Trữ đông thực phẩm là phương pháp bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thấp. Đông lạnh làm chậm lại tiến trình phân hủy thức ăn. Trữ đông chỉ có tác dụng làm ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn và kí sinh trùng phát triển chứ không tiêu diệt vi khuẩn và kí sinh trùng. Vậy nên, sau khi rã đông, những vi khuẩn, kí sinh trùng này một lần nữa có thể hoạt động trở lại, sinh sôi nảy nở theo các điều kiện của môi trường.
Quá trình trữ đông thực phẩm không phá hủy các chất dinh dưỡng hay làm thay đổi giá trị dinh dưỡng của thực phẩm trong thời gian trữ đông phù hợp mà giúp thực phẩm lưu giữ các chất dinh dưỡng, sự tươi mát của thực phẩm. Dưới đây là một số lưu ý khi trữ đông thực phẩm để mang lại hiệu quả tốt nhất.
1. Về nhiệt độ
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), khi trữ đông thực phẩm, nên để ngăn đá tủ lạnh trong mức -18ºC. Nhiệt độ này sẽ ức chế sự phát triển của đa số các vi sinh vật và vi khuẩn, làm chậm quá trình phân rã thức ăn, hạn chế sự giảm mùi theo thời gian của thực phẩm. Bằng cách này, thực phẩm có thể bảo quản trong khoảng 6 tháng.
Ở nhiệt độ thấp hơn -18ºC, tốc độ sinh trưởng của vi khuẩn sẽ thấp hơn nữa do đó thực phẩm có thể bảo quản được khoảng thời gian lâu hơn từ vài tháng đến một năm mà không cần dùng chất bảo quản hóa học.
Sau khoảng thời gian đó, mặc dù vẫn bảo quản ở nhiệt độ trong khoảng từ -40º đến -18ºC, tuy nhiên, chất luộng của thực phẩm vẫn giảm dần.
2. Về phương pháp trữ đông thực phẩm
Chú ý đến chất lượng và thời hạn sử dụng của sản phấm trước khi cho vào tủ đông
Thực phẩm được trữ đông nên là thực phẩm tươi; rõ nguồn gốc, xuất xứ; đã lược bỏ các thành phần hư, úa, hôi thối. Chú ý đến nhiệt độ bảo quản và thời gian bảo quản của từng thực phẩm để sắp xếp thời gian sử dụng hợp lý. Các loạt thịt gia cầm sống có thể được trữ đông trong khoảng 1 năm. Các sản phẩm từ sữa nên sử dụng trong vòng hai đến ba tháng sau khi trữ đông.
Sơ chế trước khi bảo quản
Thực phẩm mua về nhét ngay vào tủ lạnh để trữ đông sẽ không đảm bảo giữ được nguyên chất dinh dưỡng khi mang ra sử dụng. Vậy nên, hầu hết các thực phẩm trước khi được trữ đông phải được xử lý qua. Tùy từng loại thực phẩm khác nhau mà có quy trình xử lí khác nhau. Rau củ quả nên rửa sạch, chần qua nước sôi rồi cho vào từng túi nhỏ để lưu trữ nhằm đảm bảo giữ được hương vị và giá trị dinh dưỡng. Với các loại bánh ngọt và bánh mì, hãy để nguội hoàn toàn trước khi đông lạnh.Tương tự với các loại thịt nấu chín nên được để nguội, bỏ bao bì, ghi nhãn dán trước khi cho vào trữ đông
Chia nhỏ và bảo quản riêng từng loại thực phẩm
Điều tối kị khi trữ đông thực phẩm là bảo quản chung thực phẩm sống, chín với nhau. Việc bảo quản như thế sẽ gia tăng nguy cơ vi khuẩn lây lan từ thức ăn sống sang thức ăn chín. Vì vậy khi trữ đông cần để riêng chúng ra. Với thức ăn chín, sau khi nấu chín nên để nguội, cho vào hộp đậy kín, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu phải cho vào tủ lạnh để bảo quản. Nếu là thức ăn dùng bữa không hết, cần đun lại trước khi để nguội rồi mới trữ đông. Với thực phẩm sống, nên chia thành nhiều suất nhỏ cho vào hộp hoặc túi đậy kín trước khi cho vào tủ lạnh. Việc chia nhỏ và cho vào từng hộp, từng túi sẽ giúp bạn thuận tiện hơn mỗi khi lấy ra sử dụng mà tránh bị dư thừa hoặc nhầm lẫn các loại thực phẩm với nhau.
