Mẹ và Con - Tự kỷ là gì và đâu là những biểu hiện của bệnh tự kỷ ở trẻ em? Liệu làm thế nào để biết được một đứa trẻ có mắc bệnh tự kỷ hay không? Có rất nhiều những vấn đề liên quan đến chứng tự kỷ mà nhiều bố mẹ chưa được giải đáp dẫn đến việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ sai cách. 

Tự kỷ là các rối loạn phát triển thần kinh khiến trẻ kém phát triển trong giao tiếp, nhận thức, trí tuệ,… Cùng tìm hiểu ngay 7 sự thật xoay quanh bệnh tự kỷ ở trẻ em trong bài viết sau đây bạn nhé!

Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro dẫn đến bệnh tự kỷ ở trẻ em

Việc tiếp xúc với một số loại thuốc nhất định trước khi sinh và một số hội chứng di truyền hiếm gặp có thể gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em với một tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, đối với hầu hết các trường hợp trẻ mắc bệnh tự kỷ thì nguyên nhân chính xác vẫn chưa được phát hiện.

Nguyên nhân đã biết

Một số nghiên cứu chứng minh sự khác biệt giữa bộ não của những người mắc chứng tự kỷ và những người khác. Những người mắc chứng tự kỷ dường như có bộ não lớn hơn và dường như họ cũng xử lý thông tin khác đi. 

Bệnh tự kỷ được cho là không thể liên quan đến một nguyên nhân cụ thể. Một số nguyên nhân được biết đến có thể dẫn đến bệnh tự kỷ bao gồm:

  • Người mẹ sử dụng thuốc chống động kinh trong thời kỳ mang thai
  • Các vấn đề liên quan đến rối loạn di truyền

Các yếu tố rủi ro

Ngoài những nguyên nhân hiếm gặp kể trên, một số nghiên cứu đã chỉ ra trẻ có nguy cơ tự kỷ cao nếu phụ nữ sinh con khi đã lớn tuổi. Ngoài ra, môi trường sống ô nhiễm cùng nhiều vấn đề khác cũng được xếp vào nhóm yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Một số yếu tố rủi ro khác đang được nghiên cứu bao gồm:

  • Giới tính: Tự kỷ có khả năng xảy ra ở bé trai cao gấp 4 lần so với bé gái
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tự kỷ
  • Sinh non (trước 26 tuần tuổi thai)

Trong một số trường hợp, chứng tự kỷ có thể liên quan đến các vấn đề trong hệ thống miễn dịch. Những người mắc chứng tự kỷ thường có các vấn đề về thể chất liên quan đến sự suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, Viện Y tế Quốc gia (NIH) cho biết hiện vẫn chưa đủ bằng chứng để có thể kết luận về vấn đề này.

Bên cạnh đó, cũng có một số bằng chứng cho thấy trẻ tự kỷ dễ gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, dị ứng và không dung nạp thức ăn hơn những trẻ khác. Tuy nhiên không có bằng chứng nào cho thấy những chứng bệnh này gây ra chứng tự kỷ. 

nguyên nhân bệnh tự kỷ ở trẻ em

Bệnh tự kỷ có thể di truyền

Các gen rất có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh tự kỷ ở trẻ em. Trẻ em có anh chị em hoặc bố mẹ từng mắc chứng tự kỷ có nhiều khả năng mắc chứng bệnh này hơn.

Thế nhưng bạn cũng cần phải lưu ý rằng các yếu tố di truyền không phải là bức tranh toàn cảnh. Như Mẹ và Con đã chia sẻ ở trên, các yếu tố môi trường cũng liên quan đến sự phát triển của bệnh tự kỷ.

