Mẹ&Con – Kiểm tra lại những kiến thức nho nhỏ của mình, để chuẩn bị thật chu đáo cho một hành trình dài chín tháng…

1. Mỗi ngày một quả chuối (chín) khi mang thai sẽ tốt cho mẹ bầu và thai nhi trong bụng?

a. Đúng.

b. Sai.

>> Đáp án đúng là: câu a.

“Bí quyết” giản dị này rất hữu ích cho bạn. Chuối có chứa rất nhiều vi chất quan trọng như kali, magie, sắt, phosphor, fluor, iốt, các vitamin A, B1, B2, B6, B12, C, D, E… đều là những chất tốt cho bà bầu. Không dừng lại ở đó, chuối là loại quả có khả năng giúp ổn định huyết áp, đối phó tốt với chuột rút (nhờ lượng kali dồi dào). Chuối cũng rất giàu chất xơ, có tác dụng nhuận tràng, tránh táo bón nên sẽ cực kỳ hữu ích để “giải tỏa” bà bầu khỏi nỗi lo này. Bạn ăn trung bình 1-2 quả chuối chín mỗi ngày còn là cách tự nhiên giúp bổ sung chất sắt, giảm được axit trong dạ dày khiến tránh đi những trạng thái ợ chua, ợ nóng.

Không chỉ có thể… ăn, thai phụ còn có thể làm đẹp từ chuối một cách an toàn và tự nhiên. Giã nhỏ nửa quả chuối, thêm một chút sữa tươi, sau đó đắp hỗn hợp lên mặt khoảng 15 phút sẽ giúp bạn có làn da mềm mại, mịn màng, giảm được các vết nám dễ xuất hiện trong giai đoạn thai kỳ.

Me da biet nhung viec nay chua

(Ảnh minh hoạ)

2. Những dấu hiệu nào sau đây cần phải nghĩ đến tình trạng viêm ruột thừa khi đang mang thai…   

a. Hố chậu phải đau và có phản ứng thành bụng.

b. Sốt khoảng 38 độ C.

c. Buồn nôn.

d. Thử máu thấy số lượng bạch cầu tăng.

e. Bao gồm tất cả các dấu hiệu trên.

>> Đáp án đúng là: câu e.

Nếu có riêng lẻ từng dấu hiệu trên, bạn đã phải hết sức thận trọng rồi. Trong trường hợp nhiều dấu hiệu xuất hiện cùng nhau, nên nghĩ ngay đến viêm ruột thừa khi đang mang thai chứ đừng chủ quan cho rằng đó chỉ là những dấu hiệu ốm nghén hay cảm sốt bình thường.

Viêm ruột thừa khi mang thai có diễn biến rất nhanh, dễ dẫn đến thủng hơn bình thường. Nó có thể nguy đến tính mạng của thai phụ, làm sảy thai, thai chết lưu nếu không cứu kịp. Do đó, khi thấy dấu hiệu bất thường, nên đưa ngay thai phụ vào bệnh viện để chẩn đoán, không chần chừ kéo dài, chữa trị tại nhà.

Có thể cứu giữ thai nhi trong trường hợp viêm ruột thừa nhưng phát hiện kịp không? Câu trả lời là có, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ sản phụ khoa và người nhà bệnh nhân (đưa đến bệnh viện kịp thời). Sau khi mổ cắt ruột thừa viêm, thai phụ sẽ được cho sử dụng các loại thuốc an thai, vẫn có thể hi vọng giữ được thai nhi.

3. Một ca sinh con so (con đầu lòng) thường kéo dài khoảng…

a. Phụ thuộc vào từng trường hợp, không xác định được thời gian.

b. 7-8 tiếng.

c. 3-4 tiếng.

>> Đáp án đúng là: câu a.

