Những lưu ý cần nắm khi cách ly tập trung chống dịch
Những vật dụng cần mang theo
Nước uống
Người cách ly tập trung, điều trị khi nhập viện sẽ được cung cấp suất ăn, nước uống, ghế bố để nằm. Tuy nhiên, có thời điểm bệnh nhân nhập viện lúc đêm khuya, có thời điểm nhận bệnh từ 0 giờ đến 5 – 6 giờ, nhân viên y tế chưa thể chuẩn bị kịp. Do đó, có thể mang theo bình nước uống dung tích từ 1,5 – 5 lít; uống nhiều nước cũng sẽ rất tốt cho quá trình điều trị bệnh.
Lương khô
Có thể là mì gói, cháo gói, miến gói, hủ tiếu gói, sữa tươi… tuy rằng bạn sẽ được cung cấp đầy đủ thực phẩm, thức ăn 3 bữa nhưng do tình trạng quá tải người cách ly nên không tránh khỏi sự sơ suất trong khâu phân chia các khẩu phần ăn. Bên cạnh đó, thức ăn ở khu cách ly thường sẽ cố định cho từng ngày. Chính vì vậy, bạn sẽ không có sự lựa chọn. Việc chuẩn bị sẵn các thực phẩm khô sẽ giúp bạn chủ động hơn trong thực đơn của mình.
Đồ dùng vệ sinh cá nhân
Bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dầu gội đầu, kem dưỡng ẩm, kem trị mụn, kem chống muỗi… đặc biệt, nên mang theo xà bông để rửa tay hằng ngày. Nước sát khuẩn tay nhanh, hoặc cồn dùng rửa tay hằng ngày sẽ khiến da tay bị khô, không tốt cho da tay. Nếu có thể, chúng ta mang theo nước sát khuẩn để lau và vệ sinh bề mặt giúp hạn chế các vật dụng tiếp xúc với cơ thể tránh lây nhiễm chéo. Đây là những vật dụng không thể thiếu.
Đồ giải trí
Thời gian ở trong khu cách ly tập trung khá lâu. Vì vậy, chị em có thể mang theo sách truyện để đọc, loa bluetooth, laptop… Chị em nên mang theo cả pin, sạc dự phòng, sim điện thoại 4G, máy tính (nếu muốn làm việc) để làm việc và liên lạc với gia đình.
Quần áo
Mang quần áo gọn nhẹ, dễ giặt, tốt nhất nên mua đồ lót dùng 1 lần đủ dùng trong 2-3 tuần để đỡ phải giặt giũ. Chị em cũng nên mang theo đôi dép lê và nếu cần thì mang thêm đôi giày thể thao để hàng ngày luyện tập.
Chuẩn bị tốt tâm lý khi phải cách ly tập trung
Bên cạnh chuẩn bị “hành trang” thật tốt, các bạn cũng nên chuẩn bị tốt tâm lý khi phải cách ly. Vì quá trình cách ly diễn ra rất lâu khoảng 2 – 3 tuần nên nếu chuẩn bị tinh thần không tốt cũng rất dễ ảnh hưởng đến quá trình cách ly. Chính vì vậy trong quá trình cách ly tập trung các bạn nên chuẩn bị tâm lý như sau:
- Tuyệt đối tuân thủ quy định trong khu cách ly để tránh tình trạng lây nhiễm chéo
- Suy nghĩ lạc quan rằng việc cách ly là cần thiết cho sức khỏe của bạn, người thân và cộng đồng
- Tải sẵn lên điện thoại di động/máy tính xách tay một số phim, clip ca nhạc, clip tập thể dục, mang theo tai nghe (để tránh làm phiền người xung quanh), sách, truyện, đồ chơi trẻ em,…
- Cố gắng tham gia tất cả các hoạt động do ban quản lý khu cách ly tổ chức
- Bên cạnh đó các bạn nên thông báo tình trạng sức khỏe với gia đình để họ yên tâm hơn
Ngoài ra các bạn có thể dựa theo danh sách sau của UNICEF Việt Nam để không chuẩn bị thiếu vật dùng khi cách ly tập trung:
Điều kiện và lưu ý khi cách ly F0, F1 tại nhà
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, để F0 không triệu chứng và F1 cách ly tại nhà bảo đảm an toàn cho bản thân, cho gia đình cũng như theo dõi được diễn biến sức khỏe của mình, cần phải lưu ý 10 điểm dưới đây.
Thứ nhất, phải chuẩn bị khu vực cách ly trong nhà với điều kiện hoặc có phòng riêng, hoặc có khu riêng biệt, có phòng vệ sinh riêng. Phải có số điện thoại của cơ sở y tế, của nhân viên y tế được phân công theo dõi, số điện thoại của bác sĩ tư vấn.
Đồng thời, người cách ly cần phải chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu cần thiết như: dung dịch khử khuẩn tay, nước súc họng, khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng…
Người được cách ly cần chuẩn bị một số loại thuốc thiết yếu như thuốc hạ sốt; Thuốc nâng cao sức khỏe như multivitamin, vitamin C và một số loại thuốc đông dược.
Các trường hợp cách ly tại nhà cần chuẩn bị thêm bàn, ghế trước cửa phòng hoặc khu vực cách ly để nhận nhu yếu phẩm từ gia đình, nhân viên y tế. Phòng cách ly cũng cần có một thùng rác có nắp.
Thứ hai, người dân nên mở cửa sổ tạo không khí thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa trong phòng.
Thứ ba, người cách ly cần đeo khẩu trang thường xuyên trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Phải thay khẩu trang 2 lần/ngày và khử khuẩn bằng cồn, hoặc thuốc sát trùng trước khi bỏ khẩu trang.
Thứ tư, người cách ly thường xuyên khử khuẩn tay các vật dụng, bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo sau khi sử dụng.
Thứ năm, người dân cần đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi thấy có dấu hiệu ớn lạnh, sốt. Ghi ghép thân nhiệt và báo cáo cho nhân viên y tế hàng ngày.
Thứ sáu, mọi người cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.
Thứ bảy, cần uống nhiều nước và bổ sung vitamin khoáng chất thường xuyên.
Thứ tám, tập thể dục tại chỗ hàng ngày và tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.
Thứ chín, yêu cầu nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm lại hoặc được hướng dẫn tự lấy mẫu tại nhà sau 7 ngày cách ly.
Thứ mười, khi có dấu hiệu sau, người cách ly cần gọi điện báo ngay cho nhân viên y tế: Sốt hơn 37,5 độ, ho, đau họng, tiêu chảy hoặc khi thấy hơi thở ngắn lại, khó thở. Điều kiện để kiểm tra triệu chứng khó thở là không thể hít vào nín thở đủ 10 giây. Khi có triệu chứng này cần báo ngay nhân viên y tế để theo dõi tiếp tục sức khỏe, có sự hỗ trợ y tế kịp thời.
Cách ly tập trung hay cách ly tại nhà là một điều rất khó khăn với mỗi người nhưng để đẩy lùi dịch bệnh yếu tố quan trọng nhất chính là ý thức của mỗi cá nhân chúng ta. Chính vì vậy, các bạn nên tuân thủ đúng quy định của chỉ thị, ghi nhớ quy tắc 5K… để nhanh dập tắt được dịch bệnh. Mẹ và Con chúc các bạn có thật nhiều sức khỏe để vượt qua giai đoạn khó khăn này.