Mẹ và Con - 9 tuổi là độ tuổi bé đã bước vào giai đoạn dậy thì, một giai đoạn với vô vàn những trải nghiệm mới lạ. Khi bé 9 tuổi, con cũng có nhiều thay đổi mà bố mẹ nên "cập nhật" để có thể nuôi dạy con đúng cách đấy nhé!

9 tuổi là độ tuổi đầy thú vị với bé nhưng đầy thách thức với cha mẹ. Đây là lúc trẻ đã sẵn sàng cho quá trình dậy thì và bước vào độ tuổi vị thành niên. Mặc dù vẫn là trẻ em nhưng khi lên 9 tuổi, con bắt đầu trở nên độc lập hơn và có thể đảm đương một số trách nhiệm dưới sự giám sát của người lớn. Để nắm bắt được tâm lý trẻ 9 tuổi, cha mẹ cần biết rõ các mốc phát triển về thể chất, cảm xúc, xã hội và nhận thức của con.

Sự phát triển thể chất của trẻ 9 tuổi

Độ tuổi dậy thì có thể bắt đầu từ 8 – 12 tuổi đối với bé gái và 9 – 14 tuổi đối với bé trai. Bước vào mốc vị thành niên, trẻ 9 tuổi sẽ có những thay đổi về thể chất. Các bé thường có những thay đổi về chiều cao, cân nặng và mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Nhìn chung, chiều cao và cân nặng của trẻ 9 tuổi nên ở trong các ngưỡng như sau:

  • Nam: cân nặng trung bình là 28,1kg và chiều cao trung bình là 132,6cm
  • Nữ: cân nặng trung bình là 28,2kg và chiều cao trung bình là 132,5cm

Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, các bé cũng bắt đầu có những lo lắng về ngoại hình và cơ thể của mình. Một số bé sẽ có tốc độ thay đổi nhanh hoặc chậm hơn so với các bạn khác khiến con băn khoăn, lo lắng. Do đó, ba mẹ cần trò chuyện và chia sẻ với bé về vấn đề này để con thấy đây là điều hết sức bình thường.

Việc kiểm soát cơ bắp của trẻ 9 tuổi cũng tốt hơn và thuần thục hơn nên bé có thể mở rộng các giới hạn về thể chất và sở thích của mình. Con dần sẽ trở nên độc lập hơn, biết tự quản lý việc vệ sinh cá nhân cũng như chăm chút, làm đẹp cho bản thân.

trẻ 9 tuổi

Sự phát triển cảm xúc của trẻ 9 tuổi

Tâm lý của trẻ 9 tuổi cũng có sự thay đổi lớn. Do trẻ đang ngày càng độc lập nên nhu cầu tìm kiếm các mối quan hệ bên ngoài mối quan hệ gia đình, bạn bè, lớp học tăng. Nhiều bé còn gia nhập một nhóm xã hội nào đó với mong muốn khẳng định “địa vị” của mình ở trường học. Mặt trái là nhiều bé dễ bị áp lực không đáng có chỉ vì muốn gây ấn tượng với bạn bè.

Cũng ở độ tuổi này, bé bắt đầu có trách nhiệm hơn và muốn đảm nhận nhiều công việc trong nhà. Con cũng sẽ bắt đầu muốn tham gia vào việc đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đến gia đình. 

Tâm lý trẻ 9 tuổi có rất nhiều sự mâu thuẫn bên trong và vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều từ chính ba mẹ. Một mặt, con muốn mở rộng vòng quan hệ xã hội của mình nhưng mặt khác vẫn luôn cần gia đình như điểm tựa mỗi khi cảm thấy bất an. 

Ở độ tuổi này, con nhận thực được rõ hơn về những thảm họa và mối nguy hiểm xảy ra trong đời thực. Bé sẽ có những cảm xúc như sợ hãi, lo lắng khi nghe tin tức tội phạm hay nghĩ tới chuyện một ngày nào đó ba mẹ qua đời thay vì sợ những con quái vật nào đó trong những câu chuyện. 

