loạn tiêu hóa
Người nhiễm ký sinh trùng ở đường tiêu hóa thường sẽ bị tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng nên dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý đường ruột khác. Bệnh nhân cũng có thể bị táo bón, đầy hơi và buồn nôn khi tiếp xúc với chất thải của ký sinh trùng.
Da của người nhiễm ký sinh trùng có thể bị ngứa và xuất hiện mề đay
Nhiễm ký sinh trùng sẽ làm chúng ta có các triệu chứng như: Phát ban, chàm dị ứng. Đồng thời, những chất thải của ký sinh trùng tồn tại lâu ngày ở da làm da chúng ta bị tổn thương, dẫn tới sưng tấy, viêm nhiễm.
Sụt cân, suy dinh dưỡng là một dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng
Hoạt động đường ruột sẽ bị ảnh hưởng khi cơ thể nhiễm ký sinh trùng, cụ thể là xuất hiện những triệu chứng như táo bón, chán ăn, bụng đau, đi ngoài nhiều. Ngoài ra, vì những loài ký sinh trùng hút máu và chất dinh dưỡng từ vật chủ nên chúng ta sẽ bị sụt cân, nghiêm trọng hơn là suy dinh dưỡng.
Vùng hậu môn ngứa khi bị nhiễm ký sinh trùng
Đây là một triệu chứng đặc trưng của người nhiễm giun, nhất là giun kim. Người nhiễm sẽ ngứa quanh vùng hậu môn vào buổi tối – thời điểm đẻ trứng của giun cái.
Nhiễm ký sinh trùng làm chúng ta thiếu máu
Đa số ký sinh trùng khi ký sinh trong cơ thể người sẽ hút máu của chúng ta nhằm sinh sôi và phát triển. Vì thế, tình trạng thiếu máu có thể là một dấu hiệu của việc nhiễm ký sinh trùng mà không được phát hiện.
Người nhiễm ký sinh trùng có thể thay đổi tính cách
Khi nhiễm bệnh, tâm lý con người có thể bị ảnh hưởng, trở nên lo âu, bất an, nhiều trường hợp tác động lên thần kinh gây ra tình trạng kém tập trung và suy giảm trí nhớ.
Nhiễm ký sinh trùng có thể gây ra những biến chứng gì?
Nếu như để nhiễm ký sinh trùng lâu không chữa trị có thể xuất hiện nhiều biến chứng nghiêm trọng như: Giun phát triển lan rộng tới những cơ quan quan trọng làm tắc ruột, tắc ống mật, gây viêm màng não, rối loạn tim mạch, viêm phổi, thiếu máu, suy dinh dưỡng. Nếu hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm thì hậu quả càng nặng nề và có thể tử vong nếu không chữa trị kịp thời.
Vậy căn bệnh nhiễm ký sinh trùng có chữa được không?
Câu trả lời là có nếu như được chữa trị sớm. Một số loại nhiễm ký sinh trùng có thể điều trị tại nhà, và một số khác phải cần sự can thiệp điều trị ở cộng đồng. Và có những bệnh ký sinh trùng nghiêm trọng thì phải đi điều trị tại cơ sở y tế theo phác đồ của Bộ Y tế.
Đâu là cách để phòng tránh nhiễm ký sinh trùng?
Để phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng, chúng ta nên thay đổi thói quen sinh hoạt bằng cách luôn ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên, cụ thể:
Chúng ta phải giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ
- Cần cắt móng tay cho gọn và sạch. Không ngậm hay mút tay. Không lấy tay chạm vào mắt, mũi, miệng và các vết thương hở.
- Rửa tay thường xuyên mỗi ngày vào các thời điểm: Trước bữa ăn, lúc nấu ăn, sau khi đi vệ sinh,…
- Không dùng chung những đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn lau mặt, lược,…
- Cần ăn chín uống sôi, tránh thực phẩm tươi sống như gỏi cá sống, thịt tái,…
Có thói quen vệ sinh đồ dùng cá nhân
Đồ dùng cá nhân như quần áo, bàn chải, khăn lông, đồ chơi trẻ em…, nếu không được vệ sinh kỹ càng là nơi lý tưởng để ký sinh trùng sinh sống. Vì thế, chúng ta cần vệ sinh kỹ những đồ vật như vậy bằng chất tẩy rửa, khử trùng, nhất là đồ chơi của con nhỏ. Trẻ con thường thích đưa vật lạ vào miệng nên dễ nhiễm các ký sinh trùng như giun, sán.
Nên thực hiện tẩy giun định kỳ
Đây là cách phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng hiệu quả cho cả trẻ em và người lớn. Chúng ta được khuyến nghị nên tẩy giun định kỳ, trừ trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và mẹ bầu trong 3 tháng đầu khi thai kỳ.
Cần trang bị kỹ lưỡng khi đi dã ngoại
Nhiều ký sinh trùng nguy hiểm tồn tại ở khu vực khí hậu nhiệt đới, nhất là nơi hoang dã, khí hậu ẩm ướt. Khi đến những nơi đó, chúng ta cần có quần áo, dụng cụ tắm rửa, dụng cụ khử khuẩn để vệ sinh đồ dùng cá nhân thường xuyên, hạn chế khả năng ký sinh trùng bám lên quần áo rồi đi vào vào da hay qua vết thương hở để xâm nhập vào cơ thể.
Trên đây là những thông tin về bệnh nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là những dấu hiệu nhận biết của bệnh. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng đáng nghi nào, hãy nhanh chóng đi thăm khám để có được sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.