Mẹ&Con – Đến thời điểm này, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) là bệnh viện công đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình này. Bước đầu, mô hình đã đem lại những tín hiệu tích cực.
Theo đó, thay vì mời các chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ từng ca bệnh khó hoặc triển khai kỹ thuật mới, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) đã quyết định thuê các bác sĩ giỏi là các chuyên gia đến từ Cuba, vừa thể hiện tình hữu nghị giữa hai quốc gia, vừa nhằm hỗ trợ và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến cho các bác sĩ của bệnh viện, với mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới
Ông Dương Thanh Bình, Giám đốc bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới cho biết, bệnh viện đang thuê 7 chuyên gia là những giáo sư, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II thuộc 7 chuyên khoa khác nhau gồm: Tim mạch, ngoại chấn thương, ngoại thần kinh, ung bướu, nhi, nội soi tiêu hóa, truyền nhiễm. Sắp tới, bệnh viện sẽ mời thêm 1 chuyên gia về hồi sức tích cực – chống độc sang làm việc tại bệnh viện. Các chuyên gia này đã làm việc và công tác tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới để chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến.
Hiện nay, theo hợp đồng, các chuyên gia sẽ làm việc trong 2 năm liên tục tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba, để chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến của từng chuyên khoa tới các bác sĩ của bệnh viện, hỗ trợ kinh nghiệm về kỹ năng khám lâm sàng, đồng thời họ cũng trực tiếp thực hiện thăm khám, chẩn đoán, tư vấn và triển khai phẫu thuật các ca bệnh khó ngay tại bệnh viện, giúp người dân địa phương không còn phải mất công sức, tiền bạc, thời gian để chuyển tuyến.
“Từ khi bắt đầu có ý tưởng, đến khi triển khai mô hình này, các bác sĩ của bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba rất lúng túng vì chưa hình dung nội dung cụ thể các chuyên gia từ nước ngoài công tác tại bệnh viện. Tuy nhiên, đến nay, từ nhiều giải pháp đồng bộ của bệnh viện và hơn 1 năm có các chuyên gia nước ngoài công tác và cầm tay chỉ việc, các bác sĩ của bệnh viện đã được chuyển giao nhiều kỹ thuật cao, nhất là trong phẫu thuật thần kinh cột sống, ung bướu và tim mạch đang là những lĩnh vực chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật nhất như thoát vị đĩa đệm, can thiệp tim mạch…”, Giám đốc bệnh viện chia sẻ.
Các bác sĩ của bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba cùng chuyên gia của Cuba thực hiện thành công nhiều ca bệnh phức tạp trong thời gian hơn 1 năm nay. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Bệnh nhân Lê Hữu Hưng (68 tuổi, Tiểu khu 9, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, mặc dù nhà chỉ cách bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới gần 10 km nhưng lúc đầu gia đình bệnh nhân vẫn lựa chọn bệnh viện Trung ương Huế (cách nhà 170 km) để phẫu thuật u đại trực tràng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn và biết thông tin bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới có các chuyên gia nước ngoài trực tiếp phẫu thuật, gia đình bệnh nhân đã quyết định ở lại bệnh viện để điều trị bệnh.
Đây chỉ là 1 trong số hàng trăm bệnh nhân đã quyết định ở lại bệnh viện – nơi gần nhà để điều trị bệnh thành công trong thời gian gần đây tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới.
Đặc biệt, trong lĩnh vực tim mạch, GS. Piter Martinez Beniter (trưởng nhóm chuyên gia công tác tại bệnh viện), cho biết, ông và các đồng nghiệp của bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới đã thực hiện gần 300 ca can thiệp tim mạch trong hơn 1 năm nay.
“Hiện, thiết bị cơ bản của bệnh viện được trang bị trương đối đầy đủ, nhất là với những thứ hiện có, chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa, có thể khai thác tối đa để tận dụng các tính năng mà trang thiết bị mang lại. Đặc biệt, trong thời gian công tác tại Việt Nam, chúng tôi cũng học được rất nhiều kinh nghiệm từ các ca bệnh vì nhiều mặt bệnh ở Việt Nam không giống ở Cuba, tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải khám thật kỹ cho bệnh nhân, theo từng bước, khám càng kỹ càng đưa ra đó chẩn đoán và phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, hạn chế làm nhiều xét nghiệm… không cần thiết”, GS. Piter Martinez Beniter chia sẻ.
