Dù không nghiêm trọng như bệnh cúm, nhưng việc bị cảm lạnh có thể khiến các hoạt động cơ bản hàng ngày trở nên khó khăn hơn. Hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho không ngừng sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Dịp này, Tạp chí Mẹ và Con sẽ mách bạn cảm lạnh nên làm gì để không còn e ngại mùa mưa lạnh.
Dưới đây là những biện pháp khắc phục cảm lạnh tự nhiên có thể cân nhắc dùng cho bản thân và cả các thành viên trong gia đình. Mời bạn cùng “bỏ túi” ngay nhé!
Cảm lạnh nên làm gì?
Bảo vệ sức khỏe nghiêm ngặt hơn
Một trong những cách tốt nhất để kiểm soát cảm lạnh và ngăn ngừa tình trạng này chuyển nặng là bảo vệ hệ thống miễn dịch của bạn bằng cách:
- Tập thể dục thường xuyên để giúp kích thích sản xuất epinephrine làm co mạch máu, giảm các triệu chứng khó chịu của đường hô hấp.
- Rửa tay với xà phòng và nước.
- Tránh chạm vào khuôn mặt của bạn vì virus gây bệnh cảm lạnh có thể sống trên tay bạn tới 24 giờ và chúng có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi, miệng và mắt.
- Tránh xa những người bị bệnh để tránh lây nhiễm chéo.
Giữ cho cơ thể đủ nước
Nước có thể giúp cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng. Để đảm bảo luôn đủ nước vượt qua tình trạng mệt mỏi do cảm lạnh hoành hành, bạn nên:
- Uống nhiều nước, bao gồm nước lọc, trà đã khử caffein, nước trái cây không cho thêm nhiều đường, súp…
- Tránh đồ uống làm bạn mất nước như soda, rượu hoặc cà phê.
Nghỉ ngơi thật tốt
Chiến đấu với một căn bệnh có thể gây tổn hại cho cơ thể của bạn. Do đó, cho cơ thể nghỉ ngơi là cần thiết để giúp hệ thống miễn dịch chống lại vi-rút cảm lạnh. Dưới đây là một số cách để cơ thể bạn tự chữa lành vết thương một cách tự nhiên:
- Đặt các thiết bị điện tử xuống và để bộ não được nghỉ ngơi hoàn toàn.
- Ngủ một giấc thật ngon lành.
- Đọc một cuốn sách nhẹ nhàng, thoải mái.
- Nghe nhạc, thực hành thiền.
Xoa dịu vùng hầu họng
Đau họng gây cảm giác khó chịu liên tục khi bạn bị cảm lạnh. May mắn thay, bạn có thể xoa dịu vùng mũi họng bằng các biện pháp sau đây:
- Tự làm thuốc bằng các nguyên liệu tự nhiên
- Uống trà nóng có bổ sung các loại thảo dược.
- Súc miệng bằng nước muối ấm.
- Ăn các món nhẹ nhàng, ít dầu mỡ.
Cảm lạnh nên ăn gì?
Đảm bảo cung cấp đủ vitamin D
Vitamin D có khả năng tối ưu hệ thống miễn dịch của một người. Việc thiếu hụt vitamin D rất phổ biến trong mùa đông do mây che phủ. Trên thực tế, một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Canada đã phát hiện ra rằng việc bổ sung khoảng 10.000 IU Vitamin D mỗi tuần sẽ giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Đối với hầu hết mọi người, chỉ cần 30 phút tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mỗi ngày là đủ lượng vitamin D tối ưu mà họ hấp thụ trong một ngày. Nếu không, bạn có thể bổ sung đúng lượng vitamin cần thiết qua đường uống, sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Sử dụng men vi sinh hàng ngày
Để trả lời cho thắc mắc cảm lạnh nên làm gì, một số nghiên cứu chỉ ra rằng cảm lạnh, ho và bệnh mùa đông thông thường có một điểm chung là thiếu lợi khuẩn, tức là nhóm vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Do đó, để phòng và chống cảm lạnh, ngăn ngừa ho vào mùa đông bạn có thể thêm men vi sinh vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Men vi sinh tồn tại ở nhiều chủng khác nhau và các thí nghiệm đã phát hiện ra rằng một chủng cụ thể có trong sữa chua Hy Lạp đã làm giảm khả năng mắc bệnh cảm lạnh thông thường. Bằng cách bảo vệ sức khỏe đường ruột của bạn, chế phẩm sinh học này cung cấp cho bạn rất nhiều lợi ích như cải thiện tiêu hóa, điều chỉnh tâm trạng và củng cố chức năng miễn dịch.
