Mẹ và Con - Viêm đường hô hấp trên là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Kịp thời nhận biết dấu hiệu bệnh để điều trị rất quan trọng vì bệnh dễ gây biến chứng nguy hiểm.

Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là do các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm xâm nhập vào đường hô hấp trên. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng khó chịu cho trẻ như nghẹt mũi, chảy mũi, ho, đau họng, sốt và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm xoang cấp, viêm tai giữa cấp hay viêm đường hô hấp dưới.

Hiểu được viêm hô hấp trên là gì, dấu hiệu nhận biết cũng như phòng ngừa và điều trị rất quan trọng. Bài viết sau sẽ trình bày chi tiết các thông tin bạn cần lưu ý.

Viêm đường hô hấp trên là gì?

Trước hết bạn cần biết viêm đường hô hấp trên là gì. Đường hô hấp trên là phần từ mũi đến thanh quản: Mũi, họng, thanh quản. Các bộ phận này tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường. Các tác nhân gây bệnh khi xâm nhập vào cơ thể trước hết sẽ gây bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

nguyên nhân viêm đường hô hấp trên

Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên như cảm, sổ mũi, sốt mà không được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ dễ trở nặng. Các biến chứng như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm amidan… đều được gọi chung là viêm đường hô hấp trên.

Bạn không cần quá lo lắng vì thực tế, một đứa trẻ khỏe mạnh hoàn toàn có thể bị viêm đường hô hấp trên vào bất cứ lúc nào trong năm. Đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, hệ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện lại càng yếu ớt. Thậm chí có thống kê cho thấy trung bình mỗi đứa trẻ bị ít nhất 7 đợt cảm lạnh trước khi đủ 1 tuổi. Điều quan trọng là điều trị triệu chứng, theo dõi và can thiệp khi bệnh có dấu hiệu tiến triển nặng.

Nguyên nhân gây bệnh

Có 3 tác nhân chính gây bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ:

  • Virus: Rhino, virus cúm Parainfluenza, Adeno, Corona, virus hô hấp hợp bào RSV…
  • Vi khuẩn: Liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus Influenzae…
  • Nấm: Rhizopus, Rhizomucor, Cunninghamella.

Các tác nhân này lơ lửng trong không khí, bám trên những người xung quanh, trong dịch tiết… Có thể nói trẻ nhỏ tiếp xúc với các mầm bệnh liên tục và nếu điều kiện thuận lợi thì sẽ phát bệnh. Một số yếu tố có thể tạo cơ hội cho các tác nhân gây bệnh là:

  • Thời tiết: Vào các thời điểm giao mùa thì dịch cúm bùng phát, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc bệnh vào những lúc này.
  • Do cơ địa: Các bé sinh non thiếu tháng, các trẻ không bú sữa mẹ, trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu vitamin A… đều có nguy cơ mắc viêm đường hô hấp trên cao hơn mức bình thường.
  • Môi trường sống: Nhà ở chật hẹp ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh. Bé nằm phòng máy lạnh khô nên niêm mạc dễ bị kích ứng. Do tắm nhiều, tắm nước lạnh, không lau khô cơ thể…

Dấu hiệu viêm đường hô hấp trên

Như bạn đã biết, bệnh có thể xuất hiện tại một hoặc nhiều vị trí trong đường hô hấp trên. Tùy thuộc vị trí ổ viêm, tác nhân gây bệnh cũng như độ tuổi của trẻ mà có các dấu hiệu bệnh riêng.

Theo độ tuổi:

  • Ở trẻ sơ sinh: Trẻ sốt nhẹ (38 – 38,5 độ), ho, có thể chảy nước mũi, trẻ quấy khóc, bỏ bú, thở khò khè…
  • Đối với trẻ lớn: Sốt, chán ăn, nghẹt mũi, sổ mũi, ho, đau họng, khan tiếng, người mệt mỏi uể oải…

dấu hiệu viêm đường hô hấp trên

Ở trẻ sơ sinh bố mẹ không nên chủ quan vì bệnh rất dễ diễn tiến thành viêm phổi. Thậm chí có trẻ viêm phổi nặng mà vẫn chỉ sốt nhẹ hoặc thậm chí không sốt. Khi các dấu hiệu nặng như tím tái, bỏ bú, thở rít… thì bệnh đã nặng.

Vị trí bệnh

  • Viêm mũi: Trẻ nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho và hắt hơi nhiều. Nước mũi ban đầu trong suốt, sau chuyển sang xanh đục nếu có nhiễm khuẩn thứ phát. Bệnh nặng sẽ biến chứng viêm xoang ở trẻ em ở dạng cấp.
  • Viêm họng: Đau họng, khó nuốt, ho khan, bỏ bú, quấy khóc, sốt nhẹ hoặc cao.
  • Viêm thanh quản: Ho khan, khàn tiếng, bị vướng ở họng, thở khò khè do thanh quản bị phù nề chèn ép khí quản.
  • Viêm phế quản: Ho, ho có đờm và kéo dài không dứt, trẻ khó thở, sốt mệt mỏi.

Mức độ bệnh

Tùy theo mức độ bệnh mà các dấu hiệu sẽ khác biệt nhất định.

  • Bệnh nhẹ: Bệnh chớm phát và các dấu hiệu còn rất nhẹ nhàng. Trẻ ho, sốt nhẹ, chảy nước mũi hoặc không. Lúc này bệnh nhẹ và có thể điều trị tại nhà chưa cần dùng thuốc.
  • Bệnh mức độ vừa: Trẻ ho dai dẳng, sốt, thở nhanh hơn bình thường. Lúc này khả năng trẻ bị viêm phổi nhẹ hoặc viêm phế quản. Nên đưa bé đi kiểm tra sức khỏe.
  • Mức độ nặng: Trẻ ho, vẫn sốt, thở nhanh và khi thở thấy có hiện tượng rút lõm lồng ngực – nghĩa là đã viêm phổi. Cần đưa bé đi khám ngay.
  • Mức độ rất nặng: Trẻ ngoài ho, thở nhanh, co rút lồng ngực thì xuất hiện thêm dấu hiệu tím tái. Mặt trẻ tái nhợt, môi lưỡi tím tái. Đây là dấu hiệu viêm phổi ở trẻ nặng. Trẻ cần được cấp cứu ngay.

Điều trị

Điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí bị viêm. Một số phương pháp điều trị thông dụng bạn có thể tham khảo gồm:

  • Điều trị triệu chứng: Cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ đã ăn được thì nên cho bé ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, ngậm kẹo thảo dược để giảm ho và đau họng. Vệ sinh mũi họng thường xuyên giúp thông thoáng đường hô hấp, có thể xông hơi để thông mũi, diệt khuẩn.
  • Điều trị nguyên nhân: Khi đã xác định được nguyên nhân gây bệnh thì bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho bé dùng thuốc. Ví dụ nếu bệnh do virus thì cho bé uống kháng sinh cũng vô dụng mà còn khiến cơ thể mệt hơn.

Phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên

  • Tiêm phòng cho trẻ ngay khi đủ tuổi.
  • Giữ trẻ và không gian sống sạch sẽ.
  • Tránh cho bé tiếp xúc với người bệnh, nghi bệnh, tránh đi đến các ổ dịch.
  • Ăn uống đủ chất, ngủ đủ và vận động để tăng đề kháng

phòng ngừa viêm đường hô hấp trên

Nhìn chung viêm đường hô hấp trên là bệnh phổ biến và gần như không thể tránh ở trẻ nhỏ. Bạn cần chú ý theo dõi nếu trẻ có dấu hiệu bệnh. Kịp thời đưa bé đi khám, chữa trị tránh biến chứng vì sẽ rất nguy hiểm cho bé.

Bài viết liên quan