Mẹ và Con - Khi bị đau bụng tiêu chảy, việc tuân thủ một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe nhanh chóng.

Trung bình, mỗi người thường bị đau bụng tiêu chảy cấp tính kéo dài từ một đến hai ngày khoảng một lần mỗi năm. Các biện pháp điều trị tiêu chảy tại nhà bao gồm ăn thức ăn nhạt và uống nhiều nước. Một số loại thuốc cũng có thể giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy của bạn.

Những nguyên nhân gây đau bụng tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng đi đại tiện có phân lỏng, dạng nước với tần suất đi ngoài từ ba lần trở lên mỗi ngày. Bạn có thể có các triệu chứng khác khi bị tiêu chảy, chẳng hạn như đau bụng hay đi liên tục mất kiểm soát.

Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy, chẳng hạn như ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, có chứa các loại vi khuẩn hoặc ký sinh trùng; uống nước bị ô nhiễm; tác dụng phụ của một số loại thuốc hóa trị; bị viêm loét đại tràng; mắc các bệnh lý như bệnh viêm ruột; bệnh Crohn, bệnh celiac,… hoặc do không dung nạp thực phẩm.

đau bụng tiêu chảy

Cách khắc phục tình trạng đau bụng tiêu chảy nhanh nhất

Ăn thức ăn nhẹ

Tiêu chảy nên ăn gì? Khi bị đau bụng tiêu chảy, bạn không nên ăn các loại thực phẩm có nhiều dầu mỡ, chất béo và dễ gây khó tiêu. Hạn chế thực phẩm cay nóng hay có nhiều axit. Đặc biệt, không uống rượu bia, đồ uống có cồn, đồ uống chứa caffeine và đồ uống có ga khi đang bị tiêu chảy.

Một số loại thức ăn nên dùng trong trường hợp bạn đang bị đau bụng tiêu chảy gồm có:

  • Chuối: Chuối chưa chín có hàm lượng tinh bột kháng cao, có thể giúp hút độ ẩm ra khỏi phân và giảm triệu chứng tiêu chảy. Ngoài ra, hàm lượng kali trong chuối cũng giúp bổ sung chất điện giải bù cho lượng điện giải bị mất do tiêu chảy.
  • Cơm từ gạo trắng: Gạo trắng ít chất xơ và dễ tiêu hóa hơn các loại ngũ cốc giàu chất xơ như gạo lứt và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác. Không chỉ vậy, gạo trắng dễ tiêu hóa, có vị nhạt nên sẽ phù hợp hơn với người bị đau bụng tiêu chảy.
  • Súp: Súp ít chất béo được chế biến loãng có thể giúp bổ sung nước giúp bạn tránh được tình trạng cơ thể mất nước do đau bụng tiêu chảy.
  • Canh súp hầm xương: Nước dùng của canh súp hầm xương không chỉ giúp bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn giúp cung cấp thêm một lượng chất lỏng cần thiết tốt cho sức khỏe.
  • Sữa chua: Người bị đau bụng tiêu chảy có thể ăn sữa chua, sữa lợi khuẩn để giúp tăng cường vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa cũng như cải thiện tình trạng tăng nhu động ruột.

Những nguyên nhân gây đau bụng tiêu chảy

Sử dụng thuốc trị tiêu chảy

Hiện nay, có một số loại thuốc giúp điều trị, cải thiện tình trạng đau bụng tiêu chảy không kê đơn. Bạn hoàn toàn có thể mua các loại thuốc này tại nhà thuốc gần nhà. Thuốc trị tiêu chảy giúp bổ sung lượng lợi khuẩn có lợi trong đường ruột cũng như cân bằng chuyển động của chất lỏng trong ruột của bạn và giảm viêm.

