Ngày chia tay về, chồng cô ấy đưa chúng tôi một tấm ảnh khổ lớn, được lồng khung trang trọng và gói ghém cẩn thận, bảo là để làm kỷ niệm. Trong đó, là hình con trai tôi ẵm đứa em gái cùng mẹ khác cha của mình, nét mặt rạng rỡ vui sướng như đang được quà. Bức ảnh này do vợ tôi chụp cho hai đứa trẻ bằng điện thoại, và chồng-của-vợ-cũ đã chu đáo in ra, lưu giữ một khoảnh khắc thật đẹp và đặc biệt giữa chúng tôi hôm ấy.
Đường về, nhìn con trai an lành ngủ, đầu gối lên đùi “má”, lòng tôi dưng không nhớ lại khoảng giai đoạn bi kịch cũ. Thời gian đó, chúng tôi nhận ra, hôn nhân của mình thật sự là một sai lầm, mà chẳng ai dám làm gì để thay đổi. Vài nỗ lực kiểu sách vở không thể cải thiện được gì. Toàn là chuyện vụn vặt, nhưng được nâng lên thành những mâu thuẫn kiểu “quan điểm”, “vùng miền” mỏi mệt. Tôi chán ngán cùng cực, nhưng ly hôn có lẽ là từ không có trong từ điển của một người đàn ông vốn luôn tâm niệm, hôn nhân là chuyện đại sự chung thân cả đời, như tôi. Dù vợ tôi, khi ấy, mỗi khi cãi nhau vẫn sẵn sàng buông ra một lời kết luận hoặc thách thức: Bỏ ngay đi, cho nó đỡ khổ cái đời nhau!
Đôi khi nghĩ lại, tôi thấy thật khó hiểu cho chính mình. Người chủ động chia tay là vợ tôi, người phải bỏ công thuyết phục người kia… đồng ý, cũng là vợ tôi. Cô ấy thẳng thắn bảo, chúng tôi thật sự không hợp nhau. Cứ cố giữ gia đình một cách tạm bợ thế này, thật không phải là cách hay, lãng phí những năm tháng tuổi trẻ. Chúng tôi không có ai phản bội, cũng không có người thứ ba xen vào. Chỉ là, khi yêu thương đã cạn kiệt, sự tôn trọng dành cho nhau hầu như chẳng còn nữa, thì miễn cưỡng để làm gì.
Tôi là người đàn ông cổ điển, thích cảnh sống đơn giản, từ bữa cơm cho tới nhà cửa, ăn mặc, mọi thứ đều “quê một cục”. Vợ cũ thích những nơi náo nhiệt, ưa đồ công nghệ, háo hức trước cuộc sống đổi thay vù vù. Cô ấy đề nghị được nuôi con, tôi cũng đồng ý. Lời khuyên đáng giá sau cùng vợ cũ dành cho tôi, chính là “chắc anh thích hợp với một phụ nữ đồng hương”. Ai ngờ được rằng, đó chính là kết luận đúng đắn nhất mà vợ tôi phát hiện ra sau một thời gian chung sống ít hạnh phúc giữa chúng tôi!
Vợ bây giờ, tôi gặp trong một chuyến về thăm quê cũ. Cô ấy ở nhà làm nội trợ, nhận hàng về may, đan móc mấy cái giỏ xách, áo ấm bằng len để cải thiện kinh tế. Những món ăn hợp miệng, sự chăm sóc ân cần và nhất là “hợp rơ” với nhau, đặc biệt khi nhắc về “hồi ấy quê mình”… Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Vợ cũ của tôi cũng vậy. Cô ấy nhanh chóng có người theo đuổi, rồi “tái bản”, thành gái hai con mặn mà vẻ đẹp ngời ngời.
Con trai tôi được “ba sau” thương yêu, vẫn hay gọi điện và háo hức kể về “ba sau” đầy ngưỡng mộ: “Ba sau của con như “siu nhơn” ấy, cái gì hư cũng biết sửa, từ đồ chơi cho tới cái kệ sách…”. Tôi mừng cho vợ cũ. Tôi yên tâm về con trai mình có được mái ấm vẹn tròn. Vợ mới của tôi cũng quý thằng nhóc con chồng. Nó gọi cô ấy bằng “má” và vô tư vòi vĩnh, nhõng nhẽo vì được cưng chiều.
Tôi cho rằng, dù tình yêu đã hết, thì người đàn ông hiếm khi muốn đạp cho đổ hết mọi thứ. Ai cũng ngại thay đổi, lo tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, con cái phải khổ. Có khi người vợ lại khóc lóc, nắm níu, tạo thêm cảm giác, sợ… mang tiếng bạc bẽo, bỏ rơi vợ con. Nhưng chính cái tâm lý thiếu quyết đoán, “không nỡ” ấy khiến cho cuộc đời mình nhiều khi không thể “ngóc đầu lên nổi”, sống trong cảnh chẳng khác gì địa ngục. Mạnh dạn buông tay, có khi lại hay và may mắn, cho mình và cho người cơ hội làm lại từ đầu.