Không có vắc xin ngừa bệnh tự kỷ ở trẻ em

Hiện nay, đã có rất nhiều loại vắc xin ra đời nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ và giúp trẻ tránh xa khỏi các loại bệnh tật khác nhau như vắc xin thủy đậu, vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin sởi – quai bị – rubella, vắc xin bại liệt,…

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bất kỳ loại vắc xin nào có thể phòng ngừa hay ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Vắc xin cũng không gây ra bệnh tự kỷ

Một số giả thuyết cho rằng việc mẹ tiêm phòng vắc xin trong thai kỳ hoặc trẻ sơ sinh khi được tiêm các loại vắc xin chính là nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em.

bệnh tự kỷ

Trên thực tế, vắc xin không gây bệnh tự kỷ. Đây là một kết luận đã được khẳng định lại qua nhiều nghiên cứu khoa học và được cộng đồng y khoa ủng hộ mạnh mẽ.

Trẻ tự kỷ trông rất giống với những đứa trẻ khác

Nếu một người nói với bạn rằng bạn đang gặp một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, thật khó để có thể xác minh câu nói đó là đúng hay sai. Bạn không thể nhận ra một đứa trẻ tự kỷ qua vẻ ngoài của chúng. Trẻ tự kỷ trông không khác bất kỳ ai khác. Trẻ tự kỷ có thể im lặng hoặc ít nói, thông minh hoặc kém phát triển trí tuệ. Hành vi của trẻ có thể kỳ quặc hoặc hung hăng. Họ có thể học tập tốt hoặc không giỏi trong việc học như những bạn khác cùng trang lứa.

Có thể nói, việc chẩn đoán bệnh tự kỷ ở trẻ em là vô cùng khó khăn bởi trẻ có thể trông giống như những đứa trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, như tất cả những gì đã nói, trẻ tự kỷ sẽ có những đặc điểm riêng nhất định. Điều quan trọng là chúng ta có thể nhận ra những khác biệt này hay không vì chúng tương đối giống với những đứa trẻ bình thường.

Ví dụ, một đứa trẻ bình thường vẫn có thể ít nói và nhút nhát khiến bố mẹ lo lắng. Tuy nhiên, quan sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy một đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em không chỉ nhút nhát mà còn hoàn toàn không giao tiếp với bất kỳ ai.

trẻ tự kỷ

Vậy đâu là những dấu hiệu của bệnh tự kỷ ở trẻ em?