Có những ca sinh con đầu lòng, quá trình có thể kéo dài lên đến 7-8 tiếng hoặc hơn. Nhưng cũng có những ca, em bé chào đời nhanh hơn cả dự kiến của bác sĩ. Về cơ bản, cường độ đau đẻ và độ dài ca sinh sẽ rất khác biệt ở từng người phụ nữ. Tuy nhiên, dù nhanh hay chậm, ca sinh cũng bao gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn mở (thường dài nhất, cổ tử cung mở từ 9-10cm, các cơn đau ngắt quãng, kéo dài); Giai đoạn đẩy bé ra (bắt đầu khi cổ tử cung mở hoàn toàn, kết thúc bằng việc bé chào đời); Giai đoạn sau sinh (bắt đầu lúc em bé chào đời đến khi cho ra nhau thai cũng với dây rốn).

Không thể đoán trước được ca sinh sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng việc bạn có thể làm lúc này chính là hạn chế la hét, gào khóc, cố gắng thở theo hướng dẫn, bình tĩnh và chịu đựng để được đón phút giây hạnh phúc nhất của mình.

4. Để chăm sóc đôi chân của mình, bà bầu nên…

a. Chọn ghế ngồi làm việc thoải mái.

b. Không ngồi lâu một chỗ mà thường xuyên vận động nhẹ nhàng để lưu thông máu.

c. Mang giày, vớ vừa vặn.

d. Cả 3 ý trên.

>> Đáp án đúng là: câu d.

Khi bạn mang thai, dưới tác động của kích thích tố, cơ thể sẽ có hiện tượng trữ nước nhiều hơn. Đến giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, tử cung lại có sự phát triển rõ ràng, tạo nên việc chèn ép các tĩnh mạch, khiến quá trình tuần hoàn máu trở nên chậm. Trọng lượng cơ thể lại tăng. Tất cả những nguyên nhân trên đều gây áp lực đến đôi chân của thai phụ, khiến bạn dễ dẫn đến hiện tượng phù nề, bắp chân rã rời, đau mỏi.

Chính vì thế, việc chăm sóc cho đôi chân rất quan trọng. Bạn nên thực hiện đầy đủ các việc như tránh xa đôi giày cao gót, mang giày và vớ vừa vặn, tránh bó chặt lấy chân. Nên chọn cho mình chiếc ghế với chiều cao phù hợp, lưng tựa thoải mái. Bạn không nên ngồi bắt chéo chân mà nên duỗi thẳng chúng, có thể để chân trên một chiếc ghế đẩu thấp bên dưới ghế ngồi. Ngoài ra, bạn không nên ngồi lâu một chỗ, nên tăng cường đi lại nhẹ nhàng hoặc massage nhẹ cho vùng chân để chân thư giãn.

5. Siêu âm sẽ giúp cho thai phụ…

a. Theo dõi sự phát triển của thai, kích thước tử cung và tìm ra những điểm bất thường.

b. Kiểm tra lượng nước ối, phán đoán được tình trạng thiểu ối hoặc đa ối.

c. Kết hợp với xét nghiệm khác: như chọc dò ối, lấy mẫu nhung màng đệm (CVS) trong quá trình xét nghiệm dị tật thai.

d. Câu b và c đúng.

>> Đáp án đúng là: câu d.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những tác dụng của việc siêu âm trong thai kỳ. Ngoài những việc trên, siêu âm còn giúp thai phụ xác định được những việc sau: Xác định có thai hay không chính xác, khi kết hợp cùng một số xét nghiệm khác; Chẩn đoán thai ngoài tử cung; Phán đoán tuổi thai với độ sai lệch thấp; Chẩn đoán được một số yếu tố liên quan đến việc ra máu trong thai kỳ; Kiểm tra ngôi thai (ngôi ngược, ngôi ngang hay ngôi thuận);

Phát hiện được song thai/đa thai; Kiểm tra những vấn đề thuộc nhau thai, nhau thai bám thấp hoặc nhau thai bị đứt; Chẩn đoán những bất thường từ bào thai; Chẩn đoán khả năng xử trí dị tật (một số dị tật liên quan đến tim, phổi, hệ tiêu hóa có thể được điều trị dứt điểm ngay sau khi bé chào đời)… Vì những chức năng đặc biệt quan trọng này nên bạn cần thực hiện đúng lịch siêu âm, không tự ý đổi thời gian, làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Tags:

Bài viết liên quan