Mẹ&Con – Khi tình yêu không còn thì không nên níu giữ làm gì nữa. Ra đi để hạnh phúc hơn chứ không nên ở lại để giày vò, làm tổn thương nhau.

Ba mươi tuổi, tôi quyết định rời chồng. Mọi người trong gia đình đều sốc. Sốc vì cuộc hôn nhân của chúng tôi đã kéo dài những 12 năm, khi tôi mới 18 tuổi. Sốc vì tuy tôi còn “trẻ” (nếu xét về tuổi) nhưng đã là mẹ của 2 đứa con nhỏ, và đã có khoảng thời gian làm vợ đủ lâu đến mức khiến có chuyện gì người ta cũng dễ tặc lưỡi nghĩ thầm: “Thôi thì ráng sống vì con” chứ ngại đổi thay.

Ly hôn là cả quyết định khó khăn đối với tôi!

Buổi tối, khi một mình ngồi viết lá đơn xin ly hôn, tôi giật mình nhìn xuống ngón tay áp út. Ở đó có một chiếc nhẫn tôi đeo suốt 12 năm qua. Giờ tháo nó ra, có một vết lằn trắng trên da, như một minh chứng rằng tôi không dễ gì mà quên được. Tôi cưới rất sớm. Học vừa hết lớp 12 đã cưới. Chồng hơn tôi 4 tuổi, năm đó anh vừa tốt nghiệp đại học, về quê và gia đình hai bên hối thúc chúng tôi đến với nhau.

Suy nghĩ của một cô gái ở quê vốn rất giản đơn. Tôi xếp giấc mộng học lên cao lại, kết hôn, tí tởn với ngày cưới và áo váy cô dâu, trong sự chúc tụng của bạn bè. Sau đó, nhà chồng cho vợ chồng tôi một miếng đất nhỏ, một căn nhà cấp 4. Chồng xin được một chỗ làm nhà nước. Tôi ở nhà, chăn nuôi, trồng trọt, quán xuyến mái ấm nhỏ của mình. Chỉ một năm sau, tôi có thai bé đầu lòng. Ba năm sau đó, tôi có đứa con thứ hai. Cuộc sống của tôi nhanh chóng trở nên tất bật, với công việc nhà, với mấy con heo nuôi trong chuồng, với một vuông đất trồng rau, lặt vặt thêm vài chuyện buôn bán nhỏ và hai nách con, thế là cứ đều đặn qua ngày mà sống.

Mọi việc chỉ bắt đầu thay đổi khi chồng tôi được cơ quan cử lên thành phố làm việc. Chồng đâu vợ đó, chúng tôi dắt díu nhau, đưa hai con lên Sài Gòn. Cuộc sống tất bật ở Sài Gòn không phù hợp với tôi. Tôi vẫn chỉ ở nhà thuê, chăm con, nấu ăn, nhận thêm ít hàng gia công để làm, trong khi chồng tôi thì dần thích nghi và thay đổi nhanh chóng để hòa vào cuộc sống nơi đô hội.

Rồi chuyện gì đến phải đến. Sự cách biệt quá lớn về học thức, về vốn sống, về lối suy nghĩ được nuôi lớn dần theo những thăng tiến của anh. Anh không còn muốn giới thiệu tôi với bất kỳ ai trong cơ quan. Anh xem tôi giống như một bà vợ “quê mùa” luôn khiến anh ngượng ngùng, xấu hổ. Rồi tôi phát hiện anh có người khác – một cô đồng nghiệp trẻ đẹp và giỏi giang ở cùng cơ quan. Tôi phát hiện khi đã quá muộn, cô ấy đã có một mầm sống trong bụng, đến nói thật với tôi và đề nghị tôi… ly hôn để chồng tôi được “giải thoát”.

Tôi khóc, sốc và cười buồn. Ba mẹ chồng biết chuyện đùng đùng không chịu. Ông bà vốn nhân hậu và hiền lành, đúng kiểu của người ở quê trọng tình trọng nghĩa. Thương hai cháu và thương tôi, lại thương cả gia đình bên sui gia, ông bà phản đối quyết liệt chuyện anh từ bỏ hai mẹ con tôi. Bản thân anh, sau những cuộc nói chuyện với gia đình và những nghĩ suy, anh cũng ngại ngùng nhìn tôi rồi bảo: “Em không muốn thì anh… không ép!”.

Nhưng tôi cười nhẹ tênh, bảo anh: “Thôi để em ký giấy cho anh ly hôn!”. Bên nhà chồng la tôi, ba mẹ ruột cũng la tôi, bảo tôi sao dại thế. Chỉ có tôi mới hiểu lòng mình đang như thế nào. Tôi là một phụ nữ ít va chạm bon chen ngoài đời, học không cao, hiểu biết không nhiều nhưng trái tim của một người vợ thì tôi có. Tôi hiểu, một khi tình yêu của anh dành cho tôi không còn, thì cho dù tôi có cố níu kéo, cho dù anh chẳng nỡ bỏ mấy mẹ con, thì tôi vẫn sẽ mãi phải chấp nhận chuyện chồng mình không phải của “riêng mình”. Ly hôn với hai bàn tay gần như… trắng vì chồng và cô người yêu của anh đã có những tính toán riêng về tài sản. Tiền bạc của anh kiếm được trước giờ, một mình anh quản lý. Nhà của chúng tôi trên thành phố là nhà thuê, căn nhà ở dưới quê thì chẳng đáng giá là bao, có chia ra cũng chẳng đủ để ba mẹ con tạo dựng lại cuộc sống mới của mình.

