Mẹ&Con - Người đi làm từ thiện lũ lụt miền Trung có thể hóa thành “ông bụt”, “bà tiên”, cũng có khi lại thành kẻ “thừa nước đục thả câu”...

Ông bà xưa nói thường nói “lá lành đùm lá rách”. Thế nhưng, cổ nhân có lẽ cũng không ngờ rằng chuyện làm từ thiện thời hiện đại cũng khó khăn chẳng khác gì… làm dâu trăm họ. Tiếp sau dịch Covid-19, lũ lụt miền Trung năm nay lại trở thành chủ đề khiến cả cộng đồng chú ý và dân mạng bàn tán xôn xao.

“Lá rách” te tua đã đành, “lá lành” cũng bầm dập chẳng kém. Từ người nổi tiếng cho đến các doanh nghiệp và một cá nhân nào đó cũng có thể khiến các “anh hùng bàn phím” bày tỏ quan điểm sắc lẻm như dao phay.

Phải chăng người đi làm từ thiện lũ lụt miền Trung cũng phải làm vừa lòng trăm họ mới “yên ổn”?

Người nổi tiếng hóa thành… “ông bụt”, “bà tiên”

Thủy Tiên làm từ thiện
Ca sĩ Thủy Tiên trong các chuyến đi làm từ thiện lũ lụt miền Trung 2020

Thủy Tiên được Trấn Thành gọi là “bà tiên” trong mùa lũ lụt miền Trung năm nay với tổng số tiền quyên góp lên đến 150 tỷ (cập nhật đến ngày 24/10/2020). Cô ca sĩ “quán quân từ thiện” đã khiến hơn 6.900.000 người hâm mộ hồi hộp theo từng bước chân dầm mưa đi cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung. Thế nhưng, vẫn có không ít người hoài nghi về các khoản chi làm từ thiện và đề nghị Thủy Tiên nên minh bạch rõ ràng.

Nếu từng thử một lần đi làm từ thiện trong điều kiện mưa lũ, bạn sẽ nhận ra chuyện minh bạch từng đồng tiền lẻ không hề đơn giản như khi ngồi trên bàn giấy.

Thủy Tiên cho biết: “Mưa to như vậy điện thoại cầm quay mà nó bị nước vô hư luôn, mưa to ngón tay lạnh ngắt bấm phím cảm ứng nó không ăn luôn. Giấy nào mà chịu nổi để ghi trong lúc trời mưa như vậy? Mỗi ngày đoàn gom được trên dưới 1.000 thùng mì và các loại thực phẩm tính ra là 6-7 ngày là 6-7 nghìn người chưa kể có khi 1 ngày nhiều hơn 1.000 người hết sạch mì để cho thì chỉ cho bánh nước và tiền. Mỗi ngày mà ghi rồi cộng cả nghìn con số thì chắc chết luôn…”

Không phải chỉ riêng Thủy Tiên, nhiều người nổi tiếng khác cũng phải chịu không ít lời ra tiếng vào về số tiền đi làm từ thiện. Người quyên góp nhiều tiền trực tiếp đi làm việc tốt thì bị phán xét “dùng quỹ sai mục đích”, người quyên góp ít hơn thì bị chê rằng “keo kiệt”…

Những “ông bụt” và “bà tiên” thời hiện đại cũng là con người với tâm hồn dễ bị tổn thương. Họ có thu nhập cao và quyên góp được số tiền lớn cũng vất vả lắm.

Thay vì săm soi các sao đi làm từ thiện mà mặc hàng hiệu hay tô son hớn hở như đi du lịch, chúng ta nên theo dõi cuộc hành trình giúp đỡ người dân của họ. Nếu ủng hộ cách làm của ai thì bạn có thể đóng góp cho người ấy. Khi bạn đã tin tưởng họ thì những giấy tờ in sao kê hay bảng công khai chi tiêu cũng chỉ mang tính hình thức mà thôi.

Các đoàn thể cũng phải đắn đo khi làm từ thiện

lam-tu-thien-lu-lut-mien-trung
Các đoàn thể nên tìm hiểu người dân miền Trung lũ lụt thật sự cần gì

Trong trận lũ lịch sử của người dân miền Trung, rất nhiều đoàn thể cũng tổ chức đi làm từ thiện để kết hợp PR cho mình. Có doanh nghiệp còn đăng báo những bức ảnh có quà tặng cứu trợ là sản phẩm của công ty.

Chị L.B (Hà Nội) là một doanh nhân cảm thấy bức xúc khi đọc một bài PR về một nhãn hàng đi làm từ thiện: “Đúng là họ cũng phải lặn lội vất vả đến được vùng lũ. Có thể họ cũng dầm mình dưới mưa, ăn vội cái bánh mì hay bát mì tôm để đi làm từ thiện, mình chưa làm được như thế. Thế nhưng, mình không đồng tình với quan điểm là ‘doanh nghiệp có thứ gì thì cho thứ đó’. Không cứu trợ thì thôi, cứu trợ cũng phải đúng nghĩa chứ”.

Nhiều người cho rằng doanh nghiệp đi làm từ thiện có mục đích PR cho thương hiệu thì cũng chẳng khác gì… thừa nước đục thả câu. Có lẽ các doanh nghiệp cũng chỉ tận dụng những gì sẵn có như sản phẩm, đồng phục hay chiếc túi tặng quà nhưng lại vô tình gây phản ứng ngược. Thế mới biết, doanh nghiệp muốn đi làm từ thiện cũng phải đắn đo nhiều lắm!

Bên cạnh các doanh nghiệp tranh thủ PR cho nhãn hàng, những đoàn thể đi làm từ thiện theo phong trào để chụp ảnh post lên mạng cũng bị lôi ra “chém” trên Facebook. Thực tế, không phải đoàn làm từ thiện nào cũng chịu khó đi sâu vào tâm lũ để cứu trợ. Nhiều đoàn chỉ dừng lại ở bên mép rìa dẫn đến tình trạng nơi thì thừa mứa, chỗ lại thiếu thốn.

Để chuyến đi làm từ thiện trở nên ý nghĩa và thiết thực, các đoàn thể cũng nên tìm hiểu thật kỹ người dân vùng lũ lụt đang thật sự cần gì.

Lũ lụt miền Trung đã khiến người dân mất mát nhiều vô kể, họ cần chúng ta chia sẻ bớt gánh nặng để có thể trở lại cuộc sống bình thường. Nếu cả đoàn kéo nhau đi làm từ thiện rôm rả như trẩy hội chỉ để post lên Facebook “sống ảo” thì nên ở nhà chuyển khoản sẽ ý nghĩa hơn.

Các “anh hùng bàn phím” nổi dậy như nấm

nhóm từ thiện của MC Minh Trang
           Thay vì làm “anh hùng bàn phím”, hãy làm từ thiện lũ lụt miền Trung có tâm 

Trận lũ lịch sử năm 2020 có thể xem là một trong những chủ đề nóng bỏng khiến số lượng “anh hùng bàn phím” tăng vọt sau mỗi bức ảnh làm từ thiện được đăng lên. Nhìn thấy cảnh tượng bà con ướt nhẹp ngoi ngóp trong biển nước đục ngầu, bất cứ ai cũng có thể nổi “máu anh hùng”.

Thế nhưng, những gì bạn nhìn thấy cũng chỉ là 1 phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Còn đến 7 phần còn lại, hầu hết chúng ta đều không biết mà chỉ có thể “tưởng tượng” và “suy diễn”.

Trong khi so sánh số tiền đóng góp của người nổi tiếng, chúng ta quên rằng tiền họ kiếm được cũng thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Những lúc phán xét cách làm từ thiện của người khác, chúng ta lại chẳng nghĩ ra nếu mình đích thân làm thì chưa chắc đã tốt hơn. Nhiều người làm “anh hùng bàn phím” rất hùng hổ nhưng không chắc làm từ thiện có tâm.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no, MC Minh Trang cũng từng chia sẻ: “Miền Trung rất cần sự chia sẻ của chúng ta, nhưng xin hãy cho đi thứ người nhận cần, đừng coi đây là dịp để dọn kho, để giải tán đồ thừa, để đẩy đi sản phẩm lỗi, hết date…”. Chuyện đi làm từ thiện thật sự cần cái tâm chứ không chỉ đơn giản là ngồi gõ bàn phím rồi gửi đại vài món đồ cũ.

Nhóm Mầm Nhỏ của Trang thu gom quần áo cũ của mọi người mà dở khóc dở cười: “không ít bọc quần áo chúng mình mở ra mà cả nhóm phải bịt mũi, nhăn mặt vì mùi hôi ẩm, nhiều bộ mốc xanh mốc đỏ, nhiều đồ lót, váy 2 dây, trang phục hở hang… Cả team hơn 10 người, có lúc tới hơn 2 chục người, gần như bỏ hết công việc để chia nhau ra phân loại đóng gói đồ mọi người gửi quyên góp… Thực sự chúng mình không ngại việc, không sợ mệt, nhưng thấy buồn lắm vì không thấy được cái tâm của người trao tặng…”.

Ý nghĩa của chuyện đi làm từ thiện chính là “cái tâm của người trao tặng” chứ không phải là giá trị của đồng tiền hay món quà cứu trợ.

Số tiền quyên góp 30 nghìn đồng của một bạn sinh viên nghèo gửi Thủy Tiên cũng đáng quý như 300 triệu của một MC nổi tiếng như Trấn Thành. Nếu bạn làm việc tốt vì thật lòng thương xót đồng bào mình, bạn sẽ không do dự khi đóng góp cho người đi làm từ thiện lũ lụt miền Trung. Họ “làm dâu trăm họ” vốn đã vất vả lắm rồi nên rất cần sự cảm thông thay vì phán xét và chỉ trích. Bạn có thấy vậy không? 

Bài viết liên quan