Uống trà xanh có thể giúp ích
Đổi cốc cà phê đen để uống trà xanh hoặc trà matcha pha đậm sẽ giúp bạn nhanh chóng vượt qua tình trạng khó chịu do cảm lạnh. Trà xanh có thành phần kỳ diệu là catechin hoặc EGCG (epigallocatechin gallate). Một số nghiên cứu đã chỉ ra, chất này có thể vô hiệu hóa virus cúm khi chúng xâm nhập vào cơ thể bạn.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng catechin cũng có thể ức chế bất kỳ vi khuẩn gây viêm phổi nào. Tuy nhiên, hãy nhớ là không nên lạm dụng trà xanh vì trà xanh là một vị thuốc lợi tiểu và có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ như mất ngủ.
Tăng cường tiêu thụ chất béo tốt
Việc tiêu thụ axit béo Omega-3 cũng có liên quan đến việc tiêu diệt virus cảm lạnh thông thường. Omega-3 có thể được tìm thấy nhiều nhất trong các loại cá như cá hồi, các loại hạt và chiết xuất hoa anh thảo.
Omega-3 có thể được tiêu thụ trực tiếp thông qua chế độ ăn uống hàng ngày hoặc thông qua các chất bổ sung như dầu cá hoặc hoa anh thảo.
Sử dụng các loại thảo dược
Tất cả các loại thảo dược đều rất tốt cho cơ thể. Do đó, đừng băn khoăn cảm lạnh nên làm gì mà hãy nhanh chóng sử dụng các bài thuốc hiệu quả từ cây cỏ dưới đây:
- Hành tây: Trong suốt thời cổ đại, nhiều nền văn hóa đã sử dụng hành tây cho mục đích ẩm thực và trị liệu. Hành tây có các đặc tính chống viêm, sát trùng, chống co thắt và long đờm.
- Kinh giới: Loại thảo dược này giàu chất chống oxy hóa và polyphenol. Tinh dầu kinh giới được khuyên dùng để giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Trà kinh giới có thể được làm từ lá tươi hoặc khô giúp chống lại chứng tắc nghẽn đường hô hấp và các triệu chứng cảm lạnh.
- Hương thảo: Tinh dầu hương thảo có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng vi trùng, đồng thời có thể giúp giảm đau nhẹ. Trà hương thảo giúp giảm tắc nghẽn đường hô hấp. Một vài giọt tinh dầu hương thảo kết hợp với dầu oải hương và khuynh diệp có thể được sử dụng như một loại thuốc thoa ngoài da để làm giảm các triệu chứng cảm như đau khớp và cơ.
- Bạc hà: Thuộc chi Mentha, bạc hà có nguồn gốc từ châu Âu, có thể dùng chế biến thức ăn, nước uống và sử dụng như một loại thuốc cảm lạnh như xi-rô ho, thuốc xoa ngực tinh dầu bạc hà. Trà bạc hà cũng có thể giúp làm loãng chất nhầy, long đờm và giảm ho. Hít hơi nước có pha bạc hà cũng làm dịu nghẹt mũi, tan nghẹt mũi và giảm ho…
Vậy là bạn đã biết cảm lạnh nên làm gì rồi, đúng không nào? Chúc bạn áp dụng thành công lời khuyên của Tạp chí Mẹ và Con để nhanh chóng khỏe lại nhé!