Trong số những phương pháp kế hoạch hóa gia đình, vòng tránh thai nội tiết là một trong số những phương tiện hữu hiệu nhất để dùng trong một thời gian dài. Hãy cùng Mẹ và Con điểm qua tất tần tật những thứ bạn cần biết trước khi sử dụng phương pháp này nhé.
Vì sao vòng tránh thai nội tiết có hiệu quả cao?
Vòng tránh thai hay còn gọi là dụng cụ tử cung, là một thiết bị thường có hình chữ T, dài 32mm, đầu và thân làm bằng chất liệu nhựa vô khuẩn có thấm Sulfate Barium, thường có 1 sợi dây bằng polyene ở đuôi. Vòng tránh thai nội tiết có một chiếc bình nhỏ chứa thuốc nội tiết, mỗi ngày, một lượng thuốc vừa đủ sẽ được trích từ bình thuốc này thấm vào nội mạc tử cung, vào máu để thực hiện chức năng.
Thế nào là một biện pháp tránh thai có hiệu quả?
Tránh thai là một trong các biện pháp kế hoạch hóa gia đình được các nước Âu Mỹ áp dụng từ rất lâu. Ngày nay với sự phát triển của văn hóa và công nghiệp hiện đại, tránh thai cũng trở nên phổ biến dần trong văn hóa Á Đông nói chung, và tại Việt Nam nói riêng.
Có rất nhiều cách để tránh thai, để so sánh sự hiệu quả của một phương pháp tránh thai, các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới đã theo dõi những người phụ nữ đang sử dụng biện pháp tránh thai, sau một thời gian xem có bao nhiêu người có thai ngoài kế hoạch. (Tạm gọi là số thai ngoài ý muốn của 100 phụ nữ trong vòng 1 năm). Chỉ số đo lường tính hiệu quả của dụng cụ ngừa thai gọi là chỉ số Pearl (đơn vị là HMY). Như vậy, biện pháp nào có chỉ số Pearl càng nhỏ thì càng mang tính hiệu quả cao.
Vòng tránh thai nội tiết được xếp vào nhóm hiệu quả cao
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, chỉ số Pearl của vòng tránh thai nội tiết là 0.5 HWY, thuộc nhóm các phương pháp có chỉ số < 1%. Có thể diễn giải là trong 1000 người đặt vòng tránh thai nội tiết, chỉ có 5 người là có bé con ngoài dự tính. Lọt vào top 4 phương pháp hiệu quả nhất trong chức năng ngừa thai.
Chỉ có một loại vòng tránh thai nội tiết – Đúng hay Sai?
Vòng tránh thai hiện tại sử dụng một loại nội tiết tố có cấu tạo gần giống với progesteron có tên gọi là Levonorgestrel (LNG). Dòng dược chất này được trữ trong một bình chứa nằm ở thân của vòng tránh thai. Tùy theo cấu tạo của thân dụng cụ mà vòng tránh thai nội tiết sẽ có những đặc điểm riêng biệt gắn liền theo tên gọi, chẳng hạn như:
- Mirena, có thể sử dụng được trong 5 năm
- Liletta, có hạn dùng khoảng 3 năm
Ai là người có thể sử dụng vòng tránh thai nội tiết?
Chị em phụ nữ nếu không có chống chỉ định tuyệt đối với thuốc nội tiết thì có thể cân nhắc thực hiện biện pháp đặt vòng tránh thai. Các tình huống chắc chắn không đươc dùng vòng tránh thai nội tiết bao gồm:
- Đang mang thai.
- Nhiễm khuẩn hậu sản hay sảy thai nhiễm trùng
- Ra máu âm đạo chưa được chẩn đoán nguyên nhân.
- Bệnh nguyên bào nuôi, đang theo dõi tình trạng bhCG, ác tính hoặc đang xuất huyết
- Ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung phát hiện khi chưa đặt vòng
- U xơ tử cung hoặc các dị dạng khác làm biến dạng buồng tử cung.
- Tình trạng viêm nhiễm vùng chậu đang đang tiến triển: đang viêm tiểu khung, lộ tuyến cổ tử cung. Đang viêm mủ cổ tử cung hoặc có xét nghiệm vi sinh nhiễm Chlamydia, lậu cầu. Lao vùng chậu.
Các tình huống sau đây thường không được khuyên dùng nhưng nếu không có phương pháp ngừa thai nào khác thì vẫn có thể chấp nhận đặt vòng có thuốc, đó là:
- Trong thời gian từ 48 giờ đến 4 tuần đầu sau sinh (kể cả sinh bằng phẫu thuật).
- Thai trứng lành tính có kết quả theo dõi nồng độ hCG giảm dần.
- Có nguy cơ cao mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
- Bệnh HIV có tình trạng lâm sàng không ổn định.
Đặt vòng tránh thai nội tiết như thế nào?
Vòng tránh thai nội tiết có thể được đặt ở các bệnh viện, phòng khám sản phụ khoa uy tín hoặc ở trạm y tế địa phương. Điều quan trọng là bạn cần đến cơ sở an toàn, vì thao tác đặt hay rút dụng cụ tử cung đều có liên quan đến nhiễm trùng sinh dục, vốn là nguyên nhân hàng đầu gây ra hiếm muộn đấy!
