Thừa cân béo phì ở trẻ em là một thực trạng đang có xu hướng gia tăng hàng năm. Mặc dù trông trẻ mũm mĩm, đáng yêu nhưng thật sự con yêu đang có một cơ thể thiếu rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh. Vậy nguyên nhân từ đâu trẻ lại mắc phải tình trạng này và cha mẹ nên thiết lập một chế độ ăn cho trẻ béo phì như thế nào khoa học và hiệu quả? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Cách chẩn đoán béo phì ở trẻ em
Béo phì là tình trạng mỡ tích tụ quá mức tại các mô mỡ và các tổ chức khác dẫn đến nhiều biến chứng hác có hại cho sức khỏe, gặp nhiều ở cả bé trai và bé gái. Có nhiều tiêu chuẩn đánh giá một đứa trẻ bị béo phì, phổ biến là phương pháp z-score và chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) theo độ tuổi và giới tính.
Công thức: BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2]
*Trong đó: Chiều cao sẽ tính bằng đơn vị (m) và cân nặng sẽ là (kg). Và chỉ số này không áp dụng cho phụ nữ có thai, vận động viên hay những người tập thể hình.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tính nhẩm nhanh cân nặng lý tưởng của bé dựa vào chiều cao theo những cách sao đây:
- Cân nặng lý tưởng = (Cân nặng (cm) – 100) x9 /10.
- Mức cân tối đa = (Cân nặng (cm) – 100).
- Mức cân tối thiểu = (Cân nặng (cm) – 100) x8 /10.
Ví dụ như bé cao 1m40, tức là 140cm thì:
- Cân nặng lý tưởng của bé sẽ là: (140 – 100) x9 /10 = 36kg.
- Cân nặng tối đa bé có thể đạt (vẫn trong mức tốt): 140 – 100 = 40.
- Cân nặng tối thiểu bé có thể đạt (chưa gọi là suy dinh dưỡng): 32kg.
Do đó, chỉ cần dựa vào những chỉ số trên, bạn có thể nhận định được mức cân nặng tối đa của bé trong mức cho phép. Và nếu như bé yêu đã vượt qua mức cân nặng tối đa có thể đạt trong mức tốt, có nghĩa là bé đã bị thừa cân.
Nguyên nhân khiến trẻ béo phì
Béo phì nguyên phát
Trước khi tìm chế độ ăn cho trẻ béo phì, mẹ nên biết được những nguyên nhân khiến con yêu lại tăng cân chóng mặt như thế. Và một trong những nguyên nhân hàng đầu gây béo phì ở trẻ là do mất cân bằng năng lượng. Năng lượng nạp vào cơ thể của con mỗi ngày lại cao hơn nhu cầu của cơ thể.
Khi thức ăn đi vào cơ thể, một số sẽ chuyển hóa thành năng lượng và tiêu hao đi do các hoạt động hàng ngày, năng lượng thừa còn lại sẽ trở thành “nguồn dự trữ”, hay còn gọi là tích tụ mỡ vào các vùng như bụng, mông, đùi, bắp tay…
Dạng béo phì thường gặp ở Việt Nam là ở những trẻ háu ăn, ít hoạt động và giảm chuyển hóa thân nhiệt. Mặc dù trẻ thừa cân béo phì trông cao hơn lứa tuổi dậy thì, nhưng lâu dài con sẽ ngưng tăng trưởng sớm và có chiều cao trung bình thấp trong độ tuổi trưởng thành.
Thừa cân béo phì thứ phát
Bên cạnh việc béo phì do ăn uống lười hoạt động, cũng có những trường hợp béo phì thứ phát do các bệnh lý nội tiết, di truyền hoặc do dùng các loại thuốc đang dùng:
- Suy giáp trạng sẽ làm cho trẻ béo toàn thân, chiều cao khiêm tốn và sở hữu làn da khô, thiểu năng trí tuệ.
- Thiểu năng sinh dục thường gặp trong 1 số hội chứng như Prader-Willi béo bụng, lùn, thiểu năng trí tuệ hoặc tinh hoàn ẩn.
- Lorence Moon Biel là một căn bệnh làm trẻ béo đều toàn thân, nước tiểu nhạt, thừa ngón ở bàn tay – bàn chân và có tật về mắt.
- Béo phì do dùng các loại thuốc như dùng quá nhiều corticoid khi điều trị hen suyễn, khớp, hội chứng thận hư. Không loại trừ trường hợp uống nhầm thuốc đông y có trộn lẫn corticoid dành cho các bệnh điều trị chàm, dị ứng ngoài da, hen…
- Do u nam hóa vỏ tượng thận, bệnh còn làm béo bụng, da bị đỏ và có vài vết rạn, nhiều mụn trứng cá và huyết áp cao.
