Mẹ&Con - Chàm sữa là một bệnh lành tính, xuất hiện nhiều ở các nước vùng khí hậu nhiệt đới như nước ta và chiếm đến 25% các bệnh ngoài da. Khi bị chàm sữa, trẻ sẽ cực kỳ khó chịu, quấy khóc, bỏ bú… Nhiều bé do không kiềm chế được đã liên tục cọ má vào gối, chạm tay vào vết thương gây bong tróc các mụn nước, chảy máu, nhiễm trùng da... Mẹo dân gian giúp mẹ "xóa sổ" nhanh vết bớt, chàm trên da bé yêu Bớt xanh bớt tím trên da trẻ, bình thường hay bất thường?

“Lên 2 tháng tuổi con bé bị chàm sữa. Hai má tấy đỏ, bứt rứt, quấy khóc khiến cả nhà ăn không ngon, ngủ không yên. Nhìn xót hết cả ruột, ước gì mình có thể chịu đau thay cho con”. Đó là chia sẻ của chị Xuân Ánh (quận Phú Nhuận) khi bé con của chị bị chàm sữa suốt mấy tháng ròng chữa mãi không khỏi. Sau này các bác sĩ nhận định nguyên nhân có thể đến từ chế độ dinh dưỡng của chị khi cho con bú mẹ. Cuối cùng, mọi vấn đề đã được giải quyết bắt nguồn từ việc thay đổi thói quen ăn uống của chị.

1. Nhận biết chàm sữa

Chàm sữa (còn được gọi là lác sữa) xuất hiện phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tháng tuổi với tỷ lệ thống kê là 20% số trẻ được sinh ra. Đây được xem là giai đoạn đầu của chàm thể tạng và cho đến thời điểm này việc xác định nguyên nhân còn đang vướng phải nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn.

Tuy nhiên, tựu trung lại đa số ý kiến đều cho rằng nguyên nhân chính thường là do yếu tố di truyền như tiền căn cá nhân, gia đình bị dị ứng, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm thể tạng… Vì thế, việc chăm sóc bé khá phức tạp, đòi hỏi mẹ phải đặc biệt lưu ý từ những yếu tố gây dị ứng bên ngoài và cả chế độ ăn uống khi cho con bú mẹ…

Mách mẹ: Chàm sữa thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi và khởi đầu bằng những vết mẩn đỏ hai bên má, sau đó có thể lan thân người và tứ chi. Dần dần, các nốt mẩn đỏ phát triển thành mụn nước li ti có màu đỏ, gây bong tróc, nứt nẻ, rỉ dịch…

Con bị chàm sữa, mẹ nên ăn gì? 7

Trẻ sơ sinh bị chàm sữa – Ảnh minh họa

2. Có bao nhiêu loại chàm sữa?

Câu trả lời là 3 loại. Gồm chàm sữa cấp tính, chàm sữa mạn tính và chàm sữa bán cấp.

Ở loại chàm sữa cấp tính, da trẻ nổi hồng ban, mụn nước, bóng nước, rỉ dịch, đóng vảy và ngứa rất dữ dội. Với chàm sữa mạn tính, da trẻ dày lên thành từng mảng, khô ráp, ngứa ngáy, nứt ra thành nhiều rãnh và thay đổi sắc tố da. Chàm sữa bán cấp là sang thương trung gian giữa giai đoạn cấp tính và mạn tính.

3. Ảnh hưởng của chàm sữa đối với bé

Bạn cần phải biết rằng chàm sữa là một bệnh lành tính, xuất hiện nhiều ở các nước vùng khí hậu nhiệt đới như nước ta và chiếm đến 25% các bệnh ngoài da. Khi bị chàm sữa, trẻ sẽ cực kỳ khó chịu, quấy khóc, bỏ bú… Nhiều bé do không kiềm chế được đã liên tục cọ má vào gối, chạm tay vào vết thương gây bong tróc các mụn nước, chảy máu, nhiễm trùng da.

Nếu không được điều trị kịp thời cảm giác đau rát sẽ khiến bé không thể ăn uống, quấy khóc, khó ngủ, làm bé không bắt kịp đà tăng trưởng. Bệnh còn khiến da bé trầy xước, dễ nhiễm khuẩn và để lại sẹo về sau.

4. Thức ăn mẹ cần tránh

Bệnh chàm sữa có liên quan đến hai yếu tố cơ bản là cơ địa dị ứng và chất gây dị ứng. Vì thế, mẹ có thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để loại trừ các nguyên gây dị ứng từ thức ăn được truyền sang sữa khi cho con bú bằng cách hạn chế:

Mỡ động vật
Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể về việc này. Tuy nhiên theo quan sát ghi nhận rằng, những trường hợp mẹ ăn nhiều mỡ động vật con có nguy cơ dị ứng thức ăn cao hơn so với những bé mà mẹ không ăn hoặc ăn ít.

Đậu phộng
Dị ứng đậu phộng là hiện tượng thường thấy khắp thế giới. Vấn đề này liên quan đến tính chất cơ địa của từng người. Thông thường, dị ứng đậu phộng thường gặp ở người da trắng. Thế nhưng, để đảm bảo an toàn cho con, mẹ cũng nên hạn chế dùng đậu phộng.

Các loại thực phẩm lên men, các loại đồ ăn sẵn, các thực phẩm có chất nhuộm màu, gia vị nhân tạo
Yếu tố gây dị ứng của các loại thực phẩm này đến từ các chất tạo màu, chất bảo quản, chất phụ gia trong quá trình chế biến.