Sau khi tư vấn các thông tin cho bạn về quy trình, cách theo dõi, hạn sử dụng cũng như cách chăm sóc, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn nằm lên bàn khám sản phụ khoa. Quy trình đặt dụng cụ sẽ diễn ra theo thứ tự thế này:
- Một dụng cụ gọi là mỏ vịt được đưa vào để bác sĩ quan sát cổ tử cung
- Bác sĩ sẽ đặt một van nhỏ để giữ âm đạo luôn có không gian để đưa vòng đi qua
- Sát khuẩn phần cổ tử cung bằng dùng sinh sát khuẩn, giữ cổ tử cung nhẹ nhàng bằng kẹp chuyên dụng.
- Bác sĩ tiến hành đo độ sâu buồng tử cung bằng que thăm vô trùng.
- Sau khi xác định được độ sâu của buồng tử cung. Dụng cụ tử cung hay vòng tránh thai sẽ được lắp vào ống đặt để đưa vào trong.
- Khi đã ngay ngắn trong tử cung. Vòng sẽ được bung 2 cánh chữ T, được điều chỉnh cho phù hợp và đưa ống đặt ra ngoài
- Phần dây sẽ được gấp gọn, và dùng để theo dõi vòng về sau nếu như có hiện tượng “rơi” vòng ra khỏi tử cung
Vòng tránh thai nội tiết có an toàn không?
Phương tiện ngừa thai nào cũng có ưu và nhược điểm chuyên biệt và điều này cũng đúng với vòng tránh thai nội tiết. Một số yếu tố khiến cho nhiều chị em băn khoăn khi chọn lựa biện pháp này thường là những tác dụng phụ của vòng tránh thai, bao gồm:
- Viêm phần phụ: Dù không có biểu hiện gì gợi ý tình trạng viêm vùng kín, nhưng vòng tránh thai nội tiết nói riêng hay các loại dụng cụ đặt trong tử cung, đều tiềm ẩn các nguy cơ gây viêm phần phụ. Tại sao lại như vậy? Vì khi đặt hay tháo vòng, cổ tử cung, “cánh cửa” ngăn giữa vùng gần như vô khuẩn (tử cung) với nơi nhiều vi khuẩn (âm đạo) đều mở ra tạo điều kiện cho vi trùng “di dân”. Để tránh việc gián tiếp đưa vi khuẩn vào dạ con, trong một số trường hợp nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng một số kháng sinh sau khi đặt..
- Nhiều khí hư âm đạo: Sau khi đặt vào dạ con, ngoài tác dụng phóng thuốc một cách đều đặn thì vòng tránh thai còn gây ra tình trạng viêm tự nhiên và vô trùng. Đây cũng là một cơ chế phụ khi tránh thai với vòng tránh thai nội tiết. Tuy vậy ở một số cơ địa của chị em thì phản ứng viêm này khiến khí hư ra nhiều hơn và trở nên khó chịu vì thường xuyên ẩm ướt.
- Rối loạn kinh nguyệt: Trong vài tháng đầu sau khi áp dụng, các chị em sẽ để ý thấy kinh nguyệt của mình “hơi” mất ổn định hơn so với trước. Có thể là sớm hơn hay muộn hơn, hoặc lượng kinh nhiều hơn, đây là phản ứng “loạn” ngắn của cơ thể khi có một lượng nội tiết tố sinh dục vào cơ thể. Từ những chu kỳ sau, hiện tượng này sẽ không còn.
- Gây một số tác dụng phụ: Bên cạnh những nhược điểm trên, đặt vòng tránh thai nội tiết còn tồn tại các tác dụng phụ như: nhức đầu, buồn nôn, tức ngực, nổi mụn trứng cá… Tuy nhiên đây đều là các biểu hiện “rối loạn” nội tiết thoáng qua, chị em hoàn toàn không phải lo lắng.
Những lưu ý khi sử dụng vòng tránh thai nội tiết
Một số lưu ý quan trọng khi dùng vòng tránh thai đó là:
- Trước khi quyết định đặt vòng tránh thai nội tiết, bạn cần được tư vấn và chăm sóc bởi một bác sĩ sản phụ khoa có uy tín để hiểu rõ những ưu nhược điểm của phương pháp, và đâu là biện pháp phù hợp với cơ thể bạn.
- Phải dùng biện pháp ngừa thai hỗ trợ trong 7 ngày đầu sau khi đặt.
- Tuân thủ nghiêm túc những hướng dẫn của bác sĩ về việc vệ sinh, theo dõi vòng tránh thai để phát huy tác dụng tốt nhất của dụng cụ tử cung.
- Nếu có một trong các biểu hiện như đau bụng quá nhiều, thấy dây vòng nằm ngoài âm đạo, cần nhanh chóng đến khám để tránh những biến chứng của vòng như lạc chỗ (“tuột” vòng) hoặc nhiễm trùng.
- Nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra vòng tránh thai nội tiết vẫn ổn định và phát huy tác dụng ngừa thai hiệu quả.
- Hãy chọn lựa chọn cơ sở tế có dịch vụ thực hiện các biện pháp tránh thai uy tín. Điều này là tối cần thiết, bởi chỉ có những cơ sở y tế uy tín, mới đảm bảo tính an toàn không chỉ ở chiếc vòng, và còn đảm bảo không ảnh hưởng đến chức năng làm mẹ về sau khi bạn đã sẵn sàng đón chào bé con về nhà.
Các sản phẩm có chứa nội tiết tố có thể gây nhiều tác dụng phụ, nhưng nếu được dùng một cách cẩn thận theo hướng dẫn của bác sĩ, sẽ mang lại những hiệu quả tuyệt vời. Vòng tránh thai nội tiết cùng là một biện pháp vừa an toàn, hiệu quả lâu dài và hợp chi phí nếu như bạn được sự hướng dẫn và chăm sóc của nhân viên y tế.