Đừng đợi đến lúc que thử lên… hai vạch!
Cho đến thời điểm này, ở những thành phố lớn, phát triển nhất trong cả nước như TP.HCM, vẫn tồn tại một tỷ lệ đến khoảng 70% phụ nữ không hề có sự chuẩn bị dinh dưỡng cho bản thân trong quá trình trước lúc mang thai, và cho rằng việc bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể cần thực hiện khi biết mình “lên hai vạch” là được.
Thực tế, cách làm đúng không phải như vậy! Nếu đến tận lúc biết mình mang thai, bạn mới vội vội vàng vàng ăn uống nhiều hơn, bổ sung chất này chất khác thì có khi đã chậm một nhịp rồi. Vì nếu tình trạng của chính người phụ nữ lúc đó đang suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thiếu chất thì không phải dễ dàng một sớm một chiều bạn bổ sung lại được đầy đủ chất cho mình và cho bào thai trong bụng một… cái ào như vậy được.
Muốn trẻ sinh ra không bị suy dinh dưỡng, trẻ phát triển hoàn thiện ngay từ những năm tháng đầu đời, bạn cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bản thân từ… trước lúc mang thai, thậm chí trước lúc kết hôn, lập gia đình. Dinh dưỡng trước kỳ thai sản không chỉ mang đến cho bạn một cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp việc thụ thai được thực hiện dễ dàng, hoàn hảo hơn.
Những công việc đơn giản nhất bạn có thể làm là kiểm tra lại cân nặng, chỉ số BMI của bản thân mình. Nếu bạn quá nhẹ cân, cần đến các trung tâm dinh dưỡng để điều trị, thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện một cách triệt để. Hãy cố gắng ăn nhiều bữa trong ngày, bổ sung đầy đủ đạm, đường, béo, chất xơ, vitamin, khoáng chất… Nhớ là từ lúc này, bạn cần hình thành thói quen và nhịp sống mới, tuyệt đối không bỏ bữa, ăn sáng nhiều, thêm cho mình tối thiểu 1 ly sữa mỗi ngày, tập luyện nhẹ nhàng và đảm bảo đủ giấc ngủ 8 tiếng để cơ thể dễ dàng hấp thu được dưỡng chất đưa vào.
“Thực đơn” cần thiết cho một phụ nữ chuẩn bị mang thai
Hãy kiểm tra xem bạn đã thực hiện được hết những việc tối thiểu này trước lúc mang thai chưa nhé…
Bắt đầu bổ sung viên Sắt và Acid Folic:
Rất nhiều người nhầm tưởng chỉ đến khi biết mình mang thai rồi mới cần bổ sung Sắt và Acid Folic. Nếu bạn cũng… nhầm như thế thì ngay từ bây giờ, bạn thay đổi suy nghĩ của mình được rồi đấy. Hãy uống bổ sung viên Sắt và Acid Folic đều đặn hàng tháng, để tránh nguy cơ dị tật ống thần kinh cho thai nhi.
Nhất là với Acid Folic, cần bổ sung viên Acid Folic 400mcg liên tục tối thiểu là 3 tháng trước khi dự tính mang thai thì mới có tác dụng tốt nhất cho mầm sống tương lai bạn sẽ mang trong người được. Trong trường hợp không muốn sử dụng viên Acid Folic bổ sung, bạn cần chú trọng đến chế độ ăn giàu Acid Folic, ví dụ như ăn nhiều bột ngũ cốc, bánh mì đen, các sản phẩm từ lúa gạo không bị xay xát quá nhiều, ăn các loại rau có màu xanh sẫm…
Bổ sung viên Sắt và Acid Folic đều đặn hàng tháng, để tránh nguy cơ dị tật ống thần kinh cho thai
Hạn chế cà phê, bỏ hẳn thuốc lá và chất kích thích:
Như bạn đã từng nghe các phương tiện truyền thông liên tục nhắc nhở, thuốc lá, thức uống có cồn, chất kích thích, các loại thuốc gây nghiện… là những thứ tuyệt đối phải loại bỏ khỏi “thực đơn” hàng ngày của bạn từ trước lúc thụ thai. Nếu không làm được điều này, sức khỏe của bạn sẽ phải lãnh đủ, chịu những ảnh hưởng xấu, quá trình thụ thai bị cản trở. Trong trường hợp nếu may mắn thụ thai, thai nhi cũng dễ mắc phải các nguy cơ dị tật, bé sinh ra dễ bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thiếu chất, phát triển không đồng bộ.
Với cà phê, bạn có thể được du di chút ít, tức không cần thiết phải bỏ hẳn nếu thấy quá khó khăn. Tuy nhiên, nên nhớ rằng lượng cà phê tối đa một ngày của bạn là 200 miligram, không hơn. Hãy tập uống loãng dần, ít dần cho đến khi bạn… bỏ qua luôn được thói quen này lúc que thử lên hai vạch.
Thêm 1-2 ly sữa vào buổi sáng và tối:
Sữa đặc biệt quan trọng với sức khỏe con người, nhất là với những ai dự tính mang thai, sinh nở, nhằm đảm bảo cho thai nhi và bé sinh ra phát triển hoàn thiện, tránh suy dinh dưỡng. Vì vậy, bạn đừng nhăn nhó bảo rằng mình không uống được sữa hay không thích uống sữa.
Hãy chọn một loại sữa phù hợp với thể trạng của bạn (có thể nhờ chuyên gia dinh dưỡng tư vấn cụ thể cho từng trường hợp) và bổ sung cho cơ thể 1-2 ly sữa mỗi ngày. Trường hợp bạn hay cảm thấy bị đầy hơi, đi ngoài khi uống sữa, nên chia nhỏ lượng sữa trong mỗi lần uống ra, thay vì uống một ly đầy mỗi lần thì chia thành 3-4 lần, mỗi lần một phần sữa nhỏ. Bạn cũng có thể bổ sung thêm sữa chua, yaourt, các chế phẩm từ sữa như phô mai.
Bổ sung vitamin, khoáng chất nếu cần thiết:
Lại một lần nữa phải nhắc với bạn rằng việc khám sức khỏe tổng quát, tìm đến bác sĩ dinh dưỡng trước lúc mang thai hết sức quan trọng. Nếu bạn chịu khó đi khám từ trước khi có dự tính mang thai, bác sĩ sẽ có được sự kiểm tra thể chất cho bạn tốt nhất, bổ sung những chất còn thiếu một cách phù hợp. Có thể bác sĩ sẽ cho bạn vitamin dưới dạng thuốc bổ nếu cần thiết. Trong trường hợp bạn không quá mức nhẹ cân, suy dinh dưỡng, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn một chế độ ăn uống hoàn hảo cho bản thân, để có thể cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất đạm, đường, béo… cũng như vitamin và khoáng chất thông qua thực đơn hàng ngày.