Các loại trứng bao gồm cả trứng gà, trứng vịt, trứng chim cút, trứng ngỗng, trứng lộn…
Giải thích cho việc mẹ nên hạn chế trứng khi con bị chàm sữa là do thành phần protein có trong trứng gây nên cơ chế phản ứng khiến hệ miễn dịch giải phóng histamin và truyền tín hiệu dị ứng qua những biểu hiện ngoài da. Dù cả lòng đỏ và lòng trắng trứng đều có chứa các protein có thể gây dị ứng, nhưng dị ứng với lòng trắng trứng lại phổ biến hơn.

Nội tạng động vật
Nội tạng động vật có hàm lượng chất béo bão hòa và lượng cholesterol cao hơn thịt. Nếu tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng mỡ máu, có hại cho tim mạch. Chưa hết, các thực phẩm này thường không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người, gây nên phản ứng dị ứng miễn dịch của cơ thể phóng thích các hóa chất trung gian histamin và gây ra dị ứng.

Thêm vào đó, trong quá trình kinh doanh, người bán sử dụng một số hoá chất để tẩy trắng, bảo quản nên đây cũng có thể là nguyên nhân khiến mẹ bị dị ứng. Nếu không được chế biến kỹ, nội tạng không hết mùi tanh cũng sẽ làm ảnh hưởng đến mùi vị và chất lượng sữa mẹ.

Các loại hải sản và thịt bò
Nguyên nhân khiến hải sản và thịt bò dễ gây dị ứng là do thành phần chất đạm. Chất đạm khi ăn vào phải được tiêu hóa thành acid amin trước khi hấp thu vào máu. Tuy acid amin không gây dị ứng, nhưng nếu quá trình tiêu hóa không triệt để, chất hấp thu không phải là acid amin mà là các chuỗi peptid, gồm nhiều acid amin còn gắn với nhau. Chính các chuỗi peptid này là tác nhân gây dị ứng, thành phần này sẽ kích thích hệ thống phòng thủ trong cơ thể dẫn đến dị ứng.

Con bị chàm sữa, mẹ nên ăn gì? 8

Chế độ ăn uống của mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của con – Ảnh minh họa

5. Thức ăn mẹ nên bổ sung

Thịt lợn nạc, thịt gà, cá trắng, đậu đỗ là những thực phẩm có hàm lượng đạm tropomyosin cao, ít gây dị ứng. Khi trẻ còn bú mẹ, mẹ nên ăn cá biển để tăng chất ARA, là một axit béo omega-6, chất này giúp bé chống lại dị ứng.

6. Những lưu ý khi con bị chàm sữa

– Tránh cho bé dùng các sản phẩm dễ gây dị ứng như trứng, đậu phộng, cà chua, đồ biển, thực phẩm lên men… Nếu phải dùng thịt bò, nên ninh thịt trong nồi áp suất hay hầm thật kỹ để quá trình thủy phân xảy ra mạnh hơn. Khi đó, thịt dễ tiêu hóa triệt để thành acid amin, làm giảm khả năng gây dị ứng. Tránh tiếp xúc ánh nắng nhiều và thoa kem giữ ẩm cho bé, vì khô da sẽ làm chàm nặng hơn.

– Cắt móng tay và giữ tay sạch. Vệ sinh kỹ lưỡng khu vực sinh hoạt của bé, tránh các tác nhân gây dị ứng như bụi vải từ gối, ga giường, thảm trải sàn, thú bông, lông thú nuôi… Tránh cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo tốt nhất là không nên nuôi các loại vật nuôi này khi trẻ đang ở giai đoạn dễ mắc bệnh.

– Hạn chế tắm bé lâu bằng các loại xà phòng, sữa tắm có chất tẩy rửa mạnh. Nếu da bé dễ dị ứng, bạn nên tắm bé nhanh bằng nước ấm và lau khô người bằng khăn xô mềm, đã được giặt các xà phòng dành cho da nhạy cảm.

– Nên mặc cho bé quần áo làm bằng chất liệu cotton rộng rãi, thoáng mát để bé cảm thấy dễ chịu hơn, nhất là vào mùa nắng nóng.

– Cho bé ở trong môi trường trung tính, không quá nóng hoặc quá lạnh và tránh thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

– Định kỳ vệ sinh máy lạnh, quạt máy để bụi bẩn không bám vào cánh quạt, gây ô nhiễm khu vực sinh hoạt của bé.

Chàm sữa có thể tái phát nếu bạn không chú ý đến các nguyên nhân gây dị ứng cho con. Vì thế, mẹ đừng tưởng rằng nếu đã chữa khỏi là bé đã thật sự “an toàn”.

– Nên đến bác sĩ và không dùng các mẹo chữa bệnh trong dân gian để tránh làm làn da mỏng manh của bé bị tổn thương nhiều hơn.

Mách mẹ: Nếu việc mẹ thay đổi chế độ dinh dưỡng và cả các yếu tố có nguy cơ gây dị ứng khác mà con vẫn không hết chàm sữa, mẹ nên chú ý đến chính nguồn sữa của mình. Nhiều khả năng trong sữa mẹ đã có một chất gây dị ứng nào đó khiến bé không dung nạp được. Để bù đắp cho nguồn dinh dưỡng bị thiếu hụt này, bạn có thể cho con dùng sữa ngoài, nhưng tuyệt đối không nên cắt sữa, nếu chưa biết chính xác sữa mẹ là nguyên nhân khiến bé bị dị ứng.

Theo sự tư vấn của Ths.BS Lê Hoàng Hạnh Nghi, bộ môn Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 

Tags:

Bài viết liên quan