Mẹ và Con - Việc thừa nhận bản thân nghiện mua sắm và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh chưa bao giờ là dễ dàng... Thế nhưng nghiện mua sắm sẽ để lại nhiều hậu quả không nhỏ. Vì vậy, cần tìm ra nguyên nhân và triệt để "thổi bay" cơn nghiện này...

Bạn đã bao giờ rơi vào trong tình trạng vừa có lương thì ngay lập tức rỗng ví vì trả nợ hoặc thẻ tín dụng đang “gánh còng lưng” vì nợ nần mà chủ yếu là do mua sắm. Nếu bạn đang “trầm mình” trong tình trạng này hàng tháng và như vòng luẩn quẩn không lối thoát thì có thể bạn đã trở thành “con nghiện mua sắm”.

Bài viết dưới đây sẽ giải mã vì sao chúng ta lại dễ nghiện mua sắm, khó quản lý chi tiêu và phương pháp hạn chế dần dần để bạn không gặp rắc rối về tài chính lâu dài.

Dấu hiệu của một “con nghiện mua sắm, shopping”

Nghiện mua sắm là nhu cầu chi tiêu vượt mức không thể kiểm soát để bù đắp cho những cảm xúc tiêu cực hoặc thể hiện sự thiếu tự tin. Nghiện mua sắm còn là thuật ngữ chỉ một động lực bất thường thúc đẩy bạn mua nhiều hàng hóa, và được xem là hành vi thúc đẩy cưỡng chế. Quần áo, giày dép, các loại máy móc thiết bị…đều có tác dụng thỏa mãn nhu cầu con người. Vì thế, việc mua sắm khiến bạn cảm thấy dễ chịu cũng là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa những người thỉnh thoảng mua sắm với những người nghiện mua sắm.

Theo các chuyên gia thần kinh, chứng nghiện mua sắm được xem như một loại rối loạn kích động kiểm soát (ICDs) bao gồm ám ảnh lấy cắp và cưỡng chế đánh bạc. Các nghiên cứu cho biết tình trạng nghiện mua sắm có khả năng liên quan đến những cảm xúc và một số căn bệnh khác như tức giận, không kiềm chế được bản thân, trầm cảm, cô đơn và rối loạn lưỡng cực…

nghiện mua sắm

Người nghiện mua sắm thường có những dấu hiệu nào?

Không phải ai cũng có thể tự nhìn ra rằng bản thân có nghiện mua sắm hay không vì lúc đó họ chỉ nghĩ đơn thuần là thỏa mãn bản thân. Tuy nhiên, nếu muốn “chữa bệnh” thì phải nhận thức và thừa nhận bản thân nghiện mua sắm. Dưới đây là những dấu hiệu của người nghiện mua sắm thường thấy, gồm:

  • Bị ám ảnh: Người nghiện mua sắm thường bị ám ảnh bởi những món đồ được bán trước mặt và họ chỉ ngừng nghĩ về nó khi đã sở hữu trong tay.
  • Nợ nần chồng chất: Những khoản nợ hàng tháng phải “còng lưng gánh” là điều dễ thấy nhất ở những người mua sắm quá đà trong thời gian ngắn.
  • Giấu kỹ các khoản chi tiêu của mình: Việc mua sắm vô độ dưới góc nhìn của người khác sẽ bị chỉ trích. Và người nghiện mua sắm hoàn toàn không thích điều này nên họ thường che giấu hoặc nói dối về giá trị thực của những món đồ mà họ mua hoặc giấu những khoản chi vào mua sắm. Ngoài ra, họ cũng có thể mở nhiều tài khoản thẻ tín dụng hoặc làm thêm nhiều công việc khác để chi trả cho thói quen chi tiêu này.
  • Làm hỏng các mối quan hệ: Việc nói dối và tình trạng nợ nần chồng chất có thể là nguyên nhân khiến người nghiện mua sắm không giữ được các mối quan hệ của mình.
  • Không thể dừng cơn “nghiện” của mình: Bất kì cảm xúc nào, đặc biệt tiêu cực sẽ dẫn tới kết quả cuối cùng là mua sắm. Tất nhiên, nếu đó là cách xả năng lượng xấu thì không có gì đáng nói. Nhưng việc này lại vô tình khiến người nghiện mua sắm rơi vào vòng tròn nợ nần, áp lực tài chính thì cách cân bằng cảm xúc này thực sự không lành mạnh.

dấu hiệu người nghiện mua sắm

Nguyên nhân khiến chúng ta nghiện mua sắm

Theo những tín đồ mua sắm, việc shopping có thể giúp họ kiềm chế bản thân, đây là điều mà không phải phương pháp nào cũng có thể đem lại. Hơn nữa, các bệnh trầm cảm hoặc liên quan tới sĩ diện, cảm xúc cô đơn, lo âu, giận dữ cũng dẫn tới cơn nghiện mua sắm bộc phát. Và sau khi những sảng khoái, thoải mái, thỏa mãn bằng việc mua sắm đi qua, đón chờ chúng ta chính là một chuỗi cảm giác như có lỗi, mơ hồ và lo âu.

