Phụ nữ ai mà chẳng muốn mình là nữ chính “ngôn tình” đời thực được nâng niu, yêu thương, chiều chuộng trong tình yêu. Nhưng đời không như là mơ khi lấy phải một ông chồng gia trưởng. Mỗi ngày trở nên nặng nề, mệt mỏi bởi chàng quá bảo thủ hay cáu gắt và thích sai vặt. Nhưng cãi nhau sẽ chỉ khiến cuộc sống hôn nhân thêm mệt mỏi. Vậy, phản kháng hay im lặng chịu đựng sẽ là cách giải quyết vấn đề tốt nhất trong trường hợp này?
Những biểu hiện của một người gia trưởng
Để chữa đúng bệnh, phải bắt đúng bệnh. Một số chị em nhầm lẫn giữa chăm sóc, bảo vệ với kiểm soát và áp đặt bởi ranh giới hai điều này rất mong manh. Dưới đây là một số biểu hiện của người đàn ông gia trưởng:
Thường xuyên ngắt lời vợ
Khi đang trò chuyện, bạn vừa mở lời hoặc tới đoạn anh ta không thích thì người chồng sẽ cắt ngang và lái câu chuyện theo hướng của anh ta. Bạn sẽ thấy vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn khi hai bạn đang có mâu thuẫn, tranh cãi và chồng không để bạn nói lên ý kiến của mình.
Luôn đặt ra quy tắc bắt vợ phải tuân theo
Những người chồng gia trưởng luôn muốn vợ phải nghe lời mình, từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. “Em phải thế này, em phải thế kia” thường là câu mở đầu cho những mệnh lệnh, nguyên tắc mà chồng đề ra. Nếu người vợ không làm theo thì khả năng bị quát mắng, thậm chí là đánh đập vợ con, bạo hành gia đình.
Không quan tâm tới vấn đề của vợ
“Chuyện của em (của đàn bà) em tự mình giải quyết đi” là câu nói cửa miệng của người chồng gia trưởng. Hầu như vấn đề của người phụ nữ hoặc được coi là “của phụ nữ” (chăm con, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa..) đều phải tự nghĩ cách xoay sở. Trong khi những chuyện liên quan tới chồng, của chồng thì vợ lại hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình trong khả năng.
Chồng luôn đúng
Tâm lý của một người chồng gia trưởng có thể gói gọn trong 3 chữ: CHỒNG LUÔN ĐÚNG. Dĩ nhiên, nếu chồng sai hãy nhớ lại “từ khóa” này! Trong mọi chuyện trao đổi, tranh luận thì chồng luôn đúng và luôn phải giải quyết theo cách anh nói, anh muốn. Nếu không nghe lời hoặc cố gắng chứng minh thì có thể gây xích mích, cãi nhau, tệ hơn là đánh nhau, đập phá đồ…
Giận cá chém thớt
Những bực tức, ấm ức ngoài xã hội, công việc luôn đem về nhà để “mặt nặng mày nhẹ” với vợ. Về nhà thấy người phụ nữ làm gì cũng sai, anh ấy cũng không vừa ý rồi quát mắng, cho rằng mọi vấn đề không vui đều là do người vợ mà ra.
Hay ghen
Một biểu hiện của người chồng gia trưởng chính là anh hay ghen tuông vô lý, cho rằng vợ của mình ngoại tình, có người thứ 3. Anh sẽ không đồng ý cho bạn gặp gỡ bạn bè khác giới, không được tiếp xúc với đồng nghiệp, không được trang điểm…
Đổ lỗi cho nóng giận tức thời
Nhiều người nghĩ đàn ông bảo thủ sẽ không chủ động nói xin lỗi. Nhưng thực chất sau những lần cãi vã, tệ hơn là đánh đập, người chồng cảm thấy ăn năn, hối hận và lấy lý do rằng do nóng giận tức thời. Hình như anh nóng giận hơi nhiều lần rồi đấy!
Chồng gia trưởng, 100% là lỗi của anh?
Đôi khi tính cách này của chồng lại bắt nguồn từ nhược điểm của người vợ. Chẳng hạn nếu vợ không biết kiểm soát tài chính, tiêu hoang thì chồng phải kiểm soát chi tiêu. Hoặc vợ yếu các ứng xử xã hội, kỹ năng cuộc sống và không bao giờ đưa ra được sự lựa chọn… Với những trường hợp bà vợ như này thì nên vui vì chồng biết lo cho gia đình. Còn nếu muốn chồng thay đổi thì trước tiên phải thay đổi bản thân.
