Mẹ&Con - Vậy là cuối cùng cũng đã đến ngày chính thức bước vào năm học mới. Giờ đây con phải tuân thủ theo những hướng dẫn của thầy cô, bảo mẫu, và phải học hành vui chơi theo đúng “lịch” của trường. Chuẩn bị tâm lý thế nào cho thiên thần bé bỏng đây? Những mẹo sau sẽ giúp ích nhiều cho bạn!

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước ngày khai giảng

Ảnh minh hoạ

1. Tạo tâm lý thoải mái

Đừng đòi hỏi bé rằng: Sao các bạn khác ngoan thế kia mà con thì cứ khó chịu, cáu bẳn, ngại ngùng, sợ hãi mỗi khi nhắc đến chuyện đi học. Hãy biết rằng những thái độ, hành vi như thế ở trẻ là hết sức bình thường, hoàn toàn hợp lý. Đây là lần đầu tiên con phải đối mặt với một thế giới lạ lẫm mà không có mẹ, phải tuân thủ những “kỷ luật” mà trước đó con chưa hề biết tới. Bạn hãy thông cảm cho bé, cũng như đừng dọa nạt, la rầy. Hãy chia sẻ với con rất chân thật rằng: “Hồi mẹ bé xíu bằng con, mẹ cũng sợ đi học lắm… Nhưng dần dần, mẹ rất thích trường lớp, vì ở đó học được bao nhiêu là điều hay!”

2. Giải thích rõ với con về trường học

Bạn không nên né tránh, vòng vo, cũng đừng “tô vẽ” quá mức về trường học để “dụ” bé (kiểu như ở trường con sẽ toàn được chơi, có bao nhiêu là đồ chơi đẹp…). Cần giải thích rõ ràng với con về trường học, tại sao phải đi học, các hoạt động ở trường sẽ diễn ra như thế nào. Cho bé biết rằng con đã lớn và đây là một nơi giúp con biết thêm nhiều điều mới mẻ, để có thể học hỏi, trưởng thành giống như ba mẹ, các anh chị. Cũng cần nhấn mạnh để bé biết rằng mọi đứa trẻ đều đi học. Nếu bé thích xem phim hoạt hình, bạn có thể cho bé xem cảnh phim chú cá Nemo đi học lần đầu tiên, và giải thích với bé rằng các “bạn” cá, “bạn” gà, “bạn” mèo cũng đều đi học cả.

3. Trang bị cho “cục cưng” ý thức tự lập

Bé càng được cưng chiều, thiếu khả năng tự lập thì càng dễ bị sốc khi đi học. Để tránh cho con khỏi rơi vào tình trạng này, bạn nên cố gắng giúp con tự lập ngay từ khi còn nhỏ, hoặc chí ít là tập cho con tự lập một số thứ trước lúc đến trường. Những điều tối thiểu bé cần biết là khả năng ăn thức ăn đa dạng, sử dụng muỗng, đũa, tự mặc quần áo, tự đi vệ sinh… Hướng dẫn con cách xử lý một số tình huống khi không có bố mẹ bên cạnh. Bạn có thể hứa với con sẽ đến với con ngay khi con gặp trở ngại lớn và cần đến bố mẹ. Tuy nhiên, không nên lo lắng thái quá đến mức như một số phụ huynh vừa qua đã lén làm là… mua điện thoại di động cho con và hướng dẫn con gọi bố mẹ khi gặp chuyện cần! Cách này chỉ mang đến tác dụng ngược và gây nguy hại, ảnh hưởng cho bé (dễ bị trấn lột, dễ khiến bé luôn vòi vĩnh bố mẹ) mà thôi.

4. Giúp bé hòa nhập nhanh bằng hoạt động ngoại khóa

Hầu hết các bé đều cảm thấy lo lắng với môi trường “nghiêm trang” trong lớp. Tuy nhiên, bé sẽ thấy bớt rụt rè, nhút nhát, bớt thụ động và dễ kết bạn hơn nếu như được tham gia vào các câu lạc bộ đội nhóm ngoại khóa. Vì vậy, bạn đừng ngần ngại đăng ký cho con sinh hoạt ở những đội nhóm này. Nhóm múa, nhóm hát, nhóm kịch hay Aerobic thiếu nhi gì cũng được. Khi bé được tham gia sinh hoạt, vui chơi với bạn bè, bé sẽ thấy trường học không hề là cái gì cứng nhắc, khô khan như bé tưởng.

5. Để bé nói ra suy nghĩ của mình

Đừng coi thường và đừng gạt đi khi bé thỏ thẻ chia sẻ với bạn bất kỳ một cảm giác lo âu nào hay một nỗi sợ hãi nào, dù nỗi sợ hãi đó có vẻ trẻ con, nhỏ nhặt và buồn cười nhất. Bạn cần lắng nghe con càng nhiều càng tốt trong những ngày này. Có thể khơi gợi để con tâm sự với bạn. Trường hợp bé hơi “kín tiếng”, bạn có thể giả vờ kể cho con nghe một câu chuyện cổ tích về chuyện thỏ con đi học, sau đó đặt ra những tình huống và hỏi con các câu hỏi như: “Con có nghĩ là thỏ con sợ không? Sao thỏ con lại sợ thế nhỉ?”. Thông qua cách bé tưởng tượng và mô tả nhân vật sợ thế nào, lo ra sao, bạn có thể gián tiếp hiểu con đang nghĩ gì rồi đấy!

Tags:

Bài viết liên quan