Bỏng là một tai nạn thường gặp trong đời sống hàng ngày, nhất là trong gia đình. Nhưng may mắn là hầu hết trường hợp chúng ta có thể ngăn ngừa được bằng nhiều cách. Bỏng thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, người già và tăng đột biến vào những ngày gia đình tập trung như cuối tuần, ngày nghỉ, lễ hội…
Khi bé bị bỏng, nhiều ba mẹ tỏ ra rất lo lắng và chính điều này dẫn đến việc xử lý không tốt, khiến bé bị đau, bị nhiễm trùng và có thể gặp những biến chứng phức tạp. Vậy bé bị bỏng phải làm sao? Cùng khám phá với Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Bỏng – mối nguy hiểm tiềm ẩn trong gia đình
Bỏng là một loại chấn thương đối với da hoặc các mô khác do nguyên nhân tiếp xúc với nguồn nhiệt, điện, hóa chất hay bức xạ. Thông thường, trẻ nhỏ dễ gặp nhất là tai nạn bỏng do nhiệt, điện và hóa chất trong gia đình.
Phân loại bỏng
Trước khi tìm hiểu bé bị bỏng phải làm sao, chúng ta nên hiểu rõ hơn về tai nạn này. Tùy thuộc vào độ sâu của vết bỏng mà chúng có những đặc tính riêng. Thông thường, bỏng gây đau trong 2-3 ngày và bong tróc ra vài ngày sau đó.
Nếu bị bỏng nặng, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau, tê, ngứa. Đặc biệt với trẻ nhỏ, bỏng sẽ gây ngứa ngáy trong quá trình điều trị và gây ra nhiều khó khăn hơn khi chăm sóc.
Bỏng thường có 4 giai đoạn là sốc bỏng, nhiễm độc bỏng, suy mòn bỏng và hồi phục. Bỏng được phân làm 4 loại xếp thứ tự từ bỏng độ 1, độ 2, độ 3 và nặng nhất là độ 4.
Bỏng nguy hiểm ra sao
Bên cạnh những nguy hiểm mà chúng ta thường nghĩ đến về mặt thẩm mỹ thì bỏng còn tổn hại đến sức khỏe của trẻ rất nhiều, nhất là khi bị bỏng sâu.
Nếu không được xử lý và điều trị kịp thời, đúng cách, trẻ có thể gặp vấn đề về xương khớp do mô sẹo biến chứng làm cho cơ khó cử động, khớp bị lệch… Nghiêm trọng hơn, bỏng còn có thể gây nhiễm trùng huyết dẫn đến suy tạng, gây sốc, thậm chí là dẫn đến nguy cơ tử vong.
3 loại bỏng thường gặp
Bỏng nhiệt
Đây là loại bỏng thường thấy nhất trong gia đình, chiếm khoảng 30% số ca bỏng ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Ở mỗi gia đình, nguồn nhiệt gây bỏng có thể ở dạng chất lỏng hoặc khí như bếp nóng, dụng cụ chứa thức ăn nóng, vòi nước nóng, hơi nước nóng. Trong ngày tết, nguồn gây bỏng nhiệt cho trẻ cũng có thể đến từ thuốc pháo của các loại pháo hoa, nến …
Rất may là những trường hợp bỏng nhiệt trong gia đình thường khá nhẹ, ở độ 1-2 nên không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là trong gia đình không có những trường hợp bỏng nhiệt nặng.
Bởi trên thực tế một số trẻ bị bỏng nặng, từ độ 3 trở lên do tiếp xúc với nguồn nhiệt lớn như ngã vào nồi nấu nước sôi, nồi chảo to đang đun nấu phục vụ cho kinh doanh dịch vụ ăn uống…
Bỏng điện
Trừ một số trường hợp bỏng điện cao thế với điện áp cao (lớn hơn 1.000v) thì hầu hết trẻ nhỏ gặp tai nạn là do các sợi dây điện, bóng đèn, ổ cắm có trong gia đình.
Thông thường, đó là các vật dụng dùng điện sử dụng trong nhà như quạt điện, ti vi, dây sạc điện. Ở một số khu vực có khí hậu lạnh, trẻ có thể bị bỏng điện từ các loại thiết bị như đèn sưởi ấm nhà tắm, xông hơi. Đặc biệt, với các gia đình có trưng đèn ở ban thờ, chậu cây cũng là nguyên nhân khiến cho trẻ dễ bị bỏng điện.
Xét về mức độ, bỏng điện thường sâu hơn bỏng nhiệt và có thể bỏng tại chỗ hay bỏng toàn thân do điện dẫn truyền khắp cơ thể. Vị trí thường gặp của bỏng điện ở trẻ nhỏ là bàn tay, bàn chân hoặc miệng, môi do trẻ ngậm vào dây dẫn.
