Áp lực tiền bạc tác động không nhỏ đối với sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của chúng ta. Ngày nay, nhiều người bị cuốn theo vòng xoáy cơm áo gạo tiền, dẫn đến việc lúc nào cũng mệt mỏi lo âu…
Áp lực tiền bạc và câu chuyện sức khỏe tinh thần
Một số áp lực tiền bạc nhất định có thể hữu ích trong việc giúp bạn bạn ra quyết định đúng đắn cho bản thân của mình. Khi đứng trước vấn đề căng thẳng tài chính, bạn buộc phải tính toán, suy nghĩ làm sao để giải quyết được việc này và rất có thể, bạn sẽ bộc lộ được những khả năng chưa từng có hoặc đưa ra những quyết định không thể chính xác hơn.
Tuy nhiên, quá nhiều căng thẳng và áp lực tiền bạc có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của bạn. Hiện nay, nhiều người bị rối loạn lo âu, trầm cảm do liên tục nghĩ đến các vấn đề tài chính. Đặc biệt, những người đang chịu trách nhiệm tiền bạc chính cho cả gia đình sẽ luôn sống trong trạng thái căng thẳng bởi việc làm sao đảm bảo được kinh tế cho 1001 khoản chi tiêu hàng tháng.
Và những người chịu trách nhiệm chi tiêu hay còn có thể gọi vui là “thủ quỹ” trong nhà cũng là những người phải thường xuyên sống trong áp lực đối với việc cân đo đong đếm các khoản chi trong nhà sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu sống vừa đủ với số tiền hiện có mà có thể còn tiết kiệm tiền cho gia đình.
Theo thời gian, những căng thẳng, áp lực tiền bạc kéo dài sẽ tác động đến tâm trạng của bạn, khiến bạn thường xuyên trong trạng thái cáu gắt, không vui vẻ. Điều này cũng làm gia tăng tần suất cãi nhau giữa các thành viên trong gia đình, vợ chồng cãi nhau vì tiền, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, làm tăng khả năng ly hôn giữa các cặp đôi.
Sức khỏe kiệt quệ vì áp lực tiền bạc
Áp lực tiền bạc có thể góp phần gây ra các vấn đề lớn về giấc ngủ
Một trong những tác động mà áp lực tài chính có thể gây ra đối với sức khỏe của bạn chính là giấc ngủ bị gián đoạn hoặc mất ngủ thường xuyên. Mất ngủ là một trong những dấu hiệu chính cho thấy chúng ta đang mất cân bằng. Đó là cách cơ thể chúng ta phát ra âm thanh cảnh báo rằng có điều gì đó không ổn.
Áp lực tài chính khiến bạn phải sống trong trạng thái lo âu, căng thẳng – một trong những nguyên nhân dẫn đến mất ngủ hàng đầu. Bạn có thể ngủ chập chờn không sâu giấc, gặp ác mộng hay thường xuyên tỉnh dậy vào giữa đêm.
Xem thêm: Giải pháp nào cho người hay ngủ chập chờn
Ngoài ra, áp lực tiền bạc khiến con người ta có xu hướng làm việc nhiều hơn. Nhiều người sẵn sàng thức khuya hay thậm chí thức cả đêm để hoàn thành công việc làm thêm ở ngoài hay việc làm ngoài giờ với mong muốn cải thiện thu nhập của mình. Điều này khiến bạn không thể có một giấc ngủ ngon và tròn giấc.
Thường xuyên thiếu ngủ, mất ngủ sẽ dẫn đến hàng loạt rắc rối về sức khỏe như suy nhược cơ thể, đau nửa đầu, hoa mắt chóng mắt, không tập trung làm việc,…
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh mãn tính khác
Quá nhiều căng thẳng và áp lực tiền bạc cũng có thể gây ra những hậu quả lâu dài về sức khỏe thể chất. Đó là bởi vì các hormone căng thẳng cortisol và adrenaline gây ra một loạt phản ứng thể chất khiến nhịp tim của bạn nhanh hơn, cơ bắp căng thẳng và thở nhanh hơn, từ đó dẫn đến hàng loạt vấn đề như tăng huyết áp, cholesterol cao, đau cơ hay thậm chí là đột quỵ.
Trong một nghiên cứu về tác động của áp lực tiền bạc với sức khỏe, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia có mức độ áp lực tiền bạc từ trung bình đến cao có nhiều khả năng mắc các bệnh tim mạch hơn những người không có căng thẳng về tài chính.
Không chỉ vậy, áp lực tiền bạc còn khiến nồng độ hemoglobin A1C cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc cơ thể bạn kiểm soát đường huyết kém hơn.
Một số mẹo giúp bạn giải tỏa áp lực tiền bạc hiệu quả
Những vấn đề kể trên như một vòng lặp không hồi kết. Bạn càng áp lực tiền bạc, sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn càng suy giảm. Khi sức khỏe của bạn ở mức báo động, bạn buộc phải chi tiền để đến bệnh viện thăm khám và điều trị, khiến bạn lại càng thêm căng thẳng vấn đề tài chính.
Vậy, điều quan trọng là làm sao để đẩy lùi các áp lực tiền bạc của bản thân? Làm sao để bạn không còn gặp căng thẳng khi nhắc đến câu chuyện cơm áo gạo tiền? Bạn có thể thử một số mẹo sau:
- Trò chuyện về người bạn đời của mình: Ở mỗi vai trò khác nhau, dù là người chịu trách nhiệm kiếm tiền chính hay “thủ quỹ gia đình” thì cũng đều có những áp lực riêng mà rất có thể đối phương không thể hiểu được. Do đó, tất cả những gì bạn cần làm chính là trò chuyện, tâm sự với người bạn đời của mình để cả hai có thể hiểu và đồng cảm với nhau hơn. Điều này không chỉ giúp bạn giải tỏa buồn bực trong lòng mà khi cùng trò chuyện, cả hai có thể cùng đưa ra những giải pháp thiết thực hơn cho bài toán kinh tế gia đình.
- Lập kế hoạch chi tiêu: Việc tiêu xài nhưng không có kế hoạch dễ dẫn đến chi tiêu quá mức, thâm hụt tiền và lo lắng vì các vấn đề kinh tế. Để tránh áp lực tiền bạc, bạn nên lập kế hoạch chi tiêu theo năm, theo quý, theo tháng và theo tuần, theo dõi chi tiêu gia đình để điều chỉnh cho phù hợp.
- Áp dụng các biện pháp tiết kiệm: Sử dụng các món đồ đa chức năng, tái chế lại quần áo cũ hay đơn giản là tiết kiệm nước sẽ giúp bạn tiết kiệm kha phá các khoản chi tiêu cần thiết.
Áp lực tiền bạc là một vấn đề tồn tại trong nhiều gia đình ngày nay. Và có thể thấy, câu chuyện tiền bạc luôn là câu chuyện không nhỏ và có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Vì thế, hãy cố gắng cùng nhau giải quyết thay vì cố gắng gồng gánh mọi thứ một mình bạn nhé!