  • Trẻ tự kỷ hầu như luôn có một số khác biệt về giọng nói. Trẻ có thể hoàn toàn không nói được, nói chậm, nói với giọng điệu bất thường (ví dụ như giọng đều đều), hoặc trẻ có thể ghi nhớ và lặp lại các bài phát biểu từ truyền hình theo đúng nghĩa đen. Trẻ cũng có thể nói rất nhanh, nói đi nói lại cùng một điều hoặc sử dụng ngữ pháp sai ngay cả khi trẻ đủ lớn để nói đúng.
  • Trẻ tự kỷ luôn gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội. Những điều này có thể xuất hiện theo nhiều cách khác nhau. Trẻ có thể không bao giờ muốn tương tác với bất kỳ ai, thích quay tròn, xếp các đồ vật hoặc liên tục xả nước trong nhà vệ sinh. Hoặc trẻ có thể muốn tương tác mọi lúc và không biết khi nào là đủ. Trẻ có thể khăng khăng muốn đi theo con đường của riêng mình và làm theo sở thích của mình mọi lúc hoặc trẻ có thể rất thụ động. Trẻ tự kỷ thường mất nhiều thời gian hơn so với các bạn bình thường để học cách chơi với những đứa trẻ khác.
  • Hầu hết trẻ tự kỷ đều có một số loại rối loạn chức năng cảm giác. Trẻ có thể muốn tránh tiếng ồn lớn, bị phân tâm bởi âm thanh hay cả những chuyển động nhỏ. Hoặc trẻ sẽ cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng hay cảm thấy vô cùng khó chịu khi ngửi các mùi hương quá nồng. Nhiều trẻ còn có phản ứng đau đầu, buồn nôn khi phải ngửi những mùi hương này. 
  • Tình trạng bệnh tự kỷ ở trẻ em còn khiến trẻ luôn trong trạng thái hoạt động và di chuyển. Dù không phải luôn luôn nhưng hầu hết các khoảng thời gian trong ngày khi trẻ không ngủ thì trẻ sẽ làm một hành động gì đó và không thể ngồi yên được. Trẻ có thể mút ngón tay cái, cắn móng tay hoặc xoắn tóc, vỗ tay, lắc lư,…
  • Trẻ tự kỷ cư xử khác với các bạn đồng trang lứa. Trong khi những đứa trẻ bình thường có thể nổi cơn giận dữ để đạt được mục đích của mình, thì trẻ tự kỷ có nhiều khả năng nổi cơn thịnh nộ hoặc giận dữ hơn vì chúng bị choáng ngợp, thất vọng hoặc không thể truyền đạt nhu cầu của mình. Trẻ cũng có khả năng “trẻ so với tuổi”, gắn bó với những sở thích “trẻ con” khi các bạn cùng trang lứa với mình đã trưởng thành. 
  • Hành vi cũng khác nhau ở trẻ mắc bệnh tự kỷ và một đứa trẻ bình thường. Trẻ tự kỷ thường nói hoặc làm lặp đi lặp lại những điều giống nhau theo cùng một cách hoặc bị “mắc kẹt” trong một suy nghĩ, ý tưởng, tương tác hoặc mong muốn nào đó. Trẻ thường phát triển theo các thói quen và rất khó chịu khi các thói quen bình thường bị thay đổi. Trẻ có nhiều khả năng trở nên xúc động trước những điều nhỏ nhặt. Trong một số trường hợp, trẻ tự kỷ có thể trở nên hung hăng hoặc tự ngược đãi bản thân chỉ vì đôi giày của mình đã được để ở một ngăn kệ khác.
  • Trẻ tự kỷ chơi khác với những đứa trẻ khác. Trẻ có thể chơi một mình và cảm thấy khó khăn hoặc thậm chí không thể tham gia chơi với những đứa trẻ khác. Những đứa trẻ tự kỷ thường không có khả năng chơi các trò chơi xã hội như rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột,… và có thể thấy khó tuân theo các quy tắc của các môn thể thao như bóng đá hoặc bóng chày.

dấu hiệu trẻ tự kỷ

Dấu hiệu cần lo lắng về bệnh tự kỷ ở trẻ em

Sự thật là có rất nhiều dấu hiệu “giống tự kỷ”, mặc dù chúng có thể hơi đáng lo ngại, nhưng không đáng để lo lắng thực sự. Ví dụ như:

  • Con bạn hơi “lạc hậu” khi nói đến các kỹ năng xã hội
  • Con bạn hơi nhút nhát, vụng về hoặc chậm nói so với các bạn cùng trang lứa.
  • Vốn từ vựng của trẻ khi lên ba tuổi không nhiều như những đứa trẻ khác.

Vậy với trẻ tự kỷ, những dấu hiệu nào là dấu hiệu đáng để lo lắng? Một số dấu hiệu “báo động” ở trẻ tự kỷ mà bạn cần lo lắng gồm có:

  • Trẻ hoàn toàn không giao tiếp với bất kỳ ai: Nhiều đứa trẻ thường chậm nói hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể sử dụng các hành vi như chỉ tay, nắm tay bố mẹ, lắc đầu,… để giao tiếp. Còn trong trường hợp trẻ đã tập đi và biết đi nhưng không hề có bất kỳ hoạt động nào để giao tiếp với những người xung quanh thì đây là một biểu hiện vô cùng đáng lo ngại và bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. 
  • Trẻ “nổi điên” khi thói quen bị thay đổi: Một dấu hiệu mà bố mẹ không nên phớt lờ khi nhắc đến chứng bệnh tự kỷ ở trẻ em chính là thấy trẻ bày tỏ sự tức giận quá mức khi bất kỳ một thói quen nào đó của mình vô tình bị thay đổi, dù chỉ một chút. Chẳng hạn như bình thường trẻ sẽ xếp các món đồ chơi theo thứ tự 1-2-3-4-5 nhưng bỗng một hôm bạn vô tình đảo ngược trật tự này và xếp thành 1-3-2-4-5. Lúc này, trẻ sẽ có các biểu hiện vô cùng tức giận hay cực kỳ suy sụp tinh thần thì đây là một điều vô cùng đáng quan ngại.
  • Trẻ không ăn uống bất cứ thứ gì: Bệnh tự kỷ ở trẻ em có thể khiến trẻ gặp vấn đề trong việc giao tiếp với những người xung quanh và yêu thích việc ở một mình. Trẻ vẫn có hứng thú với một số thứ nhất định, dù đôi lúc sự hứng thú của con có phần khác biệt hơn. Và trẻ vẫn có thể ăn uống như bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ bỗng dưng không còn muốn ăn uống gì và từ chối cả việc ăn uống thì đây là một tín hiệu nguy hiểm mà bạn không nên chủ quan.

hành vi của trẻ tự kỷ

6 tình trạng sức khỏe thường gặp ở bệnh tự kỷ ở trẻ em

Tự kỷ chủ yếu là một rối loạn về giao tiếp và hành vi. Tuy nhiên, căn bệnh tự kỷ ở trẻ em thường đi kèm với một số bệnh lý về thể chất và rối loạn sức khỏe tâm thần. Hiện chưa rõ chính xác tự kỷ gây ra những triệu chứng này hay chỉ liên quan đến chúng. 

Các thống kê và nghiên cứu cho thấy, trẻ em mắc bệnh tự kỷ thường gặp các vấn đề về sức khỏe sau đây:

  • Các vấn đề về dạ dày-ruột: Trẻ tự kỷ có nguy cơ mắc các vấn đề về dạ dày và đường ruột cao gấp 8 lần so với những trẻ khác, bao gồm đau bụng, tiêu chảy, táo bón và đau khi đi đại tiện. 
  • Co giật: Gần một phần tư trẻ em bị tự kỷ mắc chứng rối loạn co giật như chứng động kinh. Các cơn co giật có thể bao gồm các co giật toàn thân hoặc ngất xỉu.
  • Các vấn đề về giấc ngủ: Nghiên cứu cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ, đặc biệt là chứng mất ngủ với tỷ lệ cao hơn từ 40% đến 80% so với những trẻ không mắc chứng rối loạn này. Ngoài ra, trẻ có thể khó ngủ hoặc thường xuyên thức dậy trong đêm.
  • Lo lắng và trầm cảm: Những đứa trẻ bị tự kỷ có khả năng căng thẳng, lo lắng và trầm cảm cao hơn. Điều này có thể là do trẻ có khả năng nhận thức được rằng mình khác biệt so với những người khác và lo sợ bị tẩy chay.
  • Thiếu chú ý và các vấn đề về hành vi: Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), có  hành vi hung hăng và khó tập trung,… là những biểu hiện thường gặp ở trẻ khi mắc bệnh tự kỷ.
  • Bệnh tâm thần: Trẻ bị tự kỷ cũng có thể mắc chứng rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, không phải trẻ tự kỷ nào cũng mắc các chứng bệnh tâm thần này.

Hy vọng thông qua 7 thông tin liên quan đến bệnh tự kỷ ở trẻ em mà Mẹ và Con chia sẻ, bạn sẽ có góc nhìn chính xác hơn về căn bệnh này cũng như biết cách làm thế nào để chăm sóc trẻ tự kỷ tốt nhất. Trẻ tự kỷ có những hành vi và biểu hiện khác hơn so với những đứa trẻ khác, vì thế hãy thật sự kiên nhẫn và cố gắng trong việc nuôi dạy con bạn nhé!

Bài viết liên quan