Chúng ta cần thay đổi quan niệm rằng trẻ ăn càng nhiều thì càng tốt, càng có sức khỏe. Trên thực tế, ăn quá nhiều và dư chất có thể khiến trẻ béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng như gặp nhiều rắc rối về sức khỏe. Đặc biệt, béo phì còn là một trong số các bệnh lý nền khiến sức khỏe của bệnh nhân nhiễm Covid-19 suy yếu nhanh hơn, khả năng khỏi bệnh thấp và tăng nguy cơ tử vong.
Khi trẻ bị béo phì, trẻ sẽ có nguy cơ chuyển nặng cao hơn nếu chẳng may mắc Covid-19. Vì thế, bố mẹ cần cân bằng chế độ dinh dưỡng cho con để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Tỷ lệ trẻ thừa cân tăng cao trong những ngày giãn cách
Theo báo cáo của Bộ Y tế vào tháng 7 năm 2021, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng hơn gấp đôi chỉ trong 10 năm. Cụ thể, tỷ lệ trẻ béo phì đã tăng 2,2% trong 10 năm từ 2010 đến 2020. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc của Viện dinh dưỡng quốc gia, năm 2010 chỉ có 8,5% trẻ béo phì nhưng năm 2020, con số này đã cán mốc 19,0%.
Đặc biệt, tỷ lệ trẻ béo phì tăng nhanh tại khu vực thành thị. Thông tin cập nhật trên website của Bộ Y tế trong năm 2020 cho thấy: Tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở những thành thị đã gần 27% trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 18,3% và ở miền núi là 6,9%. Cụ thể, Viện dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết, tỷ lệ trẻ béo phì tại TP. HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.
Trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều phụ huynh tận dung cơ hội trẻ ở nhà để bồi bổ cho con sau những ngày con học hành mệt mỏi, ít ở nhà và ít ăn uống đầy đủ. Bố mẹ, ông bà cố gắng mua thật nhiều đồ bổ cho con để bé tăng cân, tăng cường sức đề kháng để chống lại dịch bệnh. Cộng với tình trạng trẻ ở nhà ít vận động, thường xuyên nằm trên giường cả ngày dài đã dẫn đến tình trạng trẻ béo phì, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Cần cân bằng dinh dưỡng, hạn chế trẻ béo phì
Liệu con của bạn có đang béo phì?
Hiện nay, có đến hơn 50% phụ huynh chưa thể nào xác định được trẻ có bị béo phì hay không. Chúng ta vẫn còn thói quen “nuôi con bằng mắt”, con chỉ cần tròn trịa, mập mạp là có sức khỏe tốt. Ngược lại, chúng ta đánh giá những đứa trẻ ốm yếu, gầy gò là suy dinh dưỡng, cần ăn thêm nhiều đồ bổ, bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng.
Trước khi xây dựng thực đơn ăn uống cho con, bạn cần xác định thể trạng của con đang như thế nào. Đừng chỉ quan sát vóc dáng của trẻ mà hãy sử dụng công thức tính toán khoa học để xác định chính xác hơn về thể trạng của con. Một trong những phương pháp được sử dụng để xác định trẻ béo phì hay không làđ ánh giá z-score của chỉ số khối cơ thể (BMI) theo tuổi và giới.
BMI = Cân nặng (kg)/ Chiều cao (m) x Chiều cao (m)
Công thức trên được áp dụng khi trẻ từ 2 tuổi trở lên
Đối với trẻ từ 2-5 tuổi: thừa cân khi z-score BMI ≥ 2SD và béo phì khi ≥ 3SD
Nguyên nhân trẻ béo phì
Trẻ béo phì, thừa cân, cân nặng quá mức so với chiều cao, độ tuổi,… có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Trẻ thường xuyên ăn vặt, ăn nhiều đồ ngọt, chất béo
- Trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày
- Trẻ lười ăn rau
- Thường xuyên bỏ bữa sáng, ăn nhiều vảo buổi tối
Cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho trẻ béo phì
Khi trẻ béo phì, bố mẹ cần từ từ cân bằng chế độ dinh dưỡng, thay đổi khẩu phần ăn của trẻ. Quá trình này cần thực hiện chậm rãi, không đột ngột thay đổi quá nhanh vì khi cơ thể bỗng nhiên mất đi một lượng lớn thức ăn có thể khiến trẻ kiệt sức, gây hại cho quá trình phát triển của trẻ.
Khi lên thực đơn cho trẻ béo phì, bố mẹ cần lưu ý:
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên xào như khoai tây chiên, xúc xích, gà rán,… Không cho trẻ ăn các loại thức ăn nhiều chất béo và nhiều đường như bánh ngọt, bánh nướng, kem…
- Nên thay thế bữa ăn của trẻ béo phì bằng những loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng ít đường và chất béo hơn như khoai lang, ngô.
- Chú ý cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây và thực phẩm giàu chất xơ
- Vẫn duy trì cho trẻ uống sữa nhưng hạn chế các loại sữa béo
- Hạn chế các bữa ăn vặt của trẻ
- Cho trẻ uống nhiều nước lọc hơn. Có thể bổ sung thêm nước trái cây một cách vừa phải. Cần lưu ý không cho trẻ uống quá nhiều nước trái cây bởi điều này có thể làm tăng lượng đường trẻ nạp vào cũng như gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ
- Không nên cho trẻ dùng nước ngọt có ga, các loại nước có nhiều đường
- Không cho trẻ ăn tối trước khi ngủ
- Không sử dụng các loại thực phẩm đóng gói sẵn
- Hạn chế lượng tinh bột trẻ nạp vào mỗi ngày
Với những gia đình có trẻ béo phì, bố mẹ và người thân trong gia đình cũng không nên ăn uống trước mặt trẻ, đặc biệt là những món ăn mà trẻ đang phải kiêng như gà rán, khoai tây chiên, bánh ngọt,… vì điều này sẽ kích thích sự thèm ăn của trẻ, khiến con khó đạt được mục tiêu giảm cân của mình.
Chế độ luyện tập cho trẻ béo phì
Để cải thiện tình trạng trẻ béo phì, duy trì sức khỏe và sức đề kháng không bị suy giảm, bên cạnh việc xây dựng lại chế độ ăn uống hợp lý hơn cho trẻ, bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe.
Các bài tập như chạy bộ, tập gym hay yoga, aerobics,… đều giúp trẻ vận động, đốt cháy lượng mỡ thừa tích trữ để có thể giảm cân nhanh chóng. Hơn nữa, tập thể dục còn giúp trẻ cảm thấy khỏe mạnh hơn, giảm thiểu nguy cơ mắc các loại bệnh nghiêm trọng như tiểu đường chẳng hạn.
Nếu trẻ béo phì không có cơ hội để tập luyện, bố mẹ có thể khuyến khích trẻ béo phì làm việc nhà như một cách để hoạt động nhẹ nhàng trong những ngày giãn cách xã hội. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên ép trẻ tập luyện quá mức sẽ dễ dẫn đến mệt mỏi, khiến trẻ sợ hãi, không còn động lực để rèn luyện sức khỏe.
Ngoài ra, bố mẹ có thể cùng luyện tập với trẻ để hành trình giảm cân của con trở nên dễ dàng hơn.
Béo phì là một tình trạng bệnh có thể để lại nhiều biến chứng về sức khỏe. Vì thế, nếu phát hiện trẻ béo phì, bố mẹ hãy xây dựng một thực đơn ăn uống phù hợp hơn để cùng con tạm biệt tình trạng thừa cân này nhé!