Làm thế nào từ một thói quen mua sắm trở thành cơn nghiện?

Trong xã hội, người ta có vẻ không xem nghiện shopping là một vấn đề nghiêm trọng mà chỉ cho rằng hành vi này là thiếu trách nhiệm và thiếu tự chủ. Nhưng đối với các chuyên gia tâm lí, họ buộc phải đồng ý rằng việc mua sắm và tiêu tiền cũng giống như đánh bạc và sử dụng máy tính hay mạng Internet vì chúng có thể gây nghiện.

Mua sắm có thể làm bộc phát các phản ứng khiến các cơ quan thụ cảm tạo ra các chất mang lại cảm giác hài lòng như dopamine và endorphin. Khi một tín đồ shopping bị bắt ngưng hành động này lại, họ sẽ gặp phải những triệu chứng giống như những người nghiện thuốc trong quá trình cai nghiện. Thêm nữa, khi áp dụng các phương pháp điều trị sử dụng thuốc hay các liệu pháp tâm lý trong việc điều trị cơn nghiện mua sắm và các rối loạn kích động kiểm soát khác đều cho thấy hiệu quả. Do vậy, việc xếp mua sắm vào một loại nghiện là cách chính xác để định nghĩa tình trạng này.

nguyên nhân nghiện mua sắm

Những phương pháp giúp bạn đối phó và vượt qua chứng nghiện mua sắm

Nghiện mua sắm có thể khiến bạn phải trả giá rất đắt tương tự như các loại nghiện khác. Và những gia đình, người thân của những người này thường phải đối mặt với những vấn đề, áp lực tương tự những gia đình có người nghiện thuốc…Những vấn đề thường thấy sẽ là tranh cãi, “chiến tranh lạnh”, bất hòa, nợ nần…

Việc cai nghiện mua sắm sẽ là một quá trình dài và gian nan giống như những cơn nghiện khác khi cai. Do vậy cần bản thân và những người xung quanh luôn kiên trì và ủng hộ. Trước hết, chúng ta cần quản lý thói quen mua sắm của mình bằng những cách sau:

  • Ghi chép: Hãy tạo một quyến sổ ghi chép tất cả các khoản đã mua, cần mua trong tương lai và những món đồ nằm ngoài kế hoạch chi tiêu.
  • Tham khảo ý kiến bạn bè: hãy hỏi ý kiến của bạn bè trước khi quyết định mua một món đồ “khá kì cục” để tránh lãng phí.
    Chỉ mang theo một khoản tiền nhất định khi ra ngoài: Mang ít tiền sẽ giúp bạn kiểm soát được cơn nghiện mua sắm bộc phát và cho tới khi trở về, nhiều khả năng bạn đã kiềm soát được ham muốn này. Bạn cũng nên bỏ thẻ thanh toán tại nhà để đề phòng việc trả tiền mua đồ bằng thẻ.
  • Không bao biện cho hành vi của người mắc bệnh nghiện mua sắm: Việc một người nghiện mua sắm càng lún sâu có thể là do sự che giấu để bảo vệ cho những “con nghiện” của bạn bè hoặc người thân. Tốt nhất, hãy luôn giữ quan điểm trung lập, không chỉ trích gay gắt cũng không tìm lý do thoái thác để chiều theo cảm xúc của đối phương.

quản lý chi tiêu

Nếu đã thử những gợi ý trên và tìm tới sự giúp đỡ của người thân mà vẫn chưa có sự cải thiện về tình trạng nghiện mau sắm thì nên tìm đến những chuyên gia tâm lý để được lên kế hoạch cai nghiện hoặc cho dùng thuốc nếu cần.

Việc thừa nhận bản thân nghiện mua sắm và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh chưa bao giờ là dễ dàng và cần rất nhiều dũng khí. Vì bản thân và những người xung quanh, hãy vượt qua cảm giác thỏa mãn giả dối này để cải thiện tâm lý và chất lượng cuộc sống bạn nhé!

 

 

Bài viết liên quan