Nên chia nhỏ và bảo quản riêng từng loại thực trước khi trữ đông để an toàn và thuận tiện khi sử dụng (Ảnh minh họa).
Một số loại thực phẩm không nên trữ đông
Cà tím, khoai tây, gạo, cá hộp, thịt xông khói… không nên trữ đông vì sẽ bị mất chất dinh dưỡng và hương vị tự nhiên.
Các loại trái cây, rau quả nhiều nước không nên trữ đông sẽ khiến chúng bị mềm và mất hương vị.
Hạn chế việc tẩm gia vị đối với thực phẩm có khuynh hướng gia tăng mùi vị khi trữ đông vì những gia vị cay, nồng sẽ trở thành đắng nếu được trữ đông trong tủ lạnh.
3. Về quy trình rã đông thực phẩm sau khi trữ đông
Dùng đến đâu rã đông thực phẩm đến đó, không lấy nhiều để rã đông rồi bảo quản tiếp.
Thực phẩm sau khi rã đông thường có hiện tượng Freezer Burn hay còn gọi là tình trạng hidrat hóa hoặc Oxi hóa do tiếp xúc với không khí và hơi ẩm trong quá trình trữ đông. Freezer burn không làm cho thực phẩm trở nên độc hại, tuy nhiên nó sẽ làm cho thực phẩm bị khô, biến đổi về màu sắc và giảm chất lượng mùi vị. Khi thấy bề mặt thực phẩm bị khô sau khi rã đông nên xử lý bằng cách cắt bỏ những phần bị biến sắc.
Sau khi rã đông, cần chế biến và nấu chín ngay để ngăn tình trạng vi khuẩn hoạt động và sinh sôi nảy nở trở lại.
Mỗi loại thực phẩm khác nhau có quy trình xả đá khác nhau. Những thức ăn dễ bị hư hỏng như: thịt cá, gà vịt, các sản phẩm bơ sữa… cần được xả đá trong ngăn lạnh tủ lạnh. Những thực phẩm được nấu sẵn và ít độ ẩm như bánh mì có thể xả đá ở nhiệt độ phòng. Nếu không có nhiều thời gian, có thể cho vào lò vi sóng để xả đá. Cần chỉnh thời gian thích hợp và chế biến thực phẩm ngay sau khi tan băng vì một số thực phẩm có thể bị chín ngay trong lò vi sóng. Nếu không có lò vi sóng, có thể xả đá nhanh bằng cách bỏ thực phẩm ra khỏi túi hoặc hộp bảo quản, nhúng ngập vào nước, 30 phút thay nước một lần cho đến khi thực phẩm hoàn toàn được xả đá.
Tùy từng loại thức phẩm khác nhau sẽ có thời gian xả đá khác nhau (Ảnh minh họa).
4. Về quy trình đông lạnh lại thực phẩm.
Chỉ thực hiện đông lạnh lại thực phẩm đối với những thực phẩm được xả đá trong tủ lạnh. Tuy nhiên, chất lượng thực phẩm cũng sẽ bị giảm do độ ẩm mất đi.
Không đông lạnh lại bất kỳ loại thực phẩm nào ở bên ngoài tủ lạnh lâu hơn 1 – 2 giờ ở nhiệt độ trên 32°C.
5. Về cách sử dụng thiết bị đông lạnh
Quy trình trữ đông không thể hoàn hảo nếu kéo dài tình trạng đóng mở cửa tủ lạnh thường xuyên và các ron ở xung quanh cánh cửa không đúng tiêu chuẩn sẽ làm thoát hơi lạnh ngay cả khi đóng cửa.Việc thoát hơi lạnh sẽ khiến chất lượng thực phẩm được trữ bên trong bị ảnh hưởng và gây lãng phí năng lượng.
Hy vọng, với một số lưu ý khi trữ đông thực phẩm trên đây sẽ giúp các bà nội trợ có quy trình trữ đông thực phẩm đúng cách.