Mẹ&Con - Đưa bé đến những buổi tiệc đông người, thiên thần bé bỏng của bạn lập tức trở thành “tâm điểm” của sự quan tâm… Nào là người lớn hỏi han, nào là nhiều bé khác cùng có mặt, nào là chuyện ăn chuyện uống, v.v.. Cách cư xử của bé sẽ là “thước đo” đánh giá “mẹ khéo dạy con” hay “Sao lại để con cái hư đến thế?”

Khi con không chịu ngồi yên

Không có gì đáng bực mình hơn khi đến một buổi tiệc quan trọng, giữa chốn đông người, bé cứ nhõng nhẽo đòi bạn liên tục, loay hoay không yên. Bạn bảo con ăn món này bé lại vòi cho bằng được món kia, nói con chào hỏi khách quen thì bé nhất định im bặt, lắc đầu, không chịu thưa một tiếng. Không dừng lại ở đó, một vài sự cố khác lại “được” bé tiếp tục gây ra: hất tay làm đổ ly nước, rơi đồ ăn lên quần áo, chạy rượt đuổi với các bé khác.

Bạn đâm ngại, hiếm khi muốn dắt bé theo cùng. Còn mỗi lần dẫn bé theo, bạn hầu như phải chuẩn bị tinh thần là chẳng ăn được gì, chẳng nói chuyện được với ai, bị “cột” chặt với bé từ đầu đến cuối. Có lúc bạn cũng ngạc nhiên nghĩ thầm: Sao lạ thế không biết, ở nhà bé cũng khá ngoan cơ mà! Đâu có đến nỗi “quậy tưng” dữ vậy đâu. Vậy mà cứ đến chỗ tiệc tùng là y như rằng, bé như vượt khỏi tầm kiểm soát của chính bạn.

dạy con đi tiệc

Ảnh minh họa

Hãy biết rằng điều này vốn rất bình thường. Đến chỗ tiệc tùng, mọi thứ quanh bé đều trở nên khác lạ. Không gian khác, những con người khác, những món ăn khác, những cư xử của chính bố mẹ cũng trở nên hoàn toàn khác biệt. Gặp những thay đổi này, bé cũng rơi vào một trạng thái gần giống như “stress” nhẹ.

> 8 cách giữ an toàn cho trẻ

Bé thay đổi nhanh cách ứng xử, phần vì lúng túng, phần vì muốn gây chú ý với bạn. Bé cảm thấy thoáng “sợ”, trong khi mẹ lại như là “bỏ quên” mất bé (vì phải tập trung nhiều hơn vào khách khứa). Những việc bé làm lúc này phần nào vì muốn mẹ hiểu bé đang cần mẹ và muốn mẹ dành sự quan tâm trở lại cho mình.

Ngoài ra, tùy tính cách của từng bé, có bé rất dễ thích nghi với những đổi thay, nhưng cũng có những bé lúng túng rất nhiều, cảm thấy e ngại, sợ sệt, mất tự tin. Một số “rối loạn” nhẹ có thể xảy ra. Ví dụ như bé bảo với bạn rằng bé mắc tiểu liên tục hoặc ăn không được, thậm chí có triệu chứng buồn nôn nhẹ. Tuy nhiên, một “may mắn” cho bạn là hầu hết tất cả những điều này đều có thể được khắc phục nếu bạn trang bị cho bé kỹ năng dự tiệc đúng cách, giúp bé hòa nhập vào môi trường tiệc tùng nhanh chóng và tự tin hơn.

Chuẩn bị cho bé những gì?

Trước tiên là chuyện trang phục. Nhiều mẹ đến lúc đi tiệc liền thay đổi 180 độ trang phục của con. Những bộ quần áo bình thường của bé được thay bằng những chiếc đầm lộng lẫy, đầy voan và ren, hoặc những bộ vest như kiểu người lớn. Tóc của các bé gái cũng được thắt, tết theo kiểu khác. Một số phụ huynh còn “điệu” cho con bằng cách trang điểm không khác gì người lớn.

dạy con đi tiệc

Ảnh minh họa

Việc này thực tế là không nên, dù biết nên cho bé ăn mặc đẹp nhưng bạn không nên thay đổi đột ngột. Thay vì đợi đến ngày tiệc mới cho bé mặc áo mới, bạn có thể cho bé mặc trước một vài lần. Trang phục tiệc của bé có thể chọn những loại sang trọng, xinh xắn, nhưng vẫn phải đảm bảo thoải mái, dễ thấm hút mồ hôi, giúp bé hoàn toàn dễ chịu khi mặc liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ.

Cũng không nên trang điểm cho bé vì nó sẽ khiến bé cảm thấy mất thoải mái, tự nhiên, khiến bé “già” đi so với bạn bè, cũng như dễ ảnh hưởng đến làn da còn rất non nớt của bé.

Bạn cũng cần xác định xem độ tuổi của con đã thích hợp với việc đến dự tiệc hay chưa, thời gian tổ chức tiệc có kéo dài quá khuya trong khi bé sẽ rất dễ buồn ngủ vào khoảng thời gian đó hay không, v.v.. Trong một số trường hợp, khi thấy không phù hợp, bạn nên mạnh dạn để bé ở nhà. Vì đưa bé theo lúc này có thể gây nên khó khăn cho cả hai mẹ con.

Ngoài ra, lúc bình thường ở nhà, bạn nên hướng dẫn cho bé hết mọi kỹ năng cần thiết khi đi dự tiệc. Hãy biết rằng những ứng xử, kỹ năng tốt không phải tự nhiên mà có. Hãy nhớ lần đầu tiên bạn dự một buổi tiệc sang trọng, bạn đã lúng túng như thế nào. Bé cũng thế thôi! Bé cần bạn trang bị cho những kỹ năng, chứ đừng nghĩ rằng con còn nhỏ và chuyện này chẳng cần để tâm đến.

Th.S. Nguyễn Thị Châu Hà

Với các buổi tiệc buffet, nên hạn chế đưa bé đi theo vì bạn rất khó có thể phục vụ cho bé suốt buổi. Về phía bạn, bạn sẽ không có thời gian để chào hỏi, giao tiếp với ai khác cả.

Không nên đưa bé đến

– Những buổi tiệc mà trên thiệp mời đã ghi rõ không đưa trẻ em theo (ví dụ tiệc sự kiện, ra mắt sản phẩm, v.v.). Đưa bé đến những buổi tiệc thế này sẽ gây khó khăn cho bạn lẫn cho Ban tổ chức. Nếu thiệp không viết về điều này nhưng bạn cảm thấy băn khoăn, hãy hỏi trực tiếp người tổ chức trước khi quyết định có nên đưa bé đi cùng không.

– Không đưa bé đến những buổi tiệc được định hình theo phong cách quá sôi động. Ví dụ có nhảy múa, hát hò, nhậu nhẹt nhiều, v.v.. Khói thuốc, âm thanh, tiếng ồn đều sẽ khiến bé cực kỳ mệt mỏi.

 Bí quyết cho mẹ đây!

1. Dạy con chào hỏi

Cho bé thực tập thật nhiều lần cách xưng hô, chào hỏi với người lớn. Bạn có thể tập cho bé với bà con, hàng xóm, với chú bảo vệ ở trường, với khách đến chơi nhà, v.v.. Hướng dẫn con khi mẹ giới thiệu con với người khác thì con nên chào hỏi ra sao. Càng quen thuộc với việc này, bé càng tự tin và thoải mái khi tham dự tiệc.

2. Tập cho con cách sử dụng các đồ vật trên bàn tiệc

Chén dĩa, ly tách quá nhiều trên bàn tiệc sẽ khiến bé “phát hoảng”. Bạn nên hướng dẫn con dần dần cách sử dụng các đồ vật này. Hoặc trong trường hợp bé vẫn còn cần bạn đút thức ăn, bạn cũng nên cho con biết cách thức ngồi ăn ngoan, cách nói nhỏ với mẹ những gì bé thích và không thích chứ không được vòi vĩnh lung tung.

3. Không chiều bé quá, cũng không la mắng bé

Hãy đưa ra một số quy tắc với bé, ví dụ như khi bạn lắc tay nghĩa là phải “dừng lại”, không vòi vĩnh thêm. Những “dấu hiệu” này nên cho bé thực tập từ ngày thường. Còn trong buổi tiệc, bạn không nên chiều bé quá hoặc la mắng bé quá mức. Cũng như người lớn, khi bị làm “bẽ mặt” trước người khác, bé sẽ càng “nổi loạn” hơn.

4. Giải thích và chuẩn bị tinh thần trước cho bé

Cho bé biết bé sẽ có nhiều bạn bè, sẽ gặp nhiều người lớn trong buổi tiệc và cách ứng xử của bé như la hét, nói lớn tiếng, v.v. sẽ khiến mọi người lúng túng, mất vui. Cho con biết lúc nào bé có thể đùa vui, lúc nào nên giữ trật tự cùng với mọi người. Hiểu rõ để làm theo, bé sẽ luôn thấy mình đang “làm đúng”.

5. Mang theo đồ chơi quen thuộc

Một chú gấu nhỏ hoặc con búp bê ôm trên tay sẽ khiến bé thấy dễ chịu và thoải mái hơn. Tuy nhiên, bạn không nên cho con mang theo quá nhiều đồ chơi, vì nếu bé khác giành hoặc muốn chơi chung mà con bạn lại không thích thì sẽ xảy ra những chuyện “khó xử” cho bạn đấy.

> 4 tác hại không ngờ tới khi trẻ vừa ăn vừa xem tivi

> Nuôi dạy con đúng cách thời 4.0

Tags:

Bài viết liên quan