Mẹ và Con - Thực đơn ăn uống hằng ngày quyết định rất nhiều đến sức khỏe. Một chế độ ăn uống khoa học không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật. Vì vậy, Mẹ và Con sẽ mách bạn cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh giúp bảo vệ sức khỏe.

Dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sau này, nếu áp dụng chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp tăng cường sức khỏe hạn chế nhiều bệnh mạn tính khi có tuổi. Ngược lại khi xây dựng chế độ ăn uống kém lành mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Lợi ích khi ăn uống khoa học

Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và tạo thành thói quen sẽ mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho cơ thể:

Đẩy lùi nhiều bệnh tật và phòng tránh ung thư

Một chế độ ăn uống lành mạnh, an đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch. Từ đó sẽ tăng cường khả năng chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Nhờ vậy sẽ giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh cũng như phòng ngừa được ung thư.

Không cần bổ sung thêm thuốc bổ

Thuốc bổ dùng để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Tuy nhiên khi áp dụng các chế độ ăn uống lành mạnh thì cơ thể đã được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy sẽ không cần bổ sung thêm thuốc bổ. 

Giúp hệ tiêu hóa luôn được khỏe mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học sẽ bao gồm ăn chín, uống sôi và bổ sung nhiều trái cây, rau xanh. Trong các loại thực phẩm này thường chứa nhiều chất xơ rất có lợi cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón hiệu quả. 

ăn uống lành mạnh

Tốt cho vóc dáng và làn da

Các chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giảm chất béo và những chất không tốt cho cơ thể, đồng thời tăng cường những thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, khi kết hợp với chế độ tập luyện hợp lý sẽ giúp vóc dáng thon gọn và làn da đẹp hơn. 

Nguyên tắc ăn uống khoa học

Ăn theo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể

Mỗi cơ thể sẽ có một nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: độ tuổi, sức khỏe, công việc, giới tính… Tất cả những yếu tố này sẽ góp phần tạo nên một chế độ dinh dưỡng khác nhau. Từ đó sẽ xây dựng được chế độ ăn uống phù hợp cho cơ thể. Chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ đảm bảo nguồn năng lượng để duy trì các hoạt động hàng ngày.

Bổ sung đầy đủ nhóm dinh dưỡng

Tuy rằng mỗi cơ thể sẽ có một chế độ dinh dưỡng khác nhau, nhưng bạn cần đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất:

  • Tinh bột: Đây là nhóm dinh dưỡng giúp cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể. Tinh bột thường bao gồm các thực phẩm quen thuộc như: gạo, bắp, khoai…
  • Chất đạm: Hay còn gọi là protein, đây là nhóm dinh dưỡng quan trọng cần thiết để cơ thể. Đạm có nguồn gốc từ động vật như: Thịt, cá, trứng, sữa… hay đạm từ thực vật như: ngũ cốc, đậu, các loại hạt…
  • Chất béo: Mỡ động vật hoặc dầu thực vật
  • Vitamin và khoáng chất: Trái cây, rau xanh, các loại củ

Để giữ cơ thể luôn khỏe mạnh, bạn cần bổ sung đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng trên vào thực đơn ăn uống hàng ngày của mình. Mỗi ngày bạn nên ăn đủ 3 bữa chính. Bên cạnh đó bạn có thể bổ sung thêm 1 – 2 bữa phụ (tùy vào nhu cầu của cơ thể). Tuyệt đối không được bỏ bữa sáng hay ăn quá no vào bữa tối.

Không nên ăn mặn

Đây là nguyên tắc quan trọng khi ăn uống khoa học, được áp dụng cho cả trẻ em và người lớn. Mặc dù muối là gia vị quan trọng và không thể thiếu. Tuy nhiên các bạn chỉ nên sử dụng một lượng cực nhỏ bởi mỗi ngày cơ thể trưởng thành chỉ nên bổ sung khoảng 6 – 8gr muối. Chế độ ăn uống nhiều muối và quá mặn có nguy cơ ảnh hưởng đến bệnh tim mạch, huyết áp cao.

