1. Bụng bầu nhỏ có nghĩa là con bạn sinh ra có nguy cơ nhẹ cân?
a. Đúng.
b. Sai.
>> Đáp án đúng là: câu b.
Nhiều người vẫn thường mang cái bụng bầu của mình để… so sánh với những bà bầu khác rồi lo lắng. Tuy nhiên, xin khẳng định với bạn rằng việc nhìn bụng bầu lớn cho là thai nhi sẽ nặng cân hay bụng bầu nhỏ cho là thai nhi suy dinh dưỡng, nhẹ cân là hoàn toàn không có cơ sở.
Bạn cần biết rằng nếu trước khi mang thai bạn vốn là người chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao, có vòng eo thon gọn, cơ bụng săn chắc, cộng thêm vóc dáng có phần cao ráo thì bụng bầu nhìn sẽ rất nhỏ gọn. Ngược lại, nếu bạn thấp và vốn khá tròn trĩnh, vòng hai ngay từ lúc chưa mang thai đã… tích tụ nhiều mỡ thì việc bụng bầu trông to và “sồ sề” gần như là tất nhiên.
Để xác định bào thai to hay nhỏ, thai nhi đủ cân hay suy dinh dưỡng do đó chỉ có thể xác định dựa trên siêu âm và tính toán theo chuyên môn của bác sĩ sản khoa. Bạn không nên lo lắng so sánh mình với những bà bầu khác rồi cố gắng ăn quá nhiều hoặc tự ý giảm hẳn khẩu phần ăn.
2. Cách làm đẹp nào sau đây không được khuyến khích với bà bầu?
a. Tẩy lông.
b. Nhuộm, uốn tóc.
c. Sơn móng tay.
d. Tất cả các cách làm đẹp trên.
>> Đáp án đúng là: câu d.
Với nhuộm, uốn tóc và sơn móng tay, có lẽ hầu như bà bầu nào cũng biết cần nên tránh. Bởi lẽ, những hóa chất có trong thuốc nhuộm, thuốc uốn tóc hay thuốc sơn móng tay đều có nguy cơ gây hại cho em bé trong bụng bạn, nhất là ở thời kỳ tam cá nguyệt thứ nhất. Tuy nhiên, ít bà bầu biết rằng kể cả cách làm đẹp bằng tẩy lông cũng có thể gây nguy hại cho mình.
Bạn cần biết rằng cho đến lúc này, các nhà khoa học trên thế giới vẫn hết sức nghi ngờ và chưa lường hết được những tác hại của tia laser sử dụng trong biện pháp tẩy lông lên thai nhi. Ngoài ra, da phụ nữ mang thai rất nhạy cảm nên kể cả cách thức tẩy lông nóng cũng hoàn toàn không phù hợp. Nếu hormone thay đổi nhiều khiến một số vùng trên cơ thể bỗng trở nên “rậm rạp” suốt chín tháng thai kỳ, bạn nên tìm đến biện pháp “cổ xưa” và… an toàn nhất, chính là chiếc dao cạo.
3. Từ tháng thứ tư trở đi, bà bầu nên uống mỗi ngày 1 trái dừa. Điều này…
a. Đúng.
b. Sai.
>> Đáp án đúng là: câu a.
Nhiều người vẫn cho rằng nước dừa có tính hàn, dễ gây lạnh bụng, ảnh hưởng đến thai nhi. Song, kỳ thực nếu kiêng cữ, bạn chỉ cần kiêng cữ trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Bước sang tháng thứ tư trở đi, việc uống mỗi ngày một trái dừa được xem là rất tốt cho cơ thể, bởi lẽ nước dừa có chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho bà bầu lẫn thai nhi như canxi, kali, magiê, vitamin A, E…
Không chỉ thế, nước dừa còn có tác dụng điều chỉnh huyết áp, duy trì sự ổn định của tim mạch. Thức uống lành tính này cũng giúp bổ sung chất lỏng và lượng muối bị hao hụt trong cơ thể thai phụ, đặc biệt còn giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Một công dụng khác của nước dừa là giúp giảm tình trạng táo bón, cải thiện chức năng đường ruột và các vấn đề về tiêu hóa. Khi uống đều đặn từ nửa trái đến một trái dừa mỗi ngày, thai phụ gần như có thể yên tâm tránh xa được những chứng táo bón, đầy bụng, ợ hơi vốn rất thường gặp ở bà bầu.
Tuy nhiên, một lưu ý nhỏ cho bạn là không nên uống nước dừa khi cơ thể đang mệt mỏi và nóng vì dễ gây thay đổi nhiệt độ đột ngột. Bạn cũng nên uống từng ít một thay vì uống một hơi hết cả trái, nhất là trước khi đi ngủ, vì nó sẽ kích thích khiến bạn có cảm giác buồn tiểu suốt cả đêm.
4. Bà bầu thường xuyên nằm nghỉ nhiều trên giường, theo bạn là…
a. Rất tốt.
b. Bình thường.
c. Không tốt, vì nghỉ ngơi quá nhiều có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
>> Đáp án đúng là: câu c.
Ai cũng khuyên trong giai đoạn mang thai bạn nên bớt việc, giảm tối đa áp lực và stress, tranh thủ nghỉ ngơi, thư giãn. Tuy nhiên, hãy biết rằng nghỉ ngơi ở đây có nghĩa là tập thể dục nhẹ nhàng, vận động tay chân, thực hiện các công việc nhà đơn giản chứ không có nghĩa là khuyến khích bạn… nằm lì trên giường từ ngày này sang ngày khác (trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ khi có hiện tượng dọa sảy thai).
Việc nằm quá nhiều trên giường thực tế có tác động tiêu cực, không tốt lên cả thai phụ lẫn thai nhi. Trước hết, về mặt tinh thần, việc nằm cả ngày như thế rất dễ khiến bạn uể oải, thụ động, lười biếng, mệt mỏi và dễ trầm cảm, dễ stress với cuộc sống đơn điệu hơn cả khi bạn phải làm nhiều. Thứ đến, nằm trên giường quá nhiều có nguy cơ gây ra các cơn co thắt sớm dẫn đến sinh non và dễ làm nảy sinh các vấn đề như huyết áp cao, xuất hiện các cục máu đông, thậm chí là teo cơ.
5. Bất ngờ gặp phải một cơn đau bụng dữ dội (không ra máu) khi đang mang thai, bạn nên nghĩ tới nguyên nhân nào sau đây…
a. Dấu hiệu sảy thai.
b. Viêm ruột thừa.
c. Bị ký sinh trùng đường ruột.
d. Câu b và c đúng.
>> Đáp án đúng là: câu d.
Mọi cơn đau bụng dữ dội trong quá trình mang thai đều không được phép bỏ qua và phải lập tức đến kiểm tra tại bệnh viện để bảo đảm an toàn cho cả mẹ lẫn thai nhi. Tuy nhiên, nhiều thai phụ khi xuất hiện cơn đau bụng thường chỉ nghĩ đến các nguyên nhân “dễ sợ” nhất như dấu hiệu sảy thai. Trong khi đó, lưu ý rằng chỉ khi đau bụng kèm theo âm đạo chảy ra một ít máu mới nên nghĩ đến dấu hiệu này.
Trường hợp bỗng dưng xuất hiện cơn đau bụng dữ dội, không kèm theo chảy máu, nên nghĩ ngay đến viêm ruột thừa cấp tính hoặc do ký sinh trùng đường ruột (thường là giun đũa). Nếu giun chui vào ống mật hoặc ruột thừa, cơn đau này sẽ càng kinh khủng hơn. Trong trường hợp đó, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến cả hai mẹ con.