Tổn thương của bỏng điện là các đốm da hoại tử hình tròn hay hình bầu dục, màu vàng đục và xám đen. Thông thường thì nếu không có kiến thức chuyên môn về y khoa, bạn sẽ rất khó nhận biết giới hạn và mức độ của tổn thương do bỏng điện gây ra.
Bỏng hóa chất
Một trong những loại bỏng nguy hiểm khác mà con bạn có nguy cơ phải đối mặt đó chính là bỏng hóa chất. Trẻ thường bị bỏng hóa chất tẩy rửa, dung môi pha chế do hít vào, uống vào.
Theo thống kê, bỏng hóa chất chiếm khoảng 2-11% trường hợp bị bỏng, nhưng lại gây tử vong đến 30% các ca có liên quan. Trong đó, các loại hóa chất khiến cho trẻ bị bỏng thường là kiềm, axít mạnh như H2SO4, HCl, HNO3 và một số muối kim loại nặng.
Mức độ tổn thương do hóa chất gây ra tùy thuộc vào đặc tính hóa học, nồng độ hóa chất, thời gian tác dụng, đặc điểm vùng cơ thể bị thương. Khi bị bỏng hóa chất, trẻ sẽ có cảm giác nóng rát, sau đó là đến đau. Màu sắc của vết thương do bỏng có thể là nâu, trắng, xanh sẫm, vàng nâu hay vàng đỏ tùy thuộc vào loại hóa chất mà trẻ tiếp xúc.
Xem thêm: Cách xử lý thông minh khi con uống nhầm hóa chất
Tuy nhiên, đó là với những vết bỏng ngoài da, nếu trẻ bị bỏng phía bên trong dạ dày vì ăn nhầm hay uống nhầm các loại hóa chất có thành phần axít sử dụng trong gia đình thì tình trạng sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều và cần phải có sự can thiệp của các bác sĩ càng sớm càng tốt.
Bé bị bỏng phải làm sao? Cách sơ cứu và chăm sóc như thế nào?
Đến lúc này, hẳn bạn đã hình dung được bỏng sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp như thế nào cho bé. Vì thế, trong gia đình phải luôn đảm bảo an toàn nơi trẻ sinh hoạt, dự phòng những tình huống rủi ro và có cách xử lý phù hợp.
Nếu chẳng may bé bị bỏng phải làm sao, bạn cần nhớ các bước sơ cứu một cách đơn giản dưới đây để hỗ trợ cho việc điều trị bỏng về sau tốt hơn:
– Làm mát vết bỏng càng sớm càng tốt để làm giảm độ sâu và cảm giác đau rát. Tốt nhất là dùng nước mát từ có nhiệt độ từ 10 – 25°C xả lên vết bỏng trong 10-15 phút. Nếu vết bỏng nhỏ và nông, bạn có thể theo dõi thêm tại nhà, nhưng nếu vết bỏng sâu, kích thước lớn, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ quan y tế.
– Với trẻ bỏng điện, người thân phải tìm cách ngắt dòng điện bằng vật cách điện để tách nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm và kiểm tra hiện trạng. Nếu cần, phải tiến hành hô hấp nhân tạo và ấn ngực cho tim đập trở lại, rồi mới đưa đi cấp cứu.
– Trong trường hợp trẻ bị bỏng hóa chất, bạn nên tháo bỏ quần áo bị dính hóa chất và rửa liên tục bằng nước sạch, rửa càng nhiều càng tốt. Bạn cũng cần xác định được loại hóa chất mà trẻ bị bỏng là gì để cung cấp thông tin cho bác sĩ nhanh chóng nhận diện và có hướng điều trị.
Những lưu ý khi bé bị bỏng
– Để trả lời cho câu hỏi bé bị bỏng phải làm sao, nhiều mẹ thường trả lời là chườm lạnh. Tuy nhiên, mẹ cũng nên thận trong với cách sơ cứu này. Chỉ nên chườm lạnh với vết thương kín, chườm gián đoạn hoặc bọc vào túi chườm.
– Nếu dùng đá lạnh trực tiếp chườm vết bỏng có thể khiến cho tình trạng trầm trọng hơn bởi các tinh thể đá sẽ làm đông cứng tế bào, gây tổn thương hoại tử ướt, nhất là khi chườm hơn 30 phút.
– Bằng mắt thường, bạn có thể nhận biết mức độ bỏng qua màu sắc vùng bị tổn thương. Bỏng bề mặt thường có màu đỏ. Bỏng nặng có thể có màu hồng, màu trắng hoặc đen.
Thắc mắc bé bị bỏng phải làm sao của bạn đã được tháo gỡ rồi đúng không nào? Tuy bỏng là một tai nạn phổ biến và phức tạp nhưng cũng không vì thế mà hoang mang ba mẹ nhé. Hãy bình tĩnh sơ cứu cho bé, tuyệt đối không đắp thuốc theo cách làm dân gian chưa được kiểm chứng để giữ an toàn cho bé.