Đối với trẻ nhỏ, lượng muối trong thực phẩm cần được kiểm soát chặt chẽ hơn vì các cơ quan trong cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, đặc biệt là thận. Nếu trẻ ăn quá mặn sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thận, đồng thời hình thành thói quen ăn uống không tốt sau này. Bé dưới 1 tuổi, hoàn toàn không cần nêm muối vào thức ăn dặm. Bé 1 – 2 tuổi, chỉ ăn muối với lượng cực ít, từ 0,3 – 2,3gr/ ngày. 

Bên cạnh việc giảm lượng muối khi nấu ăn, bạn nên tránh những thực phẩm chứa nhiều muối như: mắm tôm, khô bò, khô mực, khoai tây chiên lắc muối… hay các thực phẩm đóng gói sẵn thường chứa nhiều muối để tăng thời hạn sử dụng không tốt cho sức khỏe.

*Thói quen của nhiều người Việt là thường chuẩn bị sẵn chén nước chấm (nước tương hay nước mắm) trong mâm cơm, hay dùng muối để ăn cùng trái cây. Thói quen này vô tình khiến cơ thể tiếp thu muối nhiều hơn mức cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe.

thực đơn khoa học

Hạn chế ăn đường

Đường đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể. Đồng thời, đường sẽ giúp quá trình tiêu hóa thức ăn và trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu bổ sung nhiều đường vào cơ thể sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Mức nhẹ có thể suy giảm hệ miễn dịch, nếu nặng hơn sẽ dần đến tiểu đường, béo phì, tim mạch… Đó là lý do khi bạn xây dựng chế độ ăn uống khoa học, nên giảm lượng đường trong thực phẩm để đảm bảo sức khỏe và giảm nguy cơ bệnh tật.

Ăn béo vừa phải

Tuy rằng chất béo nằm trong 4 nhóm chất dinh dưỡng cần bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Vì đây là dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng. Tuy nhiên, cơ thể chỉ nên dung nạp một lượng chất béo vừa đủ. Bên cạnh đó, bạn nên ưu tiên chất béo từ thực vật và hạn chế chất béo từ động vật. Điều này sẽ giúp cơ thể phòng tránh nguy cơ béo phì, tăng huyết áp, tim mạch và nhiều bệnh lý liên quan khác.

Ăn nhiều rau, củ, quả

Dù bạn đang theo bất kỳ chế độ ăn uống nào thì vẫn phải nhớ nguyên tắc ăn uống khoa học quan trọng là tăng cường rau củ quả trong thực đơn hàng ngày. Bởi những thực phẩm này thường chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho thể. Cụ thể nhóm thực phẩm này chứa rất nhiều chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa, thúc đẩy quá trình thanh lọc cơ thể và thải độc hiệu quả. Đặc biệt các loại trái cây và rau màu xanh, vàng chứa nhiều beta-caroten giúp phòng chống bệnh ung thư và đẩy lùi bệnh tật.

Uống đủ nước mỗi ngày

Nước mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe, giúp duy trì sức khỏe thể chất, hỗ trợ tinh thần tỉnh táo, cải thiện và phòng ngừa bệnh đường tiết niệu. Đồng thời chống táo bón, hỗ trợ làm đẹp da… Vì vậy, việc uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 1.5 – 2 lít) sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và đầy năng lượng.

Ðảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Một yếu tố quyết định chế độ ăn uống khoa học là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi thực phẩm bẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, gây ngộ độc và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Chính vì vậy bạn chỉ nên dùng thực phẩm tươi xanh, nguồn gốc rõ ràng, chế biến cẩn thận (ăn chín, uống sôi) để loại bỏ các vi khuẩn có hại.

ăn uống khoa học

Hy vọng với những thông tin mà Mẹ và Con cung cấp trên đây, bạn sẽ hiểu thêm những yếu tố để xây dựng chế độ ăn uống khoa học tốt cho sức khỏe để áp dụng cho bản thân và gia đình. Từ đó sẽ sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh tật.

Bài viết liên quan