Lưu ý không dùng thuốc trị tiêu chảy nếu vi khuẩn hoặc ký sinh trùng là nguyên nhân gây đau bụng tiêu chảy. Cơ thể bạn cần phải loại bỏ vi trùng và thuốc trị tiêu chảy có thể làm các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Bổ sung nhiều chất lỏng

Thay thế chất lỏng bị mất là điều cần thiết để điều trị tiêu chảy. Mất quá nhiều chất lỏng và chất dinh dưỡng do tiêu chảy khiến bạn có nguy cơ bị mất nước.

Dấu hiệu mất nước bao gồm:

  • Nước tiểu sẫm màu
  • Khô miệng và da
  • Khát nước cực độ
  • Mệt mỏi
  • Cảm thấy chóng mặt
  • Đổ mồ hôi và đi tiểu ít hơn bình thường

Uống 8 đến 10 ly nước mỗi ngày có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và giữ cơ thể không bị mất nước nếu bạn bị đau bụng tiêu chảy. Hãy thử uống một cốc nước mỗi khi bạn đi tiêu phân lỏng. Ngoài việc uống nhiều nước, có thể bổ sung chất lỏng bằng cách dùng súp, canh, uống nước ép trái cây,…

Bạn có thể sử dụng dung dịch bù nước đường uống (ORS) để thay thế chất lỏng và chất điện giải bị mất do tiêu chảy. ORS có sẵn ở dạng bột để trộn vào nước và dùng một cách dễ dàng.

Cách khắc phục tình trạng đau bụng tiêu chảy

Nghỉ ngơi, không tập thể dục hay vận động mạnh

Khi bị đau bụng tiêu chảy thì ngoài việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp, bạn cũng nên lưu ý tránh hoạt động gắng sức và nghỉ ngơi nếu có thể. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn bị sốt hoặc cảm thấy yếu hoặc chóng mặt.

Dùng gừng để khắc phục tình trạng đau bụng tiêu chảy

Gừng đã là phương thuốc chữa mọi chứng khó chịu ở dạ dày trong hàng ngàn năm. Công dụng của gừng có thể giúp giảm buồn nôn do hóa trị, say tàu xe và mang thai. Ngoài ra, gừng còn có hiệu quả trong điều trị các vấn đề tiêu hóa khác như đau bụng tiêu chảy, đầy hơi, ợ chua và khó chịu ở dạ dày.

Một lưu ý quan trọng chính là nên tham khảo ý kiến bác sĩ trong việc sử dụng gừng để khắc phục đau bụng tiêu chảy nếu bạn sử dụng thuốc làm loãng máu. Phụ nữ mang thai cũng cần tham khảo chỉ định của bác sĩ nếu muốn dùng các loại thực phẩm chức năng, viên uống có thành phần chính từ gừng.

đau bụng tiêu chảy nên làm gì

Khi nào nên đến bệnh viện thăm khám?

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tiêu hóa, bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt nếu bạn có những triệu chứng này cùng với bệnh tiêu chảy bùng phát:

  • Sốt
  • Đau bụng dữ dội, đau quặn bụng
  • Tiêu chảy ra máu
  • Có chất nhầy trong phân
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Cảm thấy choáng váng khi đứng dậy

đau bụng tiêu chảy có nguy hiểm không

Ngoài ra, nếu bạn mắc các bệnh như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng hoặc bị suy giảm miễn dịch hoặc đang mang thai, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ lập tức ngay khi bạn bị đau bụng tieey chảy. Bạn có thể có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng do tiêu chảy cao hơn bình thường.

Đau bụng tiêu chảy có thể gây khó chịu, mất nước dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức. Cho dù các triệu chứng của bạn là do virus, bệnh celiac, viêm loét đại tràng hay nguyên nhân khác gây ra, điều quan trọng là phải giữ cho cơ thể đủ nước bằng cách bổ sung thật nhiều chất lỏng. Hãy thực hiện theo các hướng dẫn trên để nhanh chóng kiểm soát tình trạng đau bụng tiêu chảy bạn nhé!

Bài viết liên quan