Sự phát triển xã hội của trẻ 9 tuổi

Khi tâm lý của trẻ 9 tuổi dần phát triển và coi trọng các mối quan hệ bạn bè thì ba mẹ cần rèn luyện các kỹ năng xã hội cho con. Ở độ tuổi này, bé cũng dần nhận ra bạn bè cũng có rất nhiều cấp bậc khác nhau và thường sẽ có bạn thân, không thân chứ không còn như trước ai cũng là bạn nói chung. Trẻ cũng có thể bắt đầu hiểu ra rằng áp lực từ bạn bè xung quanh có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc của mình.

em bé 9 tuổi

Thực tế, ngày nay, những đứa trẻ 9 tuổi rất dễ dàng để tiếp cận và mở rộng mối quan hệ bạn bè (cả trong và ngoài nước) thông qua các mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác. Điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh luôn kiểm soát con em mình trước những nội dung không lành mạnh. Do vậy, ba mẹ nên trang bị cho bé cả những kiến thức cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình cũng như chọn lọc nguồn tiếp cận thông tin. 

Sự phát triển nhận thức ở bé 9 tuổi

Ở độ tuổi này, trẻ sẽ phát triển những sở thích riêng như chơi thể thao, chơi game, đọc sách…Vì siêng năng, tìm tòi hay tập trung vào những vấn đề này nên trẻ sẽ có một khoảng thời gian chú tâm lâu hơn trước. Tuy nhiên, việc thay đổi sở thích rất nhanh vẫn có thể xảy ra.

Ngoài ra, trẻ 9 tuổi cũng sẽ đối mặt với những mục tiêu và thử thách khó hơn trong chuyện học hành. Chương trình học hiện nay đòi hỏi con phải tính toán, phân tích và suy nghĩ nhiều hơn. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý trẻ 9 tuổi. Vì những trẻ tiếp thu tốt thì sẽ bắt đầu phát triển toàn diện hơn, còn những trẻ gặp khó khăn hay chậm hơn thì có thể cảm thấy chán nản. Lúc này, ba mẹ nên theo sát để động viên, khích lệ con trẻ và giúp con học bằng cách giới thiệu cho bé những tài liệu hay.

nuôi dạy con 9 tuổi

Lời nói và ngôn ngữ

Ở độ tuổi này, trẻ hoàn toàn có thể nói chuyện rõ ràng và sử dụng những câu từ phù hợp khi giao tiếp giống như người lớn. Các bé 9 tuổi cũng có thể viết và đọc một cách nhuần nhuyễn cũng như diễn đạt ý tưởng hay suy nghĩ phưc stapj bằng những từ vựng đa dạng hơn. Vì thế, hãy khuyễn khích trẻ đọc sách với nhiều thể loại khác nhau để rèn luyện và phát triển kỹ năng ngôn ngữ của con tốt hơn nữa. 

Chơi

Trẻ 9 tuổi thường ít muốn chơi đồ chơi cùng ba mẹ như xưa mà thay vào đó con thích chơi với các bạn cùng giới hơn. Các bé cũng sẽ thích các trò chơi vận động hoặc ngồi chơi game nhiều hơn là các trò chơi đóng vai.

Các cột mốc quan trọng khác của trẻ lên 9

Một số mốc phát triển đáng chú ý khác ở trẻ 9 tuổi là:

  • Con không thích đi ngủ sớm mà thay vào đó thức khuya hơn. 
  • Trẻ sẽ tự đặt ra những tiêu chuẩn nhất định trong vấn đề sinh hoạt rồi tự theo dõi hàng ngày và ghi nhớ về thời gian biểu
  • Trẻ thích tham gia các hoạt động đội nhóm ở các câu lạc bộ hoặc các trung tâm rèn luyện kỹ năng mềm. 

dạy bé 9 tuổi

Mỗi đứa trẻ sẽ có tốc độ phát triển khác nhau và điều ba mẹ có thể làm là theo dõi tâm lý trẻ 9 tuổi và kiên nhẫn giúp đỡ, hướng dẫn nếu con không theo kịp bạn bè. Tuy nhiên, nếu bé gặp quá nhiều khó khăn trong việc học hành, kết bạn hay kiểm soát cảm xúc, hãy sớm liên hệ với bác sĩ để có thể giúp bé kịp thời.

Tâm lý trẻ 9 tuổi đã có những thay đổi rõ rệt so với những năm trước do là dấu mốc bước vào tuổi dậy thì. Ba mẹ nên cân nhắc vấn đề phân công việc nhà và dành nhiều thời gian trò chuyện với con hơn. Quan trọng hơn nữa là cần kiểm tra các nội dung trực tuyến mà trẻ theo dõi thường xuyên hoặc con đang tiếp xúc với ai, ba mẹ nhé!

 

Bài viết liên quan