Mẹ&Con – Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định (sau đây gọi chung là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, có chức năng chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về y tế theo quy định của pháp luật.
Lịch sử hình thành đơn vị Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, có chức năng chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về y tế theo quy định của pháp luật.
Từ khi được thành lập đến nay, đơn vị trải qua rất nhiều giai đoạn với chức năng nhiệm vụ và tên gọi khác nhau.
Vào đầu năm 1954, Vụ phòng dịch và chữa bệnh – Bộ Y tế được ra đời và tách thành Vụ Vệ sinh phòng dịch năm 1956, sau đó đổi tên thành Vụ Vệ sinh môi trường, Vụ Y tế dự phòng và Cục Y tế dự phòng – Phòng chống HIV/AIDS…
Ở các địa phương, Đội chống dịch lưu động trực thuộc Văn phòng Ty Y tế cũng được thành lập năm 1956 và hoạt động đến năm 1963 và là tiền thân của Trạm Vệ sinh phòng dịch- chống sốt rét sau này.
Thực hiện Thông tư số 21/TTLB của Liên Bộ Y tế – Nội vụ, ngày 13 tháng 9 năm 1963 Trạm Vệ sinh phòng dịch – Chống Sốt rét tỉnh Nam Định được thành lập.
Tên gọi đơn vị qua các thời kỳ:
- I. 1963-1965: Trạm VSPD – CSR tỉnh Nam Định
- II. 1965-1976: Trạm VSPD tỉnh Nam Hà
- III. 1976-1991: Trạm VSPD tỉnh Hà Nam Ninh
- IV. 1992-1996: Trung tâm VSDT tỉnh Nam Hà (tách tỉnh Ninh Bình quý I năm 1992).
- V. 01/01/1997: Trung tâm Vệ sinh dịch tễ tỉnh Nam Định (tách tỉnh Hà Nam tháng 12 năm 1996).
- VI. 20/06/1997: Đổi tên Trung tâm VSDT tỉnh Nam Định thành Trung tâm YTDP tỉnh Nam Định
Ở mỗi giai đoạn khác nhau, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ nhân viên của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định đều sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều đồng chí đã trưởng thành và là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành Y tế tỉnh.
Trong suốt hơn 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế, sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư có hiệu quả của các cơ quan Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định qua các thời kỳ đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn gian khổ để ngăn chặn và khống chế các bệnh dịch đe dọa tính mạng và sức khỏe của hàng triệu người dân trong tỉnh.
Trong công tác phòng chống dịch, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, tích cực chủ động củng cố mạng lưới, kiểm tra giám sát, nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán chính xác các dịch bệnh để có tính chủ động trong công tác phòng bệnh, phát hiện dịch sớm, chống dịch kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Công tác tiêm chủng mở rộng đã đạt được nhiều thành tựu và được Bộ Y tế đánh giá cao về tính chủ động. Hàng năm duy trì tiêm chủng đầy đủ từ 98% trở lên, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đem lại niềm tin cho nhân dân trong tỉnh. Củng cố toàn bộ hệ thống tiêm chủng từ huyện đến cơ sở, rà soát trang thiết bị, hệ thống kỹ thuật, đào tạo nhân lực, kiểm tra đôn đốc các tuyến, cơ bản đảm bảo được các chỉ tiêu: đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật tiêm chủng,….
Ngoài ra, các công tác khác như: phòng chống sốt xuất huyết, sốt rét, bệnh dại, vệ sinh lao động- phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, y tế học đường, nước sạch và vệ sinh môi trường, dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống các bệnh không lây nhiễm … cũng được Trung tâm triển khai có hiệu quả.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với những cố gắng của mình, Trung tâm đã đạt được nhiều thành tựu, được Chính phủ, Bộ Y tế, UBND Tỉnh, Sở Y tế ghi nhận như: Huân chương lao động hạng nhất, nhì, ba; Nhiều năm liền được Bộ Y tế, UBND Tỉnh, Sở Y tế tặng Bằng khen Tập thể lao động tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc, Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc” và là đơn vị có phong trào thi đua tiên tiến điển hình. Trong năm 2014, Trung tâm được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và đặc biệt Trung tâm là một trong số ít Trung tâm Y tế Dự phòng được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh các thành tích của đơn vị, các cá nhân, các khoa phòng trong đơn vị cũng có nhiều cố gắng và đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, đã được Bộ Y tế, UBND Tỉnh, Sở Y tế tặng Bằng khen và Giấy khen trong nhiều năm liên tục.
Trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác y tế dự phòng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Công tác dự phòng hiệu quả có thể giúp giảm bớt tình trạng bệnh tật và tử vong của cộng đồng. Hiện nay, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến công tác Y tế dự phòng đã được ban hành, tạo điều kiện cho mạng lưới Y tế nói chung và YTDP nói riêng đã không ngừng phát triển và mở rộng tới tận các thôn, xóm. Những hoạt động của hệ YTDP đã thiết thực góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân trong tỉnh.Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định đã, đang và luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Vị trí, chức năng
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, có chức năng chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về y tế theo quy định của pháp luật.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, có trụ sở làm việc theo quy định của pháp luật.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, hoạt động và các nguồn lực của Sở Y tế; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế.
Nhiệm vụ và quyền hạn
Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên, môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên cơ sở định hướng, chính sách, chiến lược, kế hoạch của Bộ Y tế và tình hình thực tế của địa phương trình Sở Y tế phê duyệt: giám sát, phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, các bệnh xã hội; kiểm dịch y tế; sức khỏe môi trường, sức khỏe lao động, sức khỏe trường học; chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; xét nghiệm an toàn thực phẩm; dinh dưỡng cộng đồng; vệ sinh phòng bệnh; quản lý, sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế; an toàn sinh học; phòng chống tai nạn thương tích; các hoạt động nâng cao sức khỏe, phòng chống các yếu tố nguy cơ tác động lên sức khỏe; khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm và quản lý, điều trị dự phòng ngoại trú các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm.
Chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng đối với các Trung tâm Y tế hoặc Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là Trung tâm y tế huyện), cơ sở y tế và Trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Triển khai các hoạt động truyền thông nguy cơ; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe thuộc lĩnh vực y tế dự phòng.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo liên tục về chuyên môn, kỹ thuật cho công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm; tham gia đào tạo, đào tạo liên tục về chuyên môn, kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế dự phòng theo kế hoạch của tỉnh, Trung ương trên địa bàn; là cơ sở thực hành của các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên địa bàn và của Trung ương trong lĩnh vực y tế dự phòng.
Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế dự phòng.
Đề xuất, quản lý và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình mục tiêu y tế quốc gia và hợp tác quốc tế về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh khi được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt.
Tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm, quản lý, điều trị dự phòng ngoại trú các bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm.
Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá các hoạt động thuộc lĩnh vực y tế dự phòng trên địa bàn.
Thực hiện quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quản lý tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các quyền hạn, nhiệm vụ khác do Sở Y tế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
Cơ cấu tổ chức
Lãnh đạo Trung tâm
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có Giám đốc và các Phó Giám đốc theo quy định của pháp luật;
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm;
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là người phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc Trung tâm phân công; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc Trung tâm vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành hoạt động của Trung tâm;
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Các phòng chức năng
- Phòng Tổ chức – Hành chính;
- Phòng Kế hoạch – Tài chính.
Các khoa chuyên môn
Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm;
Khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng;
Khoa Sức khỏe môi trường và Sức khỏe trường học;
Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (thành lập ở những tỉnh, thành phố không có Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường);
Khoa Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng (thành lập ở các tỉnh, thành phố không có Trung tâm sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng);
Khoa Kiểm dịch y tế (thành lập ở các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế mà không có Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế);
Phòng Khám tư vấn và điều trị dự phòng. Riêng đối với hình thức Phòng khám đa khoa chỉ được thực hiện khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật liên quan và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập;
Khoa Xét nghiệm.
Ngoài các khoa, phòng nêu trên tùy theo nhu cầu công việc và khả năng cụ thể của Trung tâm mà một số khoa, phòng khác sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập khi đủ điều kiện và theo quy định của pháp luật.
(Hướng dẫn một số nội dung chi tiết nhiệm vụ các khoa, phòng thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh theo phụ lục kèm Thông tư này).
Vị trí việc làm và số lượng người làm việc
Vị trí việc làm, số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được xác định trên cơ sở đề án vị trí việc làm của Trung tâm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật. Ngoài nhân lực được giao, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được ký hợp đồng lao động để đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ và khối lượng công việc theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý, sử dụng nhân lực của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2015.
Bãi bỏ Quyết định số 05/2006/QĐ-BYT ngày 17 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Trách nhiệm thi hành
- Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế làm đầu mối tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn tại Thông tư này quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh kịp thời về Bộ Y tế để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Thông tin liên hệ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nam Định
- Địa chỉ: Đường Phù Nghĩa – Tp Nam Định
- Điện thoại: 02283-636673
- Fax: 02283-636673
- Email: ttytdp.yt@namdinh.chinhphu.vn hoặc yteduphongnd@gmail.com