Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp dưới với sự tổn thương ở phế nang và mô bao quanh phế nang trong phổi. Trẻ em dưới 2 tuổi là độ tuổi chiếm tỷ lệ mắc viêm phổi cao nhất.
Tác nhân gây viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em là bệnh viêm các phế quản nhỏ, phế nang và các bộ phận xung quanh phế nang. Bệnh do nhiều tác nhân gây ra, bao gồm vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh.
Bệnh viêm phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cao ở trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)
Bệnh do vi khuẩn và vi rút thường lây qua chất dịch phát tán từ mũi hoặc miệng người bệnh. Vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) là tác nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ, lan truyền nhiều nhất qua đường không khí lúc ho, hắt hơi và thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn trong người. Đặc biệt, bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới một tuổi, trẻ sinh non, thiếu cân, suy dinh dưỡng, còi xương, bị bệnh hô hấp mạn tính, sống trong môi trường ô nhiễm…
Dấu hiệu bệnh viêm phổi ở trẻ em
Việt Nam nằm trong top 10 nước có số ca viêm phổi mắc mới cao nhất thế giới. Trong năm 2015, trên thế giới có 920.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì viêm phổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi.
– Nhịp thở nhanh. Trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên. Trẻ 2 đến dưới 12 tháng nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên. Trẻ 12 tháng đến 5 tuổi từ 40 lần/phút trở lên. Lưu ý, nhịp thở có thể tăng khi trẻ gắng sức (bú, quấy khóc…) nên bố mẹ cần phải đếm nhịp thở khi trẻ nằm im, tốt nhất khi ngủ.
– Sốt, tím tái, suy hô hấp, mệt mỏi, chán ăn, ho ra máu… là những biểu hiện cảnh báo viêm phổi ở trẻ em.
– Trẻ phập phồng cánh mũi, co lõm lồng ngực khi thở.
– Chụp phim có hình ảnh tổn thương phổi trên X-quang.
– Xét nghiệm có bạch cầu trong máu tăng, CRP tăng (CRP là một glycoprotein được gan sản xuất, bình thường không thấy protein này trong máu).
Khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường, phụ huynh nên đưa bé đi khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt, không nên tự ý điều trị tại nhà.
Bệnh viêm phổi thường bị chẩn đoán nhầm
Bệnh viêm phổi ở trẻ em dễ bị chẩn đoán nhầm. (Ảnh minh họa)
Chẩn đoán chính xác là một trong những điều quan trọng giúp định hướng việc điều trị bệnh cho trẻ đúng cách. Một số triệu chứng của viêm phổi như sốt, khó thở, tim đập nhanh, ho nhiều… rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Điều đáng nói hơn, khi một phần lớn trẻ bị tử vong do viêm phổi cũng là do không được điều trị đúng cách sau khi bị chẩn đoán nhầm.
Chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà
Bên cạnh việc cho bé uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn, bố mẹ cũng cần lưu ý một vài cách chăm sóc trẻ tại nhà, giúp trẻ nhanh hồi phục.
– Cho trẻ ăn uống đủ chất, bú mẹ đều đặn. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, mẹ cần làm sạch mũi cho trẻ, như vậy trẻ có thể bú và ăn dễ dàng hơn. Khi trẻ đã khỏi bệnh, mẹ tăng cường các dưỡng chất thiết yếu giúp con lấy lại sức (rau xanh, trái cây, thịt, cá…).
– Trẻ bị viêm phổi cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đàm, dịu họng, giảm ho.
– Đối với bệnh viêm phổi ở trẻ em, ho chính là một phản xạ tích cực giúp tống đàm dãi ra ngoài để việc hít thở của trẻ trở nên dễ dàng hơn. Mẹ lưu ý, không được lạm dụng các loại thuốc ho để kìm hãm phản xạ có lợi này của trẻ. Trừ trường hợp, con bị ho nhiều kèm theo triệu chứng nôn ói, mất ngủ, tức ngực… thì mẹ mới cho con dùng thuốc nhưng cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Biện pháp phòng bệnh
– Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng sát khuẩn.
– Cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu.
– Tiêm chủng ngừa vắc xin phế cầu.
– Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Lưu ý, vì trẻ cũng dễ bị lây chéo bệnh từ người lớn trong gia đình nên bố mẹ cũng cần lưu ý phòng bệnh cho chính mình.
– Mùa đông cần mặc quần áo đủ ấm cho trẻ, chú ý giữ ấm vùng ngực, cổ, đầu, mặt cho trẻ, nhất là khi đưa trẻ ra ngoài.