Hơn nữa, một số người đàn ông mãi không thể bỏ được tính gia trưởng của mình bởi chính người vợ đã quá kiên nhẫn, luôn chịu đựng, chưa một lần góp ý với chồng rằng anh cần thay đổi đi, em không thích anh như thế. Sự im lặng của bạn chính là đòn bẩy để những tính xấu của anh “được nước làm tới”.
Cách “chữa bệnh” chồng gia trưởng
Muốn chồng bỏ đi những tính cách có phần tiêu cực, bạn cần xác định rằng đây là một cuộc chiến trường kỳ và đừng bắt mọi thứ hoàn hảo ngay lập tức. Chuyện này cũng giống như xếp lại tủ đồ vậy. Muốn bày trí thì phải lấy hết đồ ra, lật tung tất cả và đưa từng cái vào lại. Ban đầu có thể rất lộn xộn, khó chịu nhưng lâu dần sẽ thành thói quen tốt.
Thay đổi quan điểm việc nhà với chồng
Nếu bạn và chồng đều đi làm và đóng góp vào kinh tế gia đình, hãy cùng ngồi lại nói về việc cả anh và mình đều có công việc ngoài xã hội nên bận rộn, mệt mỏi là như nhau. Vậy nên rất cần chồng chia sẻ công việc nhà cùng. Tất nhiên, nếu bạn chỉ nói không thì chàng sẽ chỉ phớt lờ mà thôi. Vì thế, mỗi ngày khi làm việc hãy rủ anh ấy làm chung, nhưng cố gắng là một vài chuyện cố định thay vì sai vặt lung tung.
Một lưu ý lớn cho nàng để “trị” chồng gia trưởng là khi nói chuyện, giao việc phải nhẹ nhàng, không mang yếu tố ra lệnh. Bạn có thể áp dụng những câu như “Em chạy ra chợ mua cá về làm món anh thích nhất đây. Anh tranh thủ quét giúp em cái nhà nha.” và đừng quên nói lời cảm ơn với anh ấy bạn nhé.
Không nghe, không thấy, không biết
Khi hai bạn đang cãi nhau, đừng nóng giận và khiến cuộc sống hôn nhân của cả hai thêm căng thẳng. Hãy cứ im lặng và nói với chàng rằng khi nào cả hai bình tĩnh lại rồi sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề này. Đôi khi, phương pháp không nghe, không thấy, không biết của bạn lại giúp mọi thứ nhẹ nhàng hơn đấy.
Tuy nhiên, các anh chồng gia trưởng sẽ không thích mình bị phớt lờ. Bạn có thể tạm thời bỏ qua cái tôi cá nhân, dịu dàng ôm anh và nói với anh rằng bạn thấy anh đang rất nóng giận nên hãy để khi nào anh bình tĩnh hơn nhé! Hoặc, bạn có thể nhận sai tạm thời rồi lựa chọn thời điểm phù hợp để tâm sự với anh. Tâm lý đàn ông đều thích người phụ nữ của mình nhẹ nhàng, có chút yếu đuối nên trong những tình huống như thế, đừng cố gắng để cãi tới cùng với chàng, bạn nhé.
Tự lập
Tính tình độc đoán của chàng có thể xuất phát từ việc cảm thấy mình “bề trên”, vợ đang phụ thuộc vào mình nên phải nghe lời mình. Do đó, bạn có thể tự lập hơn, không phụ thuộc hoàn toàn vào tài chính của chồng để anh có thể thấy được rằng nếu không có anh, bạn vẫn có thể sống rất ổn mà thôi.
Phản kháng
Chẳng may lấy phải một người chồng gia trưởng, nếu cứ im lặng thì mọi việc sẽ chỉ đi từ tệ đến tệ hơn. Bạn có thể làm ngược lại những gì chàng yêu cầu. Hãy cứ gặp gỡ bạn bè, trang điểm xinh đẹp dù chàng nói rằng bạn không được quyền làm điều đó. Một chút phản kháng của bạn sẽ như một hồi chuông khiến chàng nhận ra rằng, mình đang vô lý đến dường nào.
Kiên trì, nhẫn nại
Để “chữa bệnh” hiệu quả cần phải một quá trình dài, mưa dầm thấm lâu, không nên gấp gáp, bỏ cuộc giữa chừng bởi giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Bạn không thể nào kỳ vọng đối phương thay đổi chỉ trong 1-2 ngày. Nhưng chỉ cần bạn kiên trì, bạn sẽ thấy được thành quả và có một cuộc hôn nhân ấm êm, hạnh phúc!
Chồng gia trưởng có thể giết chết cuộc hôn nhân của hai bạn. Vì thế, hãy khôn khéo trong cách cư xử để giúp chàng bỏ đi tính xấu này nhé.