Nhiễm trùng tai là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em khi cứ 6 trẻ em 3 tuổi thì có đến 5 trẻ bị nhiễm trùng tai, theo thống kê của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP). Bệnh gây đau tai và có thể khiến trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi quấy khóc hoặc cáu kỉnh.
Nhiễm trùng tai là gì và nhiễm trùng tai có phải là viêm tai giữa?
Nhiễm trùng tai là tình trạng nhiễm trùng đột ngột ở tai, có thể do vi khuẩn hoặc virus. Có 2 loại phổ biến: viêm tai giữa và nhiễm trùng tai ngoài.
Tuy nhiên, ở tai ngoài, khi bị nhiễm trùng thì các yếu tố viêm nhiễm cũng bị màng nhĩ chặn lại và không thể đi sâu vào trong tai. Nhiễm trùng tai ngoài cũng có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nhiễm trùng tai giữa. Do đó, khi nhắc đến nhiễm trùng tai thì gần như đều đề cập đến viêm tai giữa.
Tai giữa là không gian chứa đầy không khí giữa màng nhĩ và tai trong. Nó chứa các xương mỏng manh truyền rung động âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong để bạn có thể nghe thấy.
Ống Eustachian là ống nối tai giữa với phía sau cổ họng. Chúng điều chỉnh áp suất không khí trong tai của bạn và ngăn chất lỏng tích tụ trong tai giữa của bạn.
Nếu ống Eustachian không hoạt động tốt, chất lỏng sẽ khó thoát ra khỏi tai giữa và có thể gây ra tình trạng nghe khó. Nhiễm trùng tai (do virus và vi khuẩn) cũng gây ra dịch tai giữa. Trong những trường hợp này, dịch tai giữa bị nhiễm trùng và thường gây khó chịu kèm theo khả năng gây nghe khó, suy giảm thính lực.
Trẻ em dễ bị nhiễm trùng tai hơn người lớn vì ba lý do:
- Hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển toàn diện và chưa được “trang bị” để sẵn sàng chống lại nhiễm trùng.
- Ống Eustachian của trẻ nhỏ hơn và nằm ngang hơn, khiến chất lỏng khó thoát ra khỏi tai hơn.
- Trẻ dễ tiếp xúc với bạn bè khi đi học mẫu giáo và chưa biết cách tự vệ sinh, chăm sóc bản thân
Nhiễm trùng tai có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa không gây ra vấn đề lâu dài. Các biến chứng thường xảy ra nếu trẻ bị viêm tai giữa lặp đi lặp lại hoặc liên tục. Các biến chứng bao gồm:
- Mất thính lực: Mất thính giác tạm thời hoặc thay đổi thính giác (nghẹt tai hoặc biến dạng âm thanh) là hiện tượng thường gặp khi bị nhiễm trùng tai. Nhiễm trùng lặp đi lặp lại hoặc liên tục hoặc tổn thương cấu trúc bên trong tai của trẻ có thể gây mất thính lực nghiêm trọng hơn.
- Chậm phát triển ngôn ngữ và lời nói: Trẻ cần nghe để học ngôn ngữ và phát triển khả năng nói. Thính giác bị bóp nghẹt hoặc mất thính lực trong một khoảng thời gian có thể làm chậm sự phát triển đáng kể.
- Rách màng nhĩ: Khoảng 5% đến 10% trẻ em bị viêm tai giữa có một vết rách nhỏ ở màng nhĩ. Thông thường, vết rách sẽ tự lành. Nếu không, trẻ có thể cần phải phẫu thuật.
- Nhiễm trùng lây lan: Nhiễm trùng không được điều trị hoặc nhiễm trùng không tự cải thiện có thể lây lan. Nhiễm trùng có thể lan đến xương phía sau tai của trẻ. Đôi khi, nhiễm trùng có thể lan đến các màng bao quanh não và tủy sống và gây viêm màng não.
Triệu chứng và nguyên nhân nhiễm trùng tai ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Các triệu chứng nhiễm trùng tai là gì?
Các triệu chứng viêm tai giữa thường bắt đầu sau khi bị cảm lạnh, bao gồm:
- Đau tai
- Ăn mất ngon
- Khó ngủ
- Cảm thấy khó nghe
- Cảm giác đầy, ù tai
- Tai chảy dịch màu vàng, nâu hoặc trắng.
Do trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể chưa biết nói hoặc không biết cách mô tả chính xác cảm giác khó chịu của mình nên bạn có thể dựa theo các biểu hiện hành vi của trẻ để xem trẻ có những triệu chứng viêm tai giữa hay không, chẳng hạn như:
- Trẻ thường xoa hoặc dùng tay để kéo lỗ tai của mình
- Trẻ quấy khóc nhiều hơn bình thường
- Trẻ bị sốt từ 38 đến 40 độ C (Một nửa số trẻ bị sốt do nhiễm trùng tai).
- Trẻ bắt đầu thở bằng miệng hoặc ngáy nhiều hơn
- Trẻ ăn ít, bỏ ăn, không chịu ăn
Nguyên nhân gây nhiễm trùng tai là gì?
Vi khuẩn và virus gây nhiễm trùng tai. Thông thường, nhiễm trùng tai bắt đầu sau khi bị cảm lạnh hoặc viêm đường hô hấp trên. Vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào tai từ cổ họng qua ống Eustachian Khi vào bên trong, vi rút hoặc vi khuẩn có thể khiến ống Eustachian của bạn sưng lên. Tình trạng sưng tấy có thể khiến ống Eustachian hoạt động kém và tiết dịch trong tai giữa khiến tai bị nhiễm trùng.