Các chuyên gia y tế từ Cuba sang công tác lâu dài tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Theo Giám đốc bệnh viện, ông Dương Thanh Bình, những năm gần đây, để quyết tâm lấy lại niềm tin của người dân, bệnh viện luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng bệnh viện, vì chỉ khi chất lượng bệnh viện được nâng cao, người dân mới tin tưởng đến khám và điều trị bệnh.
Việc thuê chuyên gia người Cuba vừa thể hiện tình cảm hữu nghị giữa 2 quốc gia vừa giúp bệnh viện phát triển về chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo đó, tỷ lệ chuyển tuyến của bệnh viện đang giảm đều theo các năm. Đặc biệt, lĩnh vực tim mạch, tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt từ 19% năm 2016 còn 8% hiện nay.
Hiện, bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới đang là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Trung ương Huế về mổ tim hở, ung bướu (chăm sóc giảm nhẹ), chấn thương chỉnh hình (thay khớp), can thiệp tim mạch; đồng thời là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Bạch Mai về hồi sức cấp cứu, can thiệp nút mạch, dẫn lưu đường mật qua gan…; là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Nhi Trung ương về chăm sóc sơ sinh nhi, hồi sức cấp cứu nhi, chống nhiễm khuẩn…
Dự kiến, năm 2020 tới, bệnh viện sẽ tiến tới là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Phụ sản Trung ương trong điều trị vô sinh.
Hiện nay, các kỹ thuật cao mà bệnh viện đã chủ động thực hiện được như nút mạch điều trị ung thư, can thiệp động mạch vành, thay khớp bán phần và toàn phần, phẫu thuật nội soi khớp gối, nội soi sau phúc mạc, cắt nội soi dạ dày, đại tràng, đặc biệt là phẫu thuật cột sống (cổ, ngực bụng), thời gian qua do có các bác sĩ ở Cuba hỗ trợ nên nhiều ca đã thực hiện rất thành công.
Công tác tuyển dụng và thu hút nhân tài cũng được bệnh viện chú trọng, thời gian vừa qua, bệnh viện đã tuyển dụng được gần 30 bác sĩ nội trú.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình nhận định, chủ trương của mô hình này rất tốt, vừa gắn kết thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cuba, vừa giúp bệnh viện có nhân lực chuyên môn sâu hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật cao. Đặc biệt, Cuba là một quốc gia có hệ thống y tế rất phát triển, các y bác sĩ được đào tạo bài bản, đây cũng là quốc gia xuất khẩu nhân lực y tế cho nhiều nước trên thế giới. Chính vì thế, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết định hỗ trợ chi trả 50% kinh phí thuê các chuyên gia Cuba công tác tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, 50% còn lại do bệnh viện chi trả.
“Ở Cuba, hệ thống y học gia đình cũng rất phát triển, vì vậy Sở Y tế cũng rất mong muốn các bác sĩ Cuba chuyển giao và hỗ trợ bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới thí điểm mô hình này ngay trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ.
Trước đó, năm 1973, Chủ tịch Fidel Castrol đến thăm tỉnh Quảng Bình và quyết định xây tặng bệnh viện cho nhân dân Quảng Bình nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung. Bệnh viện được đưa vào hoạt động chính thức năm 1981, quy mô 426 giường, một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, đầy đủ hệ thống trang thiết bị được nhập từ nước ngoài, nhiều nhất là từ Nhật Bản. Trong 10 năm đầu, có khoảng 150 lượt chuyên gia sang làm việc tại đây. Đầu năm 2007, bệnh viện trở thành bệnh viện Trung ương trực thuộc Bộ Y tế. Hiện, bệnh viện có quy mô 940 giường, thực kê là 1.100 giường với là 41 khoa phòng chức năng.