- Béo phì do di truyền từ cha mẹ (cha mẹ đã hoặc cũng đang thừa cân).
- Do các bệnh về não thường gặp do các tổn thương ở vùng dưới đồi hoặc sau khi bị viêm não. Bệnh này thường kèm theo thiểu năng trí tuệ hoặc triệu chứng thần kinh khu trú.
Tác hại của thừa cân béo phì
Một số tác hại nguy hiểm khi trẻ thừa cân, cần áp dụng ngay chế độ ăn cho trẻ béo phì:
- Trẻ bị thừa cân béo phì khi mắc bệnh nào đó cũng sẽ khó chữa hơn so với những trẻ có cân nặng lý tưởng.
- Khi trẻ lố cân còn có nguy cơ mắc các bệnh về tim, huyết áp, mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, đái tháo đường…
- Trẻ thừa cân cũng dễ bị rối loạn tiêu hóa.
- Trẻ dễ mắc các bệnh về xương khớp như thoái hóa, đau thắt lưng…
- Ảnh hưởng đến tâm lý do tự ti vì bạn bè trêu chọc, chế giễu… Lâu dần có nguy cơ sống khép kín, thụ động hơn, tay chân thiếu linh hoạt hoặc mắc bệnh trầm cảm.
Tại sao trẻ thừa cân nhưng vẫn thiếu chất?
Nhiều cha mẹ thường nghĩ rằng trẻ con phải mũm mĩm, mập mạp mới đầy đủ chất. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp con béo phì những vẫn thiếu rất nhiều chất cần thiết. Bởi lẽ, thừa cân là do con chủ yếu tiêu thụ các chất đạm, đường, chất béo… và kén ăn rau củ quả, dẫn đến thiếu chất xơ, vitamin và các khoáng chất cần thiết khác.
Đặc biệt, hầu hết các trẻ thừa cân hay có dấu hiệu thiếu vitamin D. Và đây là một trong những chất rất cần thiết cho quá trình tổng hợp giúp xương vững chắc, hỗ trợ phát triển chiều cao lý tưởng. Không những thế, khi con thiếu vitamin D cũng sẽ rất dễ mắc phải các bệnh liên quan đến hô hấp như hen phế quản, nhiễm trùng…
Chế độ ăn cho trẻ béo phì khoa học
Đối với những bé con từ 6 tháng – 2 tuổi còn đang bú mẹ thì mẹ vẫn để bú mẹ bình thường. Và khi áp dụng chế độ ăn cho trẻ béo phì, mẹ chỉ nên không cho con ăn dặm các loại bánh ngọt, kẹo ngọt, không để con vừa ăn vừa xem Tivi. Và tùy theo độ tuổi, mẹ cho trẻ bú một lượng sữa nhất định. Hạn chế cho con bú đêm và ăn dặm vừa đủ 4 nhóm thức ăn, không cho quá nhiều tinh bột vào thực đơn của con và không cho trẻ ăn đêm.
Bên cạnh đó, đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, muốn áp dụng chế độ ăn cho trẻ béo phì, mẹ nên cân đối lại lượng thức ăn mỗi ngày và lịch sinh hoạt – vận động của trẻ. Không cho trẻ ăn vặt, không ăn sau 8 giờ tối. Đặc biệt, loại bỏ các loại đồ uống có ga và thức ăn nhanh. Ăn bù rau trong mỗi bữa ăn chính trong ngày. Không cho trẻ xem Tivi và ngồi một chỗ quá lâu. Kiên trì và kiên quyết không đáp ứng nhu cầu ăn vô tội vạ của con là chìa khóa giúp trẻ giảm cân thành công.
Mẹ cũng nên hình thành thói quen tập thể dục mỗi ngày, hoạt động nhiều sẽ giúp trẻ đốt cháy nhiều calo nhằm tiêu hao bớt năng lượng trong cơ thể. Thay thế sữa tươi có đường thành không đường hoặc ít đường, ít béo. Tuy nhiên, nếu như trẻ đang mắc các bệnh cao huyết áp, rối loạn mỡ máu – gan nhiễm mỡ hay sạm da, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc duy trì cân nặng hay áp dụng chế độ giảm cân dần dần.
Hy vọng qua bài viết trên, Mẹ và Con đã giúp mẹ hiểu rõ hơn về cách xác định trẻ thừa cân, nguyên nhân cũng như chế độ ăn cho trẻ béo phì một cách khoa học và hợp lý nhất. Chúc mẹ áp dụng thành công nhé!