Nhiễm trùng tai không lây nhiễm nhưng virus và/hoặc vi khuẩn gây nhiễm trùng thì có. Có nhiều loại vi khuẩn và virus gây viêm tai giữa, bao gồm cả những loại gây cảm lạnh và cúm.
Cách điều trị viêm tai giữa ở trẻ
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai đều tự khỏi mà không cần điều trị. Viêm tai giữa có xu hướng thuyên giảm theo thời gian. Nếu trẻ hông bị đau ngiêm trọng, bác sĩ có thể đề xuất phương pháp theo dõi kết hợp với thuốc giảm đau không kê đơn để xem liệu nhiễm trùng có tự khỏi hay không.
Việc điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh có thể khiến vi khuẩn gây nhiễm trùng trở nên kháng lại các loại kháng sinh đó và khiến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trong tương lai trở nên khó khăn hơn. Điều quan trọng không kém là trong hầu hết các trường hợp viêm tai giữa, việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết.
Cách tốt nhất mà bạn nên làm chính là đưa trẻ đi thăm khám để bác sĩ đưa ra kết luận và xác định hướng điều trị thích hợp. Trong hầu hết mọi trường hợp, quyết định điều trị phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ đau và các triệu chứng biểu hiện của trẻ.
Trẻ dưới 6 tháng
Trẻ sơ sinh dưới sáu tháng hầu như luôn được dùng kháng sinh. Ở độ tuổi này trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ nên khi mắc bệnh thì bệnh có thể diễn tiến nghiêm trọng hơn.
Điều quan trọng không kém là không có nghiên cứu nào về sự an toàn của việc bỏ qua thuốc kháng sinh đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Và các biến chứng do nhiễm trùng tai có thể nghiêm trọng hơn khi chúng xảy ra ở trẻ sơ sinh còn quá nhỏ. Vi khuẩn bị mắc kẹt phía sau màng nhĩ có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể và gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi
Đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị bố mẹ nên thảo luận với bác sĩ về việc có nên điều trị viêm tai giữa nếu bệnh chưa diễn tiến nghiêm trọng hay không. Cách tốt nhất thường là theo dõi trẻ từ hai đến ba ngày trước khi kê đơn điều trị bằng kháng sinh. Nếu trẻ bị đau hoặc nhiễm trùng tai tiến triển, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng kháng sinh ngay lập tức.
Trẻ trên 2 tuổi
Với trẻ trên 2 tuổi, nhiễm trùng tai không nghiêm trọng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Trong khi chờ đợi, bạn có thể điều trị cơn đau do viêm tai giữa của trẻ bằng các loại thuốc không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen. Nếu không có cải thiện sau hai đến ba ngày thì có thể đưa trẻ quay lại bệnh viện và bác sĩ có thể chỉ định trẻ sử dụng thuốc kháng sinh.
Với các trường hợp trẻ bị nhiễm trùng tai tái phát, nhiễm trùng nhiều lần thì trẻ được chỉ định điều trị bằng thủ thuật phẫu thuật để chèn các ống nhỏ vào màng nhĩ, giúp cải thiện luồng không khí và ngăn ngừa tình trạng tích tụ chất lỏng trong tai.
Lưu ý:
Với trẻ bị viêm tai giữa, bạn không nên:
- Làm sạch tai bằng tăm bông hoặc bông gòn
- Tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh hoặc dừng/thay đổi thuốc nếu chauw có chỉ định của bác sĩ
- Để nước vào tai của trẻ nếu màng nhĩ của trẻ bị vỡ và để tự nhiên cho đến khi nó lành lại
- Nhỏ thuốc vào tai (trừ khi được bác sĩ hoặc dược sĩ khuyên dùng)
Cách phòng ngừa trẻ bị nhiễm trùng tai
Để phòng ngừa nguy cơ trẻ bị viêm tai giữa, khi chăm sóc trẻ, bạn nên lưu ý:
- Cho trẻ tiêm vaccine: Những trẻ được tiêm vaccine đầy đủ sẽ ít bị nhiễm trùng tai hơn so với những trẻ không được tiêm chủng. Vaccine phế cầu khuẩn liên hợp 13 thành phần (PCV13) có khả năng bảo vệ chống lại 13 loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Chú ý khi cho con bú: Sữa mẹ có chứa kháng thể có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tai và một loạt các bệnh khác. Và cho dù bạn cho trẻ bú sữa mẹ hay sữa công thức, hãy đảm bảo trẻ ở tư thế đầu cao hơn bụng trong khi bú để ngăn chất lỏng chảy vào tai giữa.
- Rửa tay thường xuyên: Nhiễm trùng tai giữa thường xảy ra sau khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi cảm lạnh và cúm là giữ tay sạch sẽ. Rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch vệ sinh tay chứa cồn giúp hạn chế vi khuẩn lây lan, ngăn ngừa cảm,
- Tránh xa người bệnh: Không để trẻ tiếp xúc với người bệnh dù là người lớn hay trẻ nhỏ. Nếu trẻ đang mắc bệnh, không nên cho trẻ đến trường.
- Tránh hút thuốc thụ động: Các nghiên cứu cho thấy trẻ em tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ bị nhiễm trùng tai cao gấp ba lần so với những trẻ không tiếp xúc.
Hầu hết các trường hợp trẻ bị nhiễm trùng đều tự khỏi. Do đó, bạn không nên quá lo lắng. Tùy thuộc vào độ tuổi, triệu chứng và tình trạng sức khỏe của trẻ, bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc dùng kháng sinh để điều trị. Trong quá trình theo dõi, có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau không kê đơn cũng như chú ý chăm sóc vùng tai của trẻ đúng cách để quá trình khỏi bệnh được diễn ra nhanh hơn bạn nhé!