Những bất ổn không thể gọi thành tên có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé yêu. Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con giúp bạn tổng hợp những thay đổi tâm lý phụ nữ sau sinh để bạn có thể thấu hiểu cũng như tìm cách bảo vệ họ tốt hơn.
Những nguyên nhân dẫn đến thay đổi tâm lý phụ nữ sau sinh
Do thay đổi nội tiết tố
Một trong những lý do làm tâm lý phụ sau sinh thay đổi liên tục chính là sự xáo trộn của nội tiết tố Estrogen và Progesterone. Trong suốt thời gian mang thai hai nội tiết tố này sẽ tăng rất cao, nhưng sau khi sinh nội tiết tố này sẽ giảm đột ngột trong 24 giờ sau đó. Chính vì sự thay đổi đột ngột này dẫn đến thay đổi tâm lý của phụ nữ sau sinh.
Luôn căng thẳng, áp lực với việc làm mẹ
Dù bạn chưa có con, nhưng chắc hẳn ai cũng biết việc nuôi một đứa trẻ chưa bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt là với những người lần đầu làm mẹ, nỗi lo lắng và áp lực càng lớn hơn. Bên cạnh đó, trẻ thường xuyên khóc đêm ngủ không thẳng giấc và thời gian uống sữa hầu như là liên tục khiến mẹ luôn trong tình trạng ngủ không đủ giấc, từ đó sinh ra căng thẳng, cáu gắt, khó chịu… một tâm lý phụ nữ sau sinh điển hình.
Không có thời gian cho sở thích của bản thân
Tuy rằng sau khi sinh con, ai cũng sẽ dồn toàn tâm vào “việc” làm mẹ. Nhưng bạn hãy tưởng tượng mình phải “vùi đầu” 24 tiếng vào việc pha sữa, dỗ con ngủ, thay tã… thì bạn sẽ “chán” đến nhường nào. Hơn nữa, những sở thích như ca hát, nhảy múa, học tập… của bạn cũng bị gián đoạn. Những điều này về lâu dài sẽ dẫn đến khó chịu và bực bội trong tâm lý của phụ nữ.
Ảnh hưởng đến ngoại hình
Một trong những thay đổi lớn nhất sau khi sinh chính là thân hình của phụ nữ, rồi cả những khuyết điểm trên gương mặt cũng dần xuất hiện. Đây chính là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý chị em sau sinh.
Nỗi lo về tài chính
Để nuôi dạy một đứa trẻ bạn phải tốn rất nhiều chi phí như: tiền tã, sữa, quần áo, thuốc men… những khoản chi này là gánh nặng của nhiều mẹ sau sinh. Nỗi lo về tài chính sẽ khiến tâm trạng của nhiều mẹ sau sinh trở nên nặng nề, khó chịu… nếu không nhận được sự quan tâm đồng cảm đúng lúc sẽ dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh.
Đặc điểm giúp bạn “đọc vị” được tâm lý phụ nữ sau sinh
Hụt hẫng, trống rỗng
Dù sao bé cũng đã ở trong bụng của mẹ hơn 9 tháng, do đó “ít nhiều” mẹ sẽ thấy hụt hẫng khi bé chào đời. Các mẹ sẽ thật hụt hẫng, trống rỗng và thấy “thiếu” một phần gì đó ở bụng. Đặc biệt khi bé vừa mới sinh ra, mẹ chưa thật sự cảm nhận rõ nét sợi dây liên kết giữa mình và con.
Tự ti về ngoại hình
Em không có gì để mặc? Dạo này em lại tăng cân rồi? Không biết khi nào tóc mới dài ra như trước?… là những câu nói bất lực mà các anh chồng sẽ nghe thấy. Cơ thể mẹ có thể thay đổi quá lớn trong thai kỳ, không có thời gian tập thể dục. Dần dần mẹ cảm thấy tự ti về ngoại hình mình.
“Baby blues” – nỗi buồn thoáng qua
Đây là trạng thái xảy ra ở 70 – 80% tâm lý phụ nữ sau sinh. Buồn thoáng qua sẽ kéo dài trong vài ngày đầu sau sinh. Khoảng 5 – 10 ngày, bạn sẽ không còn cảm thấy buồn thoáng qua nữa. Giảm khí sắc, cảm xúc không ổn định, buồn rầu, ủ rũ, lo âu, dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ… là những dấu hiệu nổi bật của tình trạng này.
Tuy nhiên, nếu tình trạng buồn tháng qua kéo dài hơn 2 tuần mà không có dấu hiệu giảm, bạn đã bị trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh
Khoảng 15% chị em trong 3 tháng đầu, 15 – 25% trong năm đầu tiên sau sinh bị trầm cảm.
Nếu bạn thấy bị áp lực, cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh… bạn rất có thể đã bị trầm cảm sau sinh. Tự cho mình là người mẹ xấu và nơm nớp lo sợ con mình sẽ bị hại chính là nỗi ám ảnh của chị em mắc bệnh trầm cảm sau sinh.
Làm sao để khắc phục tình trạng stress sau sinh?
Stress sau sinh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cũng như sức khỏe của phụ nữ nên cần được phát hiện và khắc phục sớm. Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy thực hiện ngay những cách dưới đây:
Nhờ sự giúp đỡ của người thân
Sự giúp đỡ của chồng, của người thân trong việc hỗ trợ chăm sóc con nhỏ hoặc trò chuyện, quan tâm đến bạn sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng và giảm căng thẳng. Nếu được mọi người quan tâm, tình trạng stress sau sinh sẽ nhanh chóng biến mất và mẹ sẽ sớm quay trở lại cuộc sống bình thường đầy ắp tiếng cười bên bé thơ.
Thay đổi chế độ ăn uống
Sau sinh nhiều sản phụ phải ăn uống kiêng khem để đảm bảo nguồn sữa và giảm cân. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mẹ nên ăn uống đa dạng để có được nguồn sữa chất lượng. Nếu đang gặp phải tình trạng stress sau sinh, hãy bổ sung vào thực đơn các thực phẩm giàu vitamin B, C, kẽm, magie, omega-3… vì nó có tác dụng chống lại stress, giúp tinh thần thoải mái hơn.
Lập thời gian biểu chăm sóc con
Nhiều mẹ căng thẳng, rối loạn khi thời gian chăm sóc con gần như chiếm trọn cả ngày của mẹ. Hơn nữa, giờ giấc sinh hoạt của bé thường xuyên đảo lộn cũng khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, bất lực. Vì thế, lập thời gian biểu chăm sóc con là biện pháp giúp mẹ không còn cảm thấy căng thẳng nữa. Bạn hãy mạnh dạn chừa một khung giờ nhất định cho chồng, để chồng bạn được “trải nghiệm” cảm giác chăm con là như thế nào.
Đừng quá khắt khe với con
Nếu mẹ đang kỳ vọng vào một đứa trẻ sơ sinh ngoan ngoãn, biết ăn no, ngủ kỹ, đúng giờ, không quấy khóc thì khi bé không đạt được những yêu cầu ấy, bạn sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Quá khắt khe với con cũng chính là mẹ tự tạo nhiều áp lực cho bản thân.
Vì thế, hãy nhẹ nhàng một chút với bé, cho con được phát triển theo đúng nhu cầu và khả năng của bản thân. Việc bạn cần làm là tin tưởng vào con để cảm thấy dễ thở hơn. Thông thường tâm lý phụ nữ sau sinh sẽ mong muốn con lớn thật nhanh như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng mẹ biết không? Mỗi đứa trẻ có một cơ địa khác nhau, nên tốc độ phát triển vì vậy cũng có phần chênh lệch.
Luyện tập thể dục
Một vài động tác thể dục nhẹ nhàng cũng sẽ giúp tâm trạng của bạn thoải mái hơn. Yoga, đi bộ… là những bài tập phù hợp cho mẹ sau sinh. Việc tập luyện sẽ giúp não bộ tạo cảm xúc tích cực, đẩy lùi stress sau sinh.
Bạn có thể đăng ký vài lớp học thể hình dành riêng cho mẹ sau sinh, không chỉ giúp bạn lấy lại thân hình chuẩn mà còn giải quyết các vấn đề tâm lý phụ nữ sau sinh thường gặp.
Không so sánh mình với người khác
Mỗi người sẽ có những quan điểm, nhìn nhận cũng như sự phát triển khác nhau nên bạn đừng nhìn vào người khác để so sánh với mình. Đừng so sánh tại sao họ lấy lại dáng nhanh như vậy mà sau sinh mình vẫn béo “ú nu”, đừng so sánh con họ mập trong khi con mình lại còi… Những so sánh này đang tự làm hại chính mẹ.
Vì thế, hãy tin tưởng vào em bé của bạn, tự tin với cơ thể của chính mình để luôn có những suy nghĩ tích cực, hạn chế bị stress sau sinh.
Chăm sóc bản thân
Mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi cũng như chăm sóc bản thân. Hãy nghe những bản nhạc mẹ yêu thích, xem những bộ phim, đọc sách và thư giãn khi em bé ngủ hoặc nhờ người trông bé giúp để mẹ có nhiều thời gian cho bản thân. Như vậy, mẹ sẽ thấy tâm trạng được cải thiện rất nhiều.
Tâm lý phụ nữ sau sinh có nhiều biến động nên tình trạng stress là không tránh khỏi, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành động của chị em phụ nữ và cả bé yêu. Chính vì vậy, gia đình đặc biệt là người chồng hãy luôn kề cạnh và chia sẻ đúng lúc để mẹ khỏe, bé vui nhé!