Ra đi để hạnh phúc hơn

(Ảnh minh họa

Nhưng tôi vẫn quyết định đi…

Tôi chia tay với chồng lịch sự, nhẹ nhàng. Không một câu cãi cọ, không nói xấu gì anh với hai con. Anh không giành quyền nuôi con vì cô người yêu mới siêu âm cái thai trong bụng đã biết là con trai. Tôi đưa hai con về quê, ở bên nhà ngoại. Lại bắt đầu những tháng ngày tần tảo với công việc vườn tược, chăn nuôi. Nhà chồng thương, vẫn qua lại thăm nom cháu và tôi. Tôi học thêm nghề may, mở một tiệm may nhỏ làm ở nhà buổi tối. Gặp năm làm ăn thuận lợi, tôi dành dụm được chút đỉnh, lại khuếch trương tiệm lớn hơn. Trái tim tôi không thể nói là không đau. Đau lắm! Nỗi đau của một người đàn bà bị mất đi mái ấm của mình, mất đi chồng của mình thấm thía vô cùng.

> Ly hôn thời hiện đại: Bước thụt lùi hay tiến lên của xã hội?

Nhiều đêm trở qua trở lại trên giường, tôi nhớ chồng vô hạn. Vừa nhớ, vừa giận, vừa oán. Nhưng rồi, những tất tả lo toan kiếm sống đã làm tôi nguôi dần hồi nào không hay. Hai con ngoan ngoãn, hiếu thảo, càng lớn càng chăm chỉ học hành và phụ giúp mẹ đủ các việc nhà.

Trời thương cho liên tục mấy năm liền được mùa, giá heo thịt nuôi cũng tăng cao, rồi thì miếng đất nhỏ tôi mua lại tăng giá. Tôi dành dụm mãi, cộng thêm phần nhà chồng cho một nửa căn nhà cũ, tôi đủ tiền mua lại căn nhà mới khang trang.

Chồng tôi sống với vợ mới, thỉnh thoảng lắm mới về quê thăm cha mẹ. Mỗi lần anh về, ông bà cũng hay kêu tôi và hai đứa nhỏ sang chơi. Tôi cho con qua, nhưng mình thì không qua. Tôi không nghĩ mình còn có thể đối diện lại với anh, với nỗi đau mơ hồ thấm thía.

Mấy năm sau, tự dưng một người bạn học cũ từ hồi cấp 2, cấp 3 ở Mỹ bỗng về lại thăm quê. Anh qua thăm tôi. Rồi như có duyên nợ, từ những câu chuyện vui vui thời đi học, chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều chuyện khác. Anh thương hai đứa nhỏ bằng sự bao dung và chân thật, cái kiểu tốt tính y như thời còn đi học. Tự dưng mà chúng tôi yêu nhau lúc nào không biết.

Tôi cân nhắc đắn đo đủ đường, không phải cho mình mà là cho hai con. Tổn thương một lần rồi, tôi không muốn mình lại đau thêm lần nữa. Nhưng tình cảm chân thành của anh đã khiến tôi vượt qua tất cả. Như một đoạn kết của câu chuyện cổ tích, chúng tôi quyết định đến với nhau.

Ngày cưới của tôi, ông bà nội của hai đứa nhỏ có gọi điện báo cho chồng cũ. Không hiểu nghĩ sao, anh về. Đêm trước ngày rước dâu, tôi nghe bà con tề tựu về với nhau ngồi kể chuyện, có kể rằng anh mới gặp chuyện gì đó, không còn được làm ở cơ quan cũ. Vợ chồng anh giờ cũng lục đục đâu nhiều lắm.

Tôi nghe, chỉ biết thở dài. Buổi sáng hôm sau, trong lễ rước dâu, tự nhiên lúc rạng rỡ theo chồng ra xe cưới, tôi nhìn qua căn nhà cũ của vợ chồng hồi xưa gần đó, bỗng thấy chồng cũ đứng ngoài sân. Anh nhìn theo chúng tôi, cái bóng cô đơn, lặng lẽ. Chiếc áo sơ mi xộc xệch. Tự dưng tôi bỗng nghe tim mình nhoi nhói.

Không phải vì còn yêu. Chỉ là vì một cảm giác buồn nhè nhẹ len về. Ngôi nhà đó, từng góc nhà là từng giọt mồ hôi, là từng chăm chút yêu thương tôi gửi gắm vào. Kia là chỗ vợ chồng ăn với nhau bữa cơm đầu tiên. Kia là chỗ các con hay chơi đùa trong lúc tôi băm rau cho heo gà ăn…

Vợ chồng sống với nhau sao chẳng hết lòng, sao phụ rẫy làm chi. Một lần vuột tay thôi, có khi là mất nhau mãi mãi…

> Giải tỏa tâm lý phụ nữ hậu ly hôn, bí quyết nằm ở chính bạn!

> Tâm lý phụ nữ sau ly hôn: Những sự thật ít ai tỏ tường!

T.D.A

Tags:

Bài viết liên quan