Bạn có biết, thông thường những chiếc răng bé bé xinh xinh của con sẽ xuất hiện lần đầu tiên khi con được 6-7 tháng tuổi? Thậm chí có bé lúc 3 tháng tuổi đã chớm nhú chiếc răng đầu tiên.
Nếu như có thể viết hết câu chuyện về con lên giấy, thì khoảnh khác bé mọc răng và thay răng có lẽ là một cột mốc “đáng yêu” đầu tiên trong cuốn “nhật lý làm mẹ” của bạn đấy. Tuy nhiên, quá trình mọc răng và thay răng ở con có thể khiến cho nhiều bố mẹ lo lắng. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tháo gỡ những băn khoăn này bằng những bí quyết đến từ căn bếp nhỏ của bạn nhé.
Những dấu hiệu cho biết bé mọc răng
Làm sao để biết khi nào con mọc những chiếc răng đầu tiên? Những nhú răng trắng như hạt gạo không xuất hiện một cách ngẫu nhiên trên nụ cười hay cái mếu “cưng xỉu” của con. Trái lại, những chiếc răng sữa này sẽ có những biểu hiện rất riêng, mà bạn có thể dễ dàng nhận ra:
- Trẻ chảy nhớt dãi nhiều
- Sưng nướu
- Sốt nhẹ
- Dễ cáu kỉnh
- Quấy khóc
- Khó ngủ
- Biếng ăn
Khi bé mọc răng, con sẽ thường có các biểu hiện trên, nhất là sốt mọc răng. Điều này là bình thường khi con mọc răng. Tuy nhiên, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi trong giai đoạn mọc răng, con có các biểu hiện như:
- Những đợt sốt > 38oC hoặc kéo dài nhiều ngày, vì diều này gợi ý cho một tình trạng viêm nhiễm
- Bé liên tục dùng tay kéo tai, bứt tai
- Bé có dấu hiệu bị sâu răng
- Bé bỏ nhiều cử ăn hoặc nôn ói mọi thứ con ăn
Ngoài ra, các chuyên gia Răng Hàm Mặt khuyến cáo, nếu đã trên 10 tháng tuổi nhưng vẫn chưa thấy bé mọc răng sữa đầu tiên, bạn cũng nên đưa con đi kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé nhé!
Bé mọc răng nên ăn gì?
Độ tuổi ăn dặm chính là thời điểm con bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên. Do đó, các chuyên gia đã khuyến nghị một số nhóm chất sau đây mẹ nên thêm vào trong chế độ ăn của bé
1. Canxi và Photpho không thể thiếu khi bé mọc răng
Để có hàm răng vừa khỏe vừa xinh, con sẽ cần rất nhiều canxi – một khoáng chất chiếm tỉ trọng cao trong xương và răng. Ngoài ra còn có một chất làm bền và tăng độ chắc khỏe của xương, đó là photpho.
Thông thường, sữa là thực phẩm được nhiều bố mẹ ưa thích và chọn lựa, vì đây là loại thưc giàu canxi và photpho lại đi kèm nhiều vi chất cần thiết khác. Tùy vào loại sữa mà bạn sử dụng là ít béo hay nhiều béo mà lượng canxi có thay đổi chút đỉnh, thông thường 1 ly sữa bò nguyên chất (237ml) chứa đến 276 – 352mg canxi.
Ngoài sữa và các sản phẩm từ sữa (váng sữa, phomai…) thì bạn có thể dùng các thực phẩm giàu canxi cho bé sau dùng kèm với cháo dinh dưỡng khi bé mọc răng, bao gồm:
- Các loại đậu: đậu nành, đậu phụ, đậu tương…
- Rau bina, cải rổ, cải xanh… và các loại rau có màu xanh đậm
- Tôm, cua, ốc…
- Các loại cá, cá mòi đóng hộp, cá hồi…
Với photpho, khoáng chất này lại phổ biến hơn và có mặt trong hầu hết các loại thịt. Vì thế, khi bé mọc răng, bạn chỉ cần chuẩn bị một thực đơn phong phú và nhiều nhóm thực phẩm là đã đủ lượng photpho cần thiết cho trẻ.
2. Vitamin D – chất dinh dưỡng hay bị bỏ qua khi bé mọc răng
Mặc dù canxi và photpho là 2 khoáng chất quan trọng, nhưng một trong những yếu tố quyết định khả năng hấp thu 2 chất này chính là Vitamin D (còn gọi là sinh tố D). Thiếu hụt vitamin D khiến việc hấp thu canxi tại đường tiêu hóa của con bị hạn chế, là nguyên nhân khiến nhiều trẻ dù đã ăn rất nhiều sữa, trứng và vẫn còi xương.
Vitamin D có 2 dạng phổ biến là vitamin D2 và D3. Trong đó vitamin D2 đã có sẵn trong da của bé, loại này sẽ cần được ánh nắng mặt trời “kích hoạt” mới có thể sử dụng. Do vậy nên các chuyên gia khuyên nên cho con tắm nắng hoặc có hoạt động ngoài trời vào khoảng thời gian phù hợp trong ngày.
Thực phẩm tự nhiên có chứa vitamin D, nhưng những loại có hàm lượng đáng kể thì chỉ có một số ít như dầu gan cá, trứng gà…
Ở một số trẻ có thể cần được bổ sung thêm vitamin D3 ở dạng viên uống thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng, tuy nhiên bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc bổ sung cho các bé tuổi “răng sữa” nhé.
3. Vitamin A – sinh tố cần thiết cho giai đoạn mọc răng
Vitamin A là vi chất có vai trò chính trong việc bảo mệ mắt, giúp bé có một đôi mắt sáng và khỏe. Hơn nữa, vitamin A còn có chức năng bảo vệ sức khỏe răng miệng, hỗ trợ tốt trong giai đoạn bé mọc răng, tăng cường đề kháng và góp phần vào sự phát triển của xương…
Theo chương trình quốc gia, các bé sẽ được bổ sung vitamin A liều cao tại các cơ sở y tế địa phương, việc uống liều cao này giúp bổ sung một lượng lớn sinh tố cần thiết cho bé khi vừa cai sữa và bước vào giai đoạn tập ăn dặm. Song song với chương trình này, một chế độ ăn giàu vitamin A mà bố mẹ có thể lựa chọn bao gồm
- Trứng
- Gan
- Sữa và chế phẩm từ sữa (phomai, sữa chua..)
- Rau có màu xanh đậm (rau bina, cải xanh…)
- Củ quả có màu đỏ hoặc vàng (cà chua, cà rốt,…)
Mẹo nhỏ cho mẹ: Các nhóm thực phẩm như rau củ không những nhiều vitamin A, vitamin C, canxi, photpho,… mà còn chứa hàm lượng chất xơ rất cao. Chất xơ ngoài giúp khỏe nướu, còn giúp bé hấp thu các dưỡng chất khác hiệu quả hơn.
Dinh dưỡng cho bé mọc răng theo từng giai đoạn
Bé mọc 4 chiếc răng cửa đầu tiên
Những chiếc răng đầu tiên luôn làm cho bố mẹ lo lắng nhất. Bởi lúc này bé thường chẳng chịu ăn uống vì nướu sưng và đau. Giai đoạn này thường ở tháng thứ 6 – 7. Bạn sẽ thấy răng cửa dưới của con sẽ mọc trước sau đó đến răng hàm trên. Đồng thời con cũng có thể sốt nhẹ và chảy dãi nhiều.
Mẹ nên chế biến các dạng thức ăn dễ nuốt như cháo, súp… Chế độ dinh dưỡng cho bé mọc răng ở giai đoạn đầu cũng có thể thêm sữa hoặc phomai để bổ sung thêm canxi.
Bé mọc được 4-6 răng
Vào tháng thứ 8-10, bé sẽ mọc những chiếc răng tiếp theo. Lúc này nướu bé còn sưng và ngứa nên bé sẽ hay gặm tay, đồ chơi… Bạn nên vệ sinh đồ đạc và không gian quanh bé để con không gặm đồ chơi hay chạm vào bụi bẩn.
Lúc này con sẽ phù hợp với các loại thực phẩm giàu đạm (yến mạch, đậu, thịt bò, cá rút xương, thịt gà…) được xay nhuyễn và bổ sung vào bữa dặm. Vào giai đoạn bé mọc răng này, bạn có thể tăng khẩu phầu phần ăn của con lên một chút so với giai đoạn trước.
Bé mọc được từ 6-8 răng
Ở giai đoạn này, trẻ sẽ khoảng 11-13 tháng tuổi. Con sẽ còn ít đau hoặc có thể không đau hay khó chịu nướu nữa. Thời điểm này có lẽ bạn nên chuyển các loại thức ăn mềm (nghiền hoặc xay nhuyễn) sang các dạng rắn hơn một chút. Việc này khiến cho các mô răng của con được “cọ xát” với thử thách vừa sức hơn, từ đó điều chỉnh vị trí và hoàn thiện về chức năng trong quá trình bé mọc răng.
Bạn cũng có thể lựa chọn một chế độ ăn đa dạng hơn để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con như chất đạm (protein), chất xơ, vitamin. Việc này sẽ giúp con ăn ngon miệng hơn khi bé mọc răng. Một số món bạn có thể chọn như:
- Rau củ hầm vừa chín (cắt nhỏ vừa với miệng của bé)
- Canh rau (rau cắt nhỏ)
- Nước hoa quả
- Các loại thịt xắt nhỏ vừa miệng
Bé mọc được từ 8-12 răng
Ở giai đoạn này, bé đã có nhiều răng hơn và từ các răng này trở đi thì ít khi con bị đau, sốt hay sưng lợi. Con vẫn có thể còn ngứa nướu và thích nhai cắn, nên các loại thực phẩm luộc, một số loại đậu mềm, thịt cắt khối nhỏ… sẽ phù hợp với bé.
Tạp chí Mẹ và Con mách bạn một “chiêu” để khiến trẻ ăn được nhiều hơn chính là chuẩn bị các món ăn có nhiều màu sắc hay hình thù ngộ nghĩnh.
Bé mọc được từ 12-20 răng
Thời điểm này con bắt đầu mọc răng hàm – những chiếc răng sữa cuối cùng. Khi này sẽ hơi khó chịu một chút cho bé, con sẽ sốt nhẹ, quấy khóc và sưng nướu. Giai đoạn này bạn có thể chọn các món mềm như thức ăn hầm nhừ, súp hoặc cháo để giúp trẻ dễ ăn hơn và không mất sức.
Cần lưu ý gì khi chăm sóc cho bé mọc răng?
Đừng để bé nhai một bên!
Bổ sung thức ăn cứng phù hợp với tuổi
Một lưu ý vô cùng quan trọng khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bé mọc răng chính là hãy cho con ăn thức ăn cứng phù hợp với độ tuổi của con. Nhiều phụ huynh lo lắng về răng của con nên dù trẻ hơn 1 tuổi những vẫn giữ chế độ ăn cơm nghiền nát và thức ăn mềm. Theo các chuyên gia về răng hàm mặt, việc này sẽ không có lợi cho sự phát triển răng của con.
Bé mọc răng không nên ăn đồ “dính” răng
Các chất “dính” răng chứa nhiều đường và tạo điều kiện cho các mảng bám (còn gọi là sâu răng) hình thành trên các răng mới mọc của trẻ. Vì thế trong độ tuổi “răng sữa”, trẻ sẽ cần hạn chế ăn các dạng thực phẩm làm tăng nguy cơ gây sâu răng như: nước ngọt, chè, kẹo, bánh…
Ứng với mỗi giai đoạn mọc răng của bé, bạn nên chọn một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Việc này giúp con khỏe mạnh, giảm tình trạng sốt do bé mọc răng và quan trọng nhất là tạo điều kiện để những chiếc răng chắc khỏe, xinh xắn ra đời.