Ta thường rung chân khi đang ngồi hoặc nằm một cách không chủ ý và chỉ phát hiện khi có ai đó nhắc nhở. Hành động này có thể gây khó chịu cho người xung quanh và cả chính bản thân nếu nó xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Vậy nguyên nhân nào lại gây ra tình trạng trên?
Những lý do có thể khiến bạn hay rung chân
Khi bạn đang tập trung cao độ
Với câu hỏi rung chân có tốt không thì theo nghiên cứu, rung chân là một hoạt động thể chất giúp tăng sự tập trung cao độ. Ví dụ, khi đối đầu với một vấn đề khó, con người thường đi qua đi lại trong phòng để suy nghĩ.
Tuy nhiên, khi ta chỉ có thể ngồi yên tại một vị trí mà không thể đứng dậy, thói quen rung chân sẽ xuất hiện. Những khu vực chịu trách nhiệm khả năng nhận thức và vận động nằm chồng chéo vào nhau trong não và kích thích chân ta hoạt động khi trí óc đang làm việc.
Ngoài ra, việc làm này còn là một cách giúp ta giải phóng năng lượng thần kinh khi cơ thể gặp căng thẳng. Đây cũng lý giải cho việc nhiều người có xu hướng rung chân khi gặp áp lực và căng thẳng.
Cảm giác hồi hộp hoặc buồn chán
Ta cũng có thể rung chân nếu cảm thấy bồn chồn hay chán nản. Điều này thường xảy ra với những người hiếu động và không thoải mái khi phải ngồi yên một chỗ. Thói quen này như là một cách để họ đối phó với tình trạng trên.
Cuộc sống luôn chạy theo nhịp độ rất nhanh và nhờ các công cụ tiện ích tăng sự tương tác giữa con người với nhau, ta luôn nhận được một sự kích thích vô cùng lớn. Nếu đột ngột mất đi sự kích thích ấy, cơ thể sẽ phải bù lại bằng chính hoạt động rung lắc những bộ phận cơ thể.
Sử dụng những thực phẩm có chứa chất tăng lực, kích thích
Các chất kích thích như nicotine hoặc caffeine thường gây tác động lên hệ thần kinh và khiến ta lo lắng, bồn chồn. Nếu thường xuyên dung nạp các chất này vào cơ thể thì bạn có khả năng trở thành một người hay rung chân.
Rung chân do vấn đề về sức khỏe
Một vài rối loạn về sức khỏe sau có thể gây ra tình trạng rung chân:
- Hội chứng chân không yên (RLS): Những người mắc phải hội chứng này thường gặp khó chịu khi đôi chân của họ luôn rung lắc một cách không thể kiểm soát. Triệu chứng sẽ rõ hơn trong lúc người bệnh không phải hoạt động chân nhiều như khi đang ngồi nghỉ ngơi hoặc nằm trên giường.
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Đây là một rối loạn trong hệ thần kinh và sẽ gây ra tình trạng hiếu động thái quá. Những người mắc hội chứng này thường không thể ngồi hay nằm yên một chỗ trong một khoảng thời gian mà luôn muốn di chuyển và hoạt động. Chính vì vậy, họ thường rung chân như là một cách để trấn an.
- Bệnh tự kỷ: Một triệu chứng của tự kỷ là người đó hay có hành vi lặp đi lặp lại. Đây phần lớn xuất phát từ sự tự kích thích và gây ra tình trạng ngồi rung chân.
Bạn có thể làm gì nếu bản thân rung chân không kiểm soát?
Đầu tiên, bạn phải xác định đâu là nguyên nhân gây rung chân ở bản thân để tìm hướng điều trị phù hợp. Sau đây là một số phương pháp có thể giảm bớt tình trạng này:
Nếu bạn mắc hội chứng chân không nghỉ (RLS)
Trước hết, việc bạn có hội chứng này hay không phải được chẩn đoán bởi bác sĩ có chuyên môn và nên tuân thủ phương pháp điều trị do bác sĩ đề ra. Nếu các triệu chứng bạn gặp phải không nặng, có thể tự điều chỉnh bằng các hoạt động làm sao nhãng như tập yoga, tập thể dục, ngồi thiền hoặc ngâm mình trong nước nóng.
Trong trường hợp hội chứng trở nặng và các hoạt động làm phân tâm không có tác dụng, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc. Thông thường, đó là những loại thuốc có khả năng kích thích các đường dẫn dopamine trong não và sẽ giúp giảm các triệu chứng khó chịu.
Một số loại thuốc có thể được sử dụng trong trường hợp này là: Thuốc chống động kinh, thuốc giảm đau, thuốc ngủ,… Trong đó, đặc biệt thuốc điều trị bệnh Parkinson hay co giật sẽ giảm được những ám ảnh dai dẳng, giúp bạn không còn bị thôi thúc phải rung chân liên tục.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng sẽ phải căn cứ vào tình trạng bệnh của từng người để đưa ra loại thuốc phù hợp nhất. Ngoài ra, bạn có thể ghi chú lại những gì đã xảy ra trước khi xuất hiện các triệu chứng vào một cuốn sổ, giúp bác sĩ xác định dễ dàng tác nhân ban đầu và từ đó có hướng điều trị hiệu quả hơn.
Đối với trường hợp rung chân do nồng độ adrenaline từ cơ thể
Quá nhiều adrenaline trong cơ thể cũng là một lý do khiến người ngồi hay rung chân. Bạn có thể phân tán chất này cho những hoạt động khác để giảm khả năng bị rung chân như:
- Thực hiện các bài tập thở, hít thở sâu, thở chậm
- Hét lên (Lưu ý là bạn chỉ nên thực hiện khi đang ở một mình để tránh ảnh hưởng đến người xung quanh)
- Chạy bộ
Ngoài ra, thói quen rung chân sẽ khó thuyên giảm nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước và các chất dinh dưỡng cần thiết. Do đó, hãy thiết lập một chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên bổ sung nước cho cơ thể, bạn nhé!
Như vậy, với câu hỏi rung chân có phải là bệnh lý hay không thì câu trả lời sẽ là tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, bạn hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nếu hành động rung chân gây cản trở nhiều đến cuộc sống hàng ngày